Ninh Bình: Đổi thay từ chính sách pháp luật đất đai

Anh Tú| 23/06/2021 09:24

(TN&MT) - Việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã có tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt, đổi thay của tỉnh Ninh Bình như thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, hạ tầng, dịch vụ…

Theo Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, các chính sách, pháp luật về đất đai luôn luôn được triển khai sâu, rộng trên địa bàn trong tỉnh. Điều này đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ. 

Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp luôn ưu tiên việc bố trí diện tích đất để thực theo nội dung quy hoạch nông thôn mới đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới cho các địa phương. Thực hiện chủ trương, chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nhiều địa phương đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ngày càng có nhiều hộ đầu tư chiều sâu, đưa giống mới vào sản xuất.

Tập trung công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, đô thị, nông thôn, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển theo quy hoạch được tỉnh Ninh Bình quan tâm chú trọng

Với định hướng phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Ninh Bình đã quy hoạch bố trí quỹ đất dành cho các khu, cụm công nghiệp, khu làng nghề truyền thống và khu sản xuất kinh doanh tập trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường theo hướng xử lý triệt để các vấn đề môi trường, đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường bất động sản được ban hành đã từng bước xây dựng hình thành và quản lý được thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất. Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị quyền sử dụng đất, giá trị bất động sản gắn liền với đất được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh tế cho việc khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất trong mọi lĩnh vực liên quan đến đất đai. 

Cùng với đó, tập trung công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, đô thị, nông thôn, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển theo quy hoạch. Tăng cường hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để điều tiết thị trường và tăng nguồn thu cho ngân sách. Ban hành chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan tới bất động sản để khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản, hạn chế đầu cơ, trốn lậu thuế. 

Ninh Bình đã quy hoạch bố trí quỹ đất dành cho các khu, cụm công nghiệp, khu làng nghề truyền thống và khu sản xuất kinh doanh tập trung

Bên cạnh những tác động mạnh mẽ đối với kinh tế, xã hội, các chính sách, pháp luật đất đai đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề bảo vệ môi trường. Gắn với yêu cầu đặt ra là khai thác tài nguyên thiên nhiên chú trọng yếu tố bền vững về môi trường, những năm qua, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, không khí cũng được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch. 

Các mỏ khoáng sản đều được thăm dò, đánh giá trữ lượng và qua hội đồng thẩm định, phê duyệt đề án thăm dò, trữ lượng khoáng sản trước khi xem xét, cấp phép; đặc biệt trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào khai thác phải phù hợp với từng khu vực và đảm bảo khi kết thúc khai thác để lại bề mặt địa hình có giá trị lớn nhất về đất đai, môi trường.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình Trịnh Xuân Ba cho biết: Trong thời gian tới, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai không những góp phần nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai một cách có hiệu quả mà còn tạo ra nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế ­xã hội cho tỉnh Ninh Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Đổi thay từ chính sách pháp luật đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO