Theo các nhà sử học Việt Nam, dân tộc Lào đã có mặt ở Tây Bắc Việt Nam vào khoảng thế kỷ XII - XIII. Dân tộc Lào lập bản, dựng mường sinh sống xen kẽ với bản mường của các dân tộc Thái, Khơ Mú, Kháng, La Ha nên có nhiều nét văn hóa tương đồng. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống của dân tộc Lào còn mang đậm dấu ấn của đạo phật, chùa chiền.
Người Lào tại Việt Nam, còn gọi tên khác là Thay, Thay Duổn, Thay Nguồn, Phủ Thay với hai nhóm địa phương là Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ), cùng nhóm ngôn ngữ thuộc ngữ Tày - Thái trong họ ngôn ngữ Kra-Dai (Tai-Kadai) - là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc tại Việt Nam.
Hệ thống các chùa và tháp ở khu vực Tây Bắc gồm: Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) và 2 tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên).
Tất cả những tòa tháp này là những công trình kiến trúc cổ mang đậm yếu tố Phật giáo phái Tiểu Thừa. Chúng đều được xây bằng một loại vật liệu chủ yếu là gạch vồ màu đỏ hoặc nâu, được gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật mía. Các họa tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí. Vào đầu tháng 2 (âm lịch) hàng năm, người Lào sẽ tổ chức Lễ hội "Xên Mường" và "Khảu hó" tại chân tháp, thu hút nhân dân trong vùng đến tham dự.
Lễ “Xên Mường” (cúng mường) bên tháp Mường Và của bà con dân tộc Lào ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Sơn La |
Tháp Mường Và thuộc xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là một công trình kiến trúc linh thiêng và cổ kính từ thế kỷ XVII với kiến trúc nghệ thuật độc đáo đặt trên một gò đồi đắp nổi nhân tạo, cao khoảng 15m so với mặt bằng xung quanh. Điểm đặc biệt là tháp được xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt đều nhau, mỗi mặt quay về một hướng. Tạo hình theo kiểu bút tháp, cao 13m. Tòa tháp được chia thành 5 tầng, xây bằng gạch vồ có chiều dài là 35cm, rộng 15cm, dày 6 cm.
Tháp được công nhận Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT ngày 24/1/1998 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).
Tháp Mường Và là một công trình kiến trúc linh thiêng và cổ kính được đặt trên một quả đồi nhân tạo. |
Đây là di tích kiến trúc cổ, nằm ở vị trí trung tâm xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Tháp được xây trên một quả đồi thiên tạo có bề mặt rộng khoảng 1ha bên bờ suối Nậm Húa (phần đầu nguồn của dòng sông Mã), gồm một quần thể 5 tháp, trong đó một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở 4 cạnh tháp to. Tháp to còn gọi là Tháp Mẹ, cao 13 m, chia làm 4 tầng. Được trang trí chủ yếu hoa văn hình Voi, Hổ và tượng Vũ Nữ nhảy múa, lá đề uốn theo hình mây, hoa văn hoa cúc, hoa chanh cách điệu, chuỗi hoa văn "tràng hạt", hình "rắn thần" Naga 5 đầu, hình hoa sen cụp xuống,… Tất cả các hoạ tiết hoa văn này đều đắp nổi phía trên đế thu nhỏ dần. Toàn bộ thân tháp trông xa như một búp sen đang hé nở.
Các tháp nhỏ, còn gọi là Tháp Con được chia làm 4 tầng, cao 3,7m nằm cách tháp to 3m với kiến trúc và trang trí hoa văn giống hệt nhau. Chúng được trang trí chủ yếu là hoa văn lá đề xen kẽ hình vân mây, dây hoa cúc và hoa đồng tiền. 4 cạnh chân tháp được đắp 4 lá đề nổi, to ôm gọn 4 góc, bên trong có 2 đường chỉ chìm chạy song song. Phần trên ngọn tháp được thu nhỏ dần, vút lên nền trời.
Hiện nay, di tích còn lại một tháp to (Tháp Mẹ) và một tháp nhỏ (Tháp Con). Bên cạnh tháp to còn có pho tượng “chư thần” ngay dưới chân tháp đã bị vỡ (hiện chỉ còn bệ tượng). Ngoài ra, trong khuôn viên ở quanh khu vực xây tháp còn lại vết tích chùa và khu vực các nhà sư ở.
Tháp Mường Bám là di tích kiến trúc cổ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. |
Bảo tháp ở bản Mường Luân I (bản người Lào), xã Mường Luân có 4 cạnh, nhân dân địa phương gọi đó là tháp đực; ngọn tháp thứ hai ở bản Nà Muông (bản người Thái), xã Chiềng Sơ có 8 cạnh, nhân dân gọi đó là tháp cái. Hai ngọn tháp có cùng niên đại nhưng nằm ở hai địa bàn khác nhau, hai dân tộc khác nhau nên sự tồn tại và ý nghĩa của tháp cũng khác nhau. Hai tháp Mường Luân và Chiềng Sơ đều ở Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên (Tây Bắc Việt Nam).
Vị trí tháp nằm ở chân núi Hua Ta (nghĩa là núi đầu nguồn), trên bờ dòng Nặm Ma (sông Mã). |
Với tháp Mường Luân, nhân dân biết khá nhiều về sự tích cũng như còn giữ gìn được tập tục cúng tháp. Còn tháp Chiềng Sơ thì ít người biết hơn và dường như không mấy ai hiểu về sự tích của ngọn tháp này. Tháp Chiềng Sơ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV - XVI, tháp được tạo hình kiến trúc giống nậm rượu, dưới to và phần trên nhỏ dần. Tháp cao 10,5m, 4 mặt xung quanh chân tháp được đặt tượng 2 chú voi ở đằng trước và 2 chú chó ở đằng sau.
Phần thân tháp được trang trí những họa tiết hoa văn, nổi bật là một tòa sen có 6 lớp chồng lên nhau đội lấy tòa tháp cùng với những đường nét hoa văn chìm nổi cách điệu hình chim muông, hoa lá theo bố cục từng phần rất hài hòa. Đặc biệt hơn cả là những con rồng được đắp nổi uốn mình quanh thân tháp, đầu và đuôi rồng chụm vào nhau tạo thành hình số 8.
Tháp Chiềng Sơ là di tích kiến trúc nghệ thuật thể hiện mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt - Lào |
Các hệ thống chùa, tháp ở Tây Bắc không chỉ có giá trị văn hóa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc mà còn có giá trị lịch sử to lớn. Bởi, những di tích này đã giúp các nhà nghiên cứu tìm ra và khẳng định được lịch sử về tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa 2 dân tộc anh em Việt - Lào.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, người Lào có khoảng 14.100 người (chiếm 0,0174% dân số cả nước). Người Lào cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu: 6.824 người, chiếm 38,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Điện Biên (4.564 người, chiếm 30,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Sơn La (3.380 người, chiếm 22,6% tổng số người Lào tại Việt Nam và chiếm 0,3% số dân của tỉnh này), Hà Tĩnh (433 người), Đắk Lắk (275 người).