Những ngôi trường “xanh” tại Phú Thọ

Hoàng Hiền| 06/04/2023 12:30

(TN&MT) - Nếu thói quen và nhận thức của trẻ em về môi trường được nâng cao, trẻ em có thể sẽ là “lực lượng nòng cốt”, những “chiến binh” tương lai trong công cuộc bảo vệ môi trường. Vì lẽ đó, nhiều trường học đã lồng ghép các hoạt động về môi trường trong quá trình giảng dạy, giúp các em nhận thức được về môi trường xung quanh, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với môi trường.

Tại Tân Sơn (Phú Thọ), thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”, nhiều trường học trên địa bàn đã nói không với rác thải nhựa. Các trường đã triển khai giảng dạy lồng ghép nhiều nội dung về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và cách phân loại rác tại nguồn trong các buổi sinh hoạt hay tiết học ngoại khóa. Nhiều trường học còn tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, xây dựng các mô hình phòng, chống rác thải nhựa; tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, khu dân cư phát động chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; lồng ghép các hoạt động phòng, chống rác thải nhựa với bảo vệ môi trường như: “Tuần lễ hành động bảo vệ môi trường”; “Ngày môi trường thế giới”, tổ chức các cuộc thi vẽ khẩu hiệu, tranh cổ động cho phong trào chống rác thải nhựa…

6-1-.jpg

Học sinh được học và thực hành phân loại rác tại trường học

Hoạt động này được các em học sinh tham gia hưởng ứng sôi nổi. Cùng với Đoàn Thanh niên xã, các em xây dựng những mô hình chống rác thải nhựa để tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường, thúc đẩy suy nghĩ thành hành động.

Đồng hành với các em học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy cô đã hỗ trợ triển khai mô hình “Ngôi nhà phân loại rác”. Trong đó, ngôi nhà được chia làm hai ngăn, một ngăn chứa rác thải có thể tái chế và một ngăn chứa giấy vụn. Số tiền thu được từ các hoạt động thu gom, phân loại rác thải sẽ được sử dụng để hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này hiện đang được tất cả các trường tiểu học trên địa bàn triển khai đồng loạt và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các thầy cô còn hỗ trợ các em học sinh tận dụng các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng để biến chúng thành những món đồ hữu ích xinh xắn, dễ thương, giúp hạn chế lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, phát huy sức sáng tạo và rèn luyện kỹ năng thao tác của các em… Đặc biệt, các trường còn xây dựng nhiều mô hình thư viện xanh, tận dụng chai nhựa đã qua sử dụng, lốp ô tô… để làm bàn, ghế và đồ trang trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ngôi trường “xanh” tại Phú Thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO