Những giải pháp mang tính chiến lược ứng phó hạn, mặn ở ĐBSCL

Việt Hùng| 08/04/2020 11:33

(TN&MT) - Trước những tác động nghiêm trọng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt cũng như dài hạn phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại vùng này.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Tuy nhiên, nhờ dự báo sớm và chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó đã giảm thiểu được thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và các địa phương tổ chức rà soát để xây dựng kế hoạch xuống giống các vụ canh tác tiếp theo (Hè Thu, Mùa) phù hợp với tình trạng nguồn nước, thích ứng với xâm nhập mặn kéo dài.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Duy trì sự chủ động ứng phó

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong mùa khô năm 2019-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định một số giải pháp quan trọng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Trước mắt, tiếp tục theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa lấy nước vào công trình thủy lợi, trong công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn, thực hiện lấy nước phù hợp.

Đồng thời, tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh, khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, đặc biệt tại các cống thuộc hệ thống thủy lợi Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh, Vĩnh Long); hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, cần có sự phối hợp vận hành bảo đảm đáp ứng nhu cầu khác nhau về nước ngọt, mặn của các địa phương.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019-2020, như: Cống Âu thuyền Ninh Quới, Trạm bơm Xuân Hòa, các cống Tân Dinh, Bông Bót, Tân Định, Vũng Liêm, kênh Mây Phốp-Ngã Hậu, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre.

Bên cạnh đó, rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái trong toàn vùng, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng huyện, hướng dẫn bằng tài liệu, truyền thông trên báo, truyền hình trung ương và địa phương các giải pháp chủ động ứng phó với hạn, mặn, thông qua tài liệu tuyên truyền khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn vùng ĐBSCL, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình …) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.

Đối với nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, cần  tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi để có các giải pháp ứng phó kịp thời; có kế hoạch thả giống phù hợp, không thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay nước thường xuyên; hạn chế cho ăn khi độ mặn tăng; chủ động thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm trước khi xâm nhập mặn xảy ra.

Người dân ĐBSCL chuyển đổi sang trồng những loại cây chịu được hạn, mặn. Ảnh minh họa

Đặc biệt, chú trọng việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng nông thôn, triển khai khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng.

Chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo, tập trung tại các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh. Lắp đặt hệ thống lọc nước mặn, nước lợ (thiết bị RO) tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Xây dựng hồ trữ nước ngọt tại kênh cụt và dẫn dòng cũ, đập tạm ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt cho các trạm cấp nước tập trung nông thôn, tập trung tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh.

Ngoài ra, rà soát, nâng cấp, mở rộng, kéo dài tuyến ống đối với các công trình lân cận còn dư công suất để cung cấp nước sạch cho người dân khu vực bị ảnh hưởng, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Kiên Giang...

Những giải pháp dài hơi

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định những giải pháp mang tính chiến lược. Trong đó, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản,...để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn; cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có ở vùng ảnh hưởng triều, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước. Các dự án đề nghị ưu tiên: Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2, Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo - Tân Trụ,...

Cùng với đó, khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.

Xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung (Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng 3 công trình, Kiên Giang 5 công trình); mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho cho các hộ dân khu vực lân cận (Long An mở rộng cho 32.350 hộ dân, Bến Tre mở rộng 40 km đường ống, Kiên Giang mở rộng cho 7.880 hộ dân), Tiền Giang mở rộng 200 km đường ống. Xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt (Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang); khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng.

“Bộ sẽ đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực đồng bằng sông Cửu Long (có mở rộng cho khu vực nông thôn)”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế, cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp; lập, rà soát quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn, dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có các các dự án tích, trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn.

“Từ 2019, ngành Khí tượng thủy văn thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật từ các diễn đàn quốc tế, khu vực, kết hợp phân tích số liệu lịch sử, hiện trạng đã bắt đầu liên tục đưa ra các bản tin thời tiết ngắn hạn (2-3 ngày), trung hạn (đến 2 tuần), khí hậu tháng, khí hậu mùa, xu thế năm. Chính vì vậy đã giúp nhìn nhận được các vấn đề nhanh, sớm. Trong đó, cụ thể là hạn mặn Đồng Bằng Sông Cửu Long chúng tôi đã đã nhìn nhận từ 7/2019.

Đặc biệt, cách truyền bản tin cũng thay đổi, khi thấy tình hình nguy hiểm, Tổng cục Khí tượng thủy văn thực hiện chức năng báo động hệ thống, gửi báo cáo lên lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan; vì vậy các ngành chức năng có thông tin kịp thời, trách nhiệm và tin cậy hơn. Từ các bản tin này,  Chính phủ, chính quyền các cấp, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã có những giải pháp kịp thời nên giảm thiểu được thiệt hại”,

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên & Môi trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giải pháp mang tính chiến lược ứng phó hạn, mặn ở ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO