Những tâm huyết với nghề dự báo thời tiết biển

Thanh Bùi| 23/03/2021 09:55

(TN&MT) - Việt Nam là một quốc gia ven biển, thường xuyên hứng chịu những khắc nghiệt của thời tiết và những cơn bão có tính chất phức tạp, dị thường. Chính vì vậy, công tác dự báo, cảnh báo trên biển là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có thể nói các Đài khí tượng thủy văn biển là những trạm tiền tiêu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc mang đến những thông tin chính xác, kịp thời, giảm thiệt hại nặng nề do mưa bão gây ra.

Nhân Ngày Khí tượng thế giới 2021, những con người luôn bám trạm, bám biển trên các trạm tiền tiêu đã lần đầu nói lên niềm tự hào về những cống hiến của mình cũng như ý nghĩa mà công việc họ đang hàng ngày, hàng giờ âm thầm thực hiện...

Đài KTTV Nam Trung Bộ: Những con người tận tụy cống hiến

Theo ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Đài KTTV Nam Trung Bộ, Khu vực Nam Trung Bộ có vị trí rất đặc biệt, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên, nơi trung chuyển giữa khu vực miền Trung với trung tâm kinh tế lớn nhất nước TP.HCM. Với đường tiếp giáp biển hơn 500 km, nơi đây có nhiều vịnh, đảo, bãi biển xinh đẹp và thơ mộng, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và du lịch nghỉ dưỡng.

Bên cạnh những ưu đãi do thiên nhiên ban tặng, nơi đây hàng năm cũng chịu tác động mạnh mẽ của nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ, hạn hán...). Đặc biệt, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến của thiên tai ngày càng bất thường, phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của các địa phương trong khu vực Nam Trung Bộ.

Mạng lưới trạm KTTV từng bước được hiện đại hóa, tự động hóa với 152 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn tự động.

Trải qua chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo vượt qua gian khó. Các cán bộ, viên chức của Đài luôn tận tụy cống hiến hết mình để cho ra các bản tin dự báo, cảnh báo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác ứng phó với thiên tai, góp phần phát triển bền vững cho các địa phương.

Mạng lưới trạm KTTV từng bước được hiện đại hóa, tự động hóa với 152 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn tự động; đưa vào vận hành 2 trạm ra đa thời tiết thế hệ mới băng số C cùng các phần mềm dự báo tiên tiến nhất. Các trạm ra đa đã phát huy tác dụng và hiệu quả rõ rệt khi theo dõi, cập nhật kịp thời, chính xác vị trí, cường độ các cơn bão số 9, 10,12 trong năm 2020, giúp công tác dự báo bão đạt độ tin cậy cao, được các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Đài Trung Trung Bộ: Luôn vượt khó, làm chủ công nghệ

Theo ông Đinh Phùng Bảo, Giám đốc Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ cho biết: Khu vực Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) có bờ biển dài 640 km với nhiều bãi biển được xem là đẹp nhất hành tinh, tiềm năng du lịch rất lớn. Vùng biển có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học, có nhiều đảo, quần đảo với vị trí đặc biệt quan trọng như Quần đảo Hoàng Sa, đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm,... Đây cũng là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, hàng năm, vùng biển khu vực Trung Trung Bộ là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặt biệt là bão và áp thấp nhiệt đới. Với đặc điểm trên, công tác dự báo KTTV biển đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng an ninh và giảm thiểu rủi ro do thiên tai cho khu vực.

Bắt kịp với xu hướng hiện đại hóa trang thiết bị dự báo, Đài đã từng bước chuẩn hóa đội ngũ, luôn vượt qua khó khăn về địa hình, địa thế, cập nhật cho cán bộ, viên chức làm chủ công nghệ, thiết bị được cung cấp như: Hệ thống ra đa thời tiết quan trắc mới để việc thu thập các thông tin thời tiết trên biển đã góp phần tích cực cho công tác dự báo, cảnh báo.

Hệ thống các mô hình dự báo khí tượng WRF đã được cán bộ, viên chức của Đài nghiên cứu, ứng dụng trong dự báo thời tiết - thiên tai trên biển. Mô hình hải văn ROMS 2D, 3D, SWAN đã được ứng dụng trong dự báo sóng, mực nước biển, dòng hải văn,... Ngoài ra, hệ thống SmartMet đã được tiếp nhận và triển khai trong tổng hợp thông tin, sản phẩm dự báo của toàn hệ thống. Chính vì vậy, các sản phẩm dự báo KTTV biển ngày càng đa dạng, độ tin cậy được nâng cao, đáp ứng tốt cho phát triển kinh tế biển bền vững tại các địa phương trong khu vực, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trong dự báo, công tác nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ nhằm xây dựng công cụ dự báo, cảnh báo dông, mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ... Các đề tài đã và đang được ứng dụng tại các đơn vị nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV nói chung, thiên tai nói riêng.

Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Khu vực I: Sẵn sàng ứng phó mọi tình huống

Ông Đào Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực I cho biết: Là đơn vị sự nghiệp hoạt động nhân đạo trực thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, sau gần 25 năm thành lập, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực I (Trung tâm Khu vực I) đang đảm nhiệm việc thực hiện chức năng tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển từ ranh giới phía Bắc vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Quảng Bình, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế.

Cụ thể, Trung tâm Khu vực I chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và sử dụng các phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng tìm kiếm cứu nạn được giao, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật và luôn trong tư thế sẵn sàng tìm kiếm, cứu nạn khi có người bị nạn trên biển. Thường xuyên duy trì công tác huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, thuyền viên, tham gia diễn tập phối hợp tìm kiếm, cứu nạn với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của Trung tâm và các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn khác để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống tai nạn, sự cố xảy ra trên biển.

Với đặc thù nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khu vực I thường xuyên phải truy cập, sử dụng các phần mềm chuyên dụng của thế giới về tìm kiếm cứu nạn cũng như các thông tin dự báo, cảnh báo KTTV biển do các cơ quan khí tượng trên thế giới cập nhật trên các trang trực tuyến. Tuy nhiên, thông tin đó đều là những thông tin mang tính tham khảo. Để xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt những công việc theo chức năng nhiệm vụ trên địa bàn cụ thể, Trung tâm thường xuyên khai thác những bản tin dự báo biển do Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia ban hành như Bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới; bản tin cảnh báo thiên tai trên biển; dự báo thời tiết biển ngày và đêm; bản tin dự báo sóng biển 10 ngày; bản tin dự báo dòng chảy 10 ngày; bản tin dự báo trường nước dâng do gió lớn... Đây là những bản tin hết sức thiết thực đối với công việc hàng ngày trên biển của các tàu tìm kiếm cũng như những bộ phận xây dựng kế hoạch tác nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tâm huyết với nghề dự báo thời tiết biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO