Ninh Thuận: Cần đẩy mạnh phát huy giá trị di sản văn hóa để thu hút du khách

Đỗ Vương | 14/07/2022 08:41

Ninh Thuận là địa phương có đa dạng các loại hình di sản văn hóa được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Trong đó, phải đặc biệt kể đến các di sản văn hóa đền, tháp, lăng… mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm, Raglai. Chính vì vậy, di sản văn hóa là một trong những thế mạnh có thể tạo ra các sản phẩm đặc biệt để thu hút du khách đến với vùng đất biển xanh, cát trắng, nắng vàng.

nt1.jpg

Tháp Po Klong Grai thu hút người dân, du khách đến tham quan dịp lễ hội

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm: tháp Chăm, di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh. Trong đó, 64 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Toàn tỉnh hiện nay có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai; 17 di sản cấp quốc gia, trong đó có 12 di tích, 5 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ninh Thuận còn có 44 di tích cấp tỉnh và 41 di tích là các đình, đền, lăng, miếu khác. Đặc biệt, Ninh Thuận được vinh danh là một trong số 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngoài các di tích, di sản văn hóa lịch sử đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp, Ninh Thuận còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn; Tết Cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; nghệ thuật làm gốm truyền thống; nghề dệt thổ cẩm truyền thống; nghề làm thuốc Nam của người Chăm; lễ Bỏ mả với nghệ thuật trình diễn mả la của người Raglai; lễ hội cầu ngư (với các hoạt động hát tuồng, hát lăng, đua thuyền rồng, lễ xuất quân đánh bắt đầu năm, nghinh ông cầu mùa) của ngư dân vùng ven biển… Đến nay các loại hình di sản văn hóa nếu phát huy hiệu quả có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, thu hút du khách đến với địa phương.

Chị Nguyễn Như Quỳnh, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cảm nhận: Ninh Thuận hấp dẫn bởi nhiều loại sản phẩm du lịch độc đáo có biển đảo, sa mạc, nông trại… Bên cạnh đó, Ninh Thuận rất đa dạng về văn hóa của đồng bào các dân tộc, chính điều này đã tạo nên điều đặc biệt thu hút du khách.

“Tôi đã đến Ninh Thuận và được tham quan Tháp Po Klong Grai, Làng gốm Bàu Trúc, đồi cát Nam Cương… mỗi địa danh đều gắn liền với lịch sử văn hóa và đời sống cư dân nên rất thú vị. Ở đây có những câu chuyện xưa về lịch sử khai sinh vùng đất, có những điều bí ẩn tâm linh nơi đền tháp mà đến nay chưa lý giải”- chị Như Quỳnh cho biết.

Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Tuấn, du khách đến từ miền Tây lại cho rằng: “Ninh Thuận hội đủ các điều kiện về khí hậu, văn hóa, thổ nhưỡng cho đến tài nguyên du lịch để trở thành một trung tâm du lịch lớn…”.

nt2.jpg
Múa Chăm được người dân, du khách quan tâm tìm hiểu

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa- Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm trở lại đây, du lịch địa phương đã có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng nhanh. Các điểm du lịch đền tháp đang dần thu hút nhiều du khách đến tham quan. Với lợi thế tiềm năng về tài nguyên du lịch cùng với đà tăng trưởng nhanh, Ninh Thuận đang dần trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận ước đạt 1.436.800 lượt, tăng 27,9% so cùng kỳ, đạt 75,6% so với kế hoạch. Trong đó, khách là người nước ngoài công tác, làm việc tại tỉnh ước đạt 4.940 lượt; khách nội địa ước đạt 1.431.860 lượt; thu nhập từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.051 tỉ đồng, tăng 48% so cùng kỳ, đạt 75,1% so với kế hoạch.

Nhận thấy tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với phát triển du lịch, thời gian qua, Sở VH,TT&DL đã triển khai nhiều hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ tham mưu trình các cấp thẩm quyền xếp hạng di tích, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030; đồng thời xác định “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội”.

Để tạo đòn bẩy phát triển du lịch văn hóa trong giai đoạn mới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Cần đẩy mạnh phát huy giá trị di sản văn hóa để thu hút du khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO