Để thúc đẩy người dân bảo vệ rừng, Nhà nước đã ban hành cơ chế chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ban đầu thực hiện thí điểm tại Lâm Đồng và Sơn La. Từ tháng 9 năm 2010, cơ chế chính sách này đã được mở rộng áp dụng trên toàn quốc, đồng thời mở rộng phạm vi, bao gồm cả dịch vụ hấp thụ các bon và các dịch vụ khác. Theo đó, 80-90% kinh phí từ nguồn thu này sẽ trả cho những người cung cấp dịch vụ môi trường, bao gồm chủ rừng, các hộ gia đình, các cộng đồng địa phương…. chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; thay đổi nhận thức và cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
Đơn cử như tại tỉnh Yên Bái, đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 325.977,4 ha. Hiện có trên 53.000 hộ gia đình được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ông Nông Mạnh Tường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên cho biết, có thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng, người dân sẵn sàng đóng góp nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. |
Bên cạnh hệ thống quản trị của nhà nước, cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang duy trì các thiết chế quản trị truyền thống khác nhau để bảo vệ rừng. Một số nơi đã đề ra Luật tục truyền thống quy định cụ thể hành vi được cho phép, hành vi bị cấm, các loại lâm sản được khai thác, các loại lâm sản không được khai thác trong phạm vi không gian rừng và làng bản; thời gian được phép vào rừng.
Đơn cử như Thôn Mang Sông (xã Ba Tầng, Hướng Hoá, Quảng Trị) tuân thủ rất nghiêm ngặt luật tục liên quan đến rừng thiêng. Theo đó, ngoài ngày mở của rừng, người dân trong bản không ai bước chân vào khu vực rừng thiêng. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng rất hạn chế và phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt như chỉ sử dụng tại chỗ, không được sử dụng vào mục đích thương mại và đặc biệt phải có sự chấp thuận của cộng đồng thông qua cuộc họp. Mặc dù việc xử phạt các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên rừng của đồng bào không chi tiết hay có tính chất hệ thống và khoa học như đối với các quy định của nhà nước nhưng việc việc chỉ trích hay phê bình, tác động đến danh dự của đối tượng vi phạm trong cộng đồng lại có tính răn đe và ngăn chặn cao.
Chính việc duy trì các giá trị truyền thống, tự nguyện tuân thủ luật tục bảo vệ nghiêm ngặt và khai thác sử dụng một cách có chọn lọc mà rừng truyền thống nhiều nơi được bảo vệ khá nguyên vẹn, mang lại lợi ích cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Thậm chí có những khu rừng biệt lập nằm giữa cánh đồng, nương cà phê hay ngay bên đường quốc lộ như Dền Sáng (Lào Cai); Xăng Lẻ, Hóc (Nghệ An); Quảng Xuân (Quảng Bình); Cư H’lăm (Đăk Lăk) vẫn được bảo vệ một cách toàn vẹn. Những loài cây gỗ quý, cây thuốc và một số loài động vật như chim, bò sát, linh trưởng vẫn xuất hiện ở các khu rừng này.
Tuân thủ luật tục một cách có chọn lọc mang lại lợi ích cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. |
Ở một số khu vực, cộng đồng đã từ chối và ngăn chặn các dự án phát triển khu du lịch và khai thác gỗ không theo quy hoạch, có khả năng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng; tự đóng góp lúa để thành lập tổ bảo vệ rừng (Quảng Xuân - Quảng Bình); sử dụng tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng để xây dựng hàng rào bảo vệ cho khu vực rừng thiêng của mình (Dền Sáng -Lào Cai).
Theo các chuyên gia, Luật Lâm nghiệp 2017 đã đánh một dấu mốc quan trọng trong việc thừa nhận khu vực chứa đựng tài nguyên được cộng đồng và người DTTS tự nguyện quản lý. Theo đó, cộng đồng đã chính thức được thừa nhận là một trong bảy loại hình chủ rừng. Rừng tín ngưỡng được phân hạng là rừng bảo vệ cảnh quan thuộc hệ thống rừng đặc dụng... Việc thừa nhận, tôn trọng, thúc đẩy cộng đồng quản lý tốt rừng truyền thống sẽ đóng góp cho mục tiêu phục hồi, phát triển rừng tự nhiên trong khi không tăng thêm gánh nặng ngân sách cho nhà nước, không đòi hỏi chi phí duy trì bộ máy quản lý nhờ thiết chế tự quản và luật tục của cộng đồng dân cư….
Trong thời gian tới đây, vấn đề này cũng cần được xem xét để đưa vào trong Luật Đa dạng sinh học sửa đổi với các nội dung gắn liền với tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích, phát huy tri thức bản địa trong bảo tồn đa dạng sinh học.