Dân tộc thiểu số

Niềm vui an cư ở vùng cao Mường Lát

Thanh Tâm 25/10/2023 14:00

Mường Lát (Thanh Hóa) là một trong những huyện nghèo của cả nước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Với địa hình đồi núi dốc cùng với tập quán sinh sống ven sông suối hoặc trên sườn núi cao tiềm ẩn cao nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ đặc biệt trước những diễn biến bất thường bất thường của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu. Những năm vừa qua, nhiều dự án tái định cư sắp xếp ổn định chỗ ở được triển khai trên địa bàn huyện đã giúp hàng trăm hộ dân an cư để lạc nghiệp.

Tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân vùng cao

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới an toàn của người dân, những năm qua các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm tới sắp xếp chỗ ở ổn định cho người dân vùng cao trong đó có huyện Mường Lát.

Gần đây nhất là Khu Tái định cư Bản Ón, xã Tam Chung được xây dựng, bố trí đất ở cho 42 hộ dân đồng bào Mông đã làm người dân thêm tin tưởng vào chính sách thiết thực của Nhà nước.

Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đầu tư dự án: Khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất tại bản Ón, xã Tam Chung với nguồn vốn hơn 15 tỉ đồng, trên diện tích hơn 3 hecta. Mục tiêu giúp người dân đồng bào dân tộc Mông xuống những vị trí thuận lợi để ổn định cuộc sống. Khu tái định cư mới được đầu tư quy mô, đồng bộ từ đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt tập trung…Mỗi hộ dân được cấp 150m2 đất ở, hỗ trợ tiền dựng nhà và phát triển kinh tế.

Bản Ón, xã Tam Chung có 100% hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều hộ dân ở trên rẻo núi cao, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ, tiềm ẩn thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Sau khi được nhà nước quan tâm đầu tư khu tái định cư tập trung, 42 hộ dân đồng bào dân tộc Mông thuộc diện di dời đang rất phấn khởi chuyển nhà về nơi ở mới, ổn định cuộc sống tập trung phát triển kinh tế.

3(2).jpg
Hạ tầng đồng bộ ở Khu tái định cư Na Chừa, xã Mường Chanh

Theo Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Giàng A Trống cho hay: Phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc Mông thường thích ở trên núi cao hoặc những nơi biệt lập. Vì thế tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao, việc giao thương với bên ngoài thường rất khó khăn. Cả bản có 113 hộ dân, trong đó có 110 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền đã rà soát, lên phương án di dời 42 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao về nơi ở bằng phẳng, tập trung. Bà con rất phấn khởi được chuyển về nơi ở mới, vừa an toàn về tính mạng và tài sản mùa mưa lũ, vừa thuận lợi trong việc đi lại…

Gia đình anh Giàng A Khoa phấn khởi cho biết: “Những năm gần đây, mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra lũ quét, chúng tôi ở những nơi lúc nào cũng có thể bị lũ cuốn trôi. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, đất dựng nhà không có, nếu không có nhà nước cho đất, hỗ trợ tiền làm nhà thì không biết đến khi nào mới có thể ổn định cuộc sống. Giờ về nơi ở mới vừa an toàn, con cháu đi học lại thuận lợi, muốn đi ra xã, ra huyện cũng nhanh chóng chứ không như trước đây”.

2(3).jpg
Khu tái định cư Na Chừa sắp xếp ổn định chỗ ở cho 69 hộ dân sau thiên tai

Bản Na Chừa, xã Mường Chanh cũng khoác lên minh màu áo mới với những ngôi nhà sàn san sát nhau khang trang sạch đẹp. Còn nhớ tháng 8 năm 2018 cơn lũ lịch sử đi qua, hàng loạt tài sản như nhà cửa, trâu bò, hoa màu và 2 người bị lũ cuốn trôi. Thời điểm ấy, Na Chừa tan hoang và đau thương. Ngay sau đó, ngày 09 tháng 01 năm 2019 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình Khu tái định cư bản Na Chừa, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.

Với mục tiêu đầu tư xây dựng mới Khu tái định cư với tổng diện tích 02ha khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm cho 69 hộ dân xây dựng nhà ở an toàn và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, nhanh chóng ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

4(1).jpg
Chị Lò Thị Phàm, bản Na Chừa có thể yên tâm dệt vải trong ngôi nhà kiên cố mà không còn phải phập phồng mỗi khi cơn lũ tới

Giờ đây 69 hộ dân bản Na Chừa đã có chỗ ở ổn định, không còn nơm nớp lo sợ phập phồng mỗi mùa mưa bão đi qua. Anh Vi Văn Chiêng, trưởng bản Na Chừa, cũng là một trong số hộ di dời về khu tái định cư cho biết: Tập quán của người đồng bào là sinh sống ven sông suối, vì vậy mỗi khi lũ tới thường không trở tay kịp. Năm 2018 là cơn lũ lịch sử to nhất tôi từng thấy, cả bản hoang tàn đổ nát, được nhà nước quan tâm xây dựng khu tái định cư tập trung giúp người dân có chỗ ở ổn định từ đó tập trung sản xuất phát triển kinh tế.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ sạt lở

Biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến phát triển KTXH và đời sống của người dân Thanh Hóa nói chung và Mường Lát nói riêng. Biểu hiện là khí hậu thời tiết ngày càng biến đổi thất thường, nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, lũ quét, mưa đá, giá rét…xảy ra ngày càng nhiều hơn, cường độ cũng mạnh hơn, gây khá nhiều thiệt hại do vậy mà yêu cầu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nhận thức về hậu quả của thiên tai là cấp bách.

Mường Lát là địa phương ở vùng núi cao, chủ yếu là rừng và đồi núi, dân số ít và chủ yếu là đồng bào dân tộc, trình độ nhận thức nói chung còn hạn chế, do vậy rất cần thiết phải có các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm từng bước nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng và nhận thức của người dân về những hậu quả của thiên tai.

Theo các chuyên gia, đối với các địa phương vùng núi cao nhwg Mường Lát, để ứng phó hiệu quả với BĐKH, các cấp ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH; hỗ trợ các địa phương phát triển và bảo vệ phá rừng đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở, làm giảm dòng chảy, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như là điện gió, năng lượng mặt trời, công trình nước sạch..., giảm bớt khai thác, đào bới…hoàn thiện các kênh, mương máng khơi dòng tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa lũ.

dji_0054.jpg
Khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung được xây dựng giúp 42 hộ dân đồng bào Mông có chỗ ở ổn định

Các địa phương cần thành lập các tổ đội chuyên trách và bán chuyên trách trong công tác phòng chống thiên tai từ cấp thôn, bản đến cấp huyện với các trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết cũng như năng lực và trình độ của từng thành viên.

Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tại trong cộng đồng, như Đài truyền thanh công cộng, còi báo động, các trang tin điện tử để thông tin, cập nhật nhanh nhất đến người dân các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết.

Đặc biệt cần quy hoạch khu dân cư, tránh nơi nhạy cảm trước mưa lũ, và sạt lở, xây dựng các nhà cộng đồng tránh mưa lũ, thực hiện “4 tại chỗ” và bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tăng cường quan lý và sử dụng đất rừng hợp lý, có cơ chế chính sách phù hợp với địa phương trong quản lý và sử dụng đất rừng, bảo vệ môi trường.

Bài liên quan
  • Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Nhiều hộ dân sau gần 20 vẫn chưa được GPMB và nhận đất tái định cư (!)
    Thời gian vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục nhận được đơn thư phản ánh của 8 hộ dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) phản ánh việc các hộ dân nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng của Công ty TNHH Xứ Đoài và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Việt Trí thuộc Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Tuy nhiên, đã gần 20 năm trôi qua, 8 hộ dân của 2 dự án này vẫn chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB) và nhận đất tái định cư, buộc các hộ phải sống lay lắt, có nhà cũng như không, vì thuộc đất dự án nên không được xây dựng, cơi nới, nhiều ngôi nhà nơi đây có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão…

(0) Bình luận
Nổi bật
Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO