Tài nguyên

Ninh Thuận: Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học- nền tảng cải thiện sinh kế bền vững

Đỗ Vương 19/03/2024 - 17:26

Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, Ninh Thuận sở hữu các hệ sinh thái rừng, biển, bán sa mạc, mang những nét khác biệt, độc đáo, là một trong những địa phương có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, do những tác động đa chiều đang khiến nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng. Từ đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học được tỉnh Ninh Thuận xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, nhiều khu vực của tỉnh được nghiên cứu cho thấy sự đa dạng sinh học khá cao. Sự đa dạng đó được thể hiện rõ nét nhất ở các khu bảo tồn tập trung tại Vườn Quốc gia Phước Bình và Vườn Quốc gia Núi Chúa. Cả hai khu vực này chứa đựng những giá trị đa dạng sinh học phong phú với nhiều loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm.

z3864424908048_943e2b38786a9f81fccb3b73cd5589be.jpg
Một góc Vịnh Vĩnh Hy

Trong đó, Vườn Quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái) có tổng diện tích gần 25.000 ha. Qua thống kê, hiện vườn này có 1.338 loài thực vật; trong đó, có 172 loài thực vật quý hiếm, 60 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 55 loài được ghi trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật của vườn cũng đa dạng với 347 loài; trong đó, có 110 loài động vật quý hiếm, 62 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 40 loài có trong Danh lục đỏ IUCN.

Đặc biệt, nơi đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm, gồm: vượn má hung; chà vá chân đen; cầy vằn bắc và mang lớn. Vườn còn được công nhận là một trong 63 vùng chim và là nơi có số lượng bò tót, nai nhiều nhất các khu bảo tồn ở Việt Nam hiện nay.
Vườn Quốc gia Núi Chúa (thuộc địa phận hai huyện Ninh Hải, Thuận Bắc) có tổng diện tích trên 31.000 ha, hệ sinh thái của vườn phong phú, đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm và đặc hữu cả ở trên cạn, dưới biển. Qua khảo sát, hệ thực vật của Vườn đã ghi nhận 1.514 loài, trong đó có 54 loài thực vật quý hiếm, 22 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN, 43 loài có trong Sách đỏ Việt Nam.
Hệ động vật của vườn rất đa dạng với 766 loài được biết đến; trong đó, có 60 loài động vật quý hiếm, 44 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN, 53 loài có trong Sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài đang được ưu tiên bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng... Đặc biệt, Vườn Quốc gia Núi Chúa có quần thể voọc chà vá chân đen quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn, phát triển.

z5170950651260_a584259f5752abf6833799ab49ee1436.jpg
Rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa còn có hệ sinh thái biển rất phong phú với 33 loài thú biển, 26 loài chim biển, 24 loài bò sát biển, 347 loài cá biển, 391 loài san hô, 9 loài cỏ biển. Đây còn là khu vực hiếm hoi trên đất liền ở nước ta có quần thể rùa biển đến sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Với giá trị đa dạng sinh học phong phú, Vườn Quốc gia Núi Chúa đang khẩn trương phối hợp với các bên liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Ninh Thuận tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân sống xung quanh vùng đệm.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, thực hiện Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, thực thi pháp luật về Luật Đa dạng sinh học; tập trung bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh triển khai các chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường, nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để ngăn chặn, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên phạm vi toàn tỉnh đối với các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển; loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; loài bị đe dọa, loài đặc hữu; loài ngoại lai xâm hại; nguồn gen.

“Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ Trung ương, địa phương triển khai các chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, để nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.” Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.

Ngoài ra, Ninh Thuận đẩy mạnh thực hiện mô hình "Đồng quản lý" đối với người dân vùng giáp ranh với các khu bảo tồn thông qua triển khai các chương trình giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để phát triển sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế kết hợp chăn nuôi nhằm giúp người dân từng bước có thu nhập ổn định, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ, người dân sống trong vùng đệm.
Tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Việc phát triển này tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của các khu bảo tồn. Ngành Du lịch tỉnh chú trọng tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái cho nhân viên, khách du lịch, cộng đồng địa phương để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát triển diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm tính toàn vẹn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, biển nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học- nền tảng cải thiện sinh kế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO