Theo linh mục Đỗ Văn Khoa, giáo xứ Ninh Bình, môi trường đang là một trong những vấn đề cần được quan tâm và ô nhiễm môi trường đang đứng trước báo động nguy hiểm nhiều nơi, trong thời gian gần đây. Hàng ngày qua các phương tiện truyền thông chúng ta được nghe rất nhiều vùng bị ô nhiễm không khí, môi trường, nguồn nước và tầng khí quyển bị thủng, con người bị mắc những bệnh hiểm nghèo ở khắp nơi….
Cụ thể, ngay trên địa bàn xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), môi trường cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là nguồn nước tại các ao tù chung quanh làng. Bên cạnh đó, việc sản xuất phân bón trong khu công nghiệp Hào Phú cũng góp phần làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước bởi những chất thải công nghiệp ra kênh, hồ… Kết quả là con người hứng chịu mọi hậu quả từ việc môi trường bị ô nhiễm do ăn phải đồ ăn không an toàn, dùng nguồn nước không sạch, hít thở một bầu không khí đầy khói bụi, rất nhiều các loại bệnh lạ phát sinh, tuổi thọ trung bình giảm…
Buổi truyền thông giáo dục cộng đồng với chủ đề “Phân loại rác thải bảo vệ môi trường”. |
Linh mục Đỗ Văn Khoa cho hay, sau thời gian về với cộng đồng tại xã Quang Thiện, nhận thấy việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày còn bừa bãi lẫn lộn, không phân lọại và xử lý phù hợp. Việc thu gom rác thải đúng nơi quy định chưa được thực hiện tốt, vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi lẫn lộn và hình thành nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây khó khăn cho người thu gom. Thậm chí, một số người dân còn mang rác thải sinh hoạt như chai nhựa, túi nylon và xác động vật chết vứt ra sông ngay nơi mình sống.
Qua tìm hiểu thói quen sinh hoạt của người dân Quang Thiện nhận thấy người dân chưa bỏ rác đùng nơi quy định và rác thải chưa được phân loại. Hơn nữa, hàng ngày đồng hành cùng các bạn trong khu vực nhà thờ cũng thấy nhiều bạn chưa bỏ rác đúng nơi quy định và cũng chưa phân loại rác thác mặc dù trong khuôn viên nhà thờ đã có những thùng rác để chai nhựa, lon bia riêng. Vì vậy cần ưu tiên truyền thông về vấn đề phân loại rác thải.
Trên cơ sở đó, vào cuối năm 2020, nhóm truyền thông do linh mục Đỗ Văn Khoa làm truyền thông viên chính đã tổ chức buổi truyền thông giáo dục cộng đồng với chủ đề “Phân loại rác thải bảo vệ môi trường” nhằm nâng cao nhận thức cho các em thiếu niên, nhi đồng về bảo vệ môi trường bằng việc phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định.
Qua buổi truyền thông này, nhóm đã tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại rác ngay tại mỗi gia đình, trường học và nơi công cộng. Từ đó các công tác thu gom vận chuyển cũng dễ phân loại ngay để xử lý. Khi đó, rác hữu cơ thì tái sản xuất thành phân bón, còn rác vô cơ sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt để thu hồi nhiệt lượng.
Hiện nay, cùng với số lượng đồng bào tôn giáo ngày càng tăng, sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung vào nhiều lĩnh vực đời sống xã hội là điều kiện thuận lợi để phát huy, động viên sự tham gia của các tín đồ tôn giáo tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn; tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền tổ chức. Đồng thời, tại các buổi sinh hoạt giáo lý, thường xuyên tuyên truyền tới tín đồ về vai trò và ý nghĩa của vệ sinh môi trường đối với tín ngưỡng tôn giáo và sức khỏe con người.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em thiếu niên, nhi đồng về bảo vệ môi trường. |
Mặc dù vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình tham gia bảo vệ môi trường của cộng đồng tín đồ tôn giáo như: Đối tượng chủ yếu tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tập trung vào nhóm người lớn tuổi và học sinh, sinh viên; các hoạt động truyền thông về môi trường trong đồng bào tôn giáo chưa mang tính định kỳ, chủ yếu theo sự kiện và chưa được định hướng theo kế hoạch; hoạt động truyền thông tập thể có sự tham gia đông đảo đồng bào tôn giáo thường diễn ra trong thời gian ngắn; phương thức phổ biến thông tin môi trường ở các tôn giáo chủ yếu là lồng ghép và vận dụng giáo lý, giáo luật và cung cấp kiến thức thông qua các phong trào tập thể…, nên tính hiệu quả trong bảo vệ môi trường chưa cao.
Do vậy, để phát huy mạnh mẽ sự tham gia của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường, linh mục Đỗ Văn Khoa cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong cộng đồng, tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo. Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Đồng thời, các tôn giáo ở Ninh Bình cần lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Ngoài ra, cần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường.