Những "cột mốc sống" trên biển

14/01/2017 00:00

(TN&MT) - Tàu thuyền như nhà, biển cả là quê hương. Lời khẳng định vững chãi mà bao đời nay, với ngư dân vùng biển vẫn chẳng thể rời xa, kể cả lúc phải gồng mình nơi đầu sóng ngọn gió, họ vẫn một mực thủy chung, trở thành “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo quê hương của Tổ quốc.

Mỗi khi về với vùng biển, hình ảnh mà tôi ấn tượng nhất là những lá cá Tổ quốc luôn được ngư dân ở đây trân quý như một bảo vật của gia đình mình. Chẳng biết từ bao giờ, trước khi nổ máy chuẩn bị ra khơi, họ lại cẩn thận kiểm tra trên tàu mình, cờ Tổ quốc đã được kéo lên chưa. Thậm chí, có những tàu, chủ thuyền đã chuẩn bị sẵn cờ Tổ quốc để thay thế những lá cờ đã bị rách trong khi đánh bắt cá trên biển. Chính những con tàu như vậy mỗi khi vươn khơi đã mang theo cả dáng hình Tổ quốc, với cờ đỏ sao vàng phất phới đã góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của quê hương, trở thành “cột mốc sống” trên vùng lãnh hải của nước ta từ nhiều đời qua.

Ngư dân thị xã Hoàng Mai chuẩn bị ngư cụ cho một chuyến ra khơi, bám biển
Ngư dân thị xã Hoàng Mai chuẩn bị ngư cụ cho một chuyến ra khơi, bám biển

Có lẽ, chẳng bao giờ, người dân bao đời gắn bó với biển lại có thể quên “ân nhân” của mình đã nuôi nấng những kiếp người đã sinh ra và lớn lên từ biển. Ở đó, có những đứa trẻ biết khâu vá lưới chài đến lớp lớp cha ông đã từng cưỡi sóng, đạp gió ra biển. Lớp cha đi trước, con cháu theo sau. Cứ như thế, bao đời nay, họ đều xem tàu thuyền chính là ngôi nhà của mình, chở che vượt qua từng cơn sóng dữ. Và, với vùng cá, vùng tôm, biển cả cũng chính là quê hương nơi mình gắn bó suốt cả cuộc đời. Để rồi, từ những thời khắc yên bình nhất cho đến cả nước phải gồng mình đứng lên đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, cùng với quân dân cả nước, ngư dân vùng biển đã góp một phần không nhỏ cho sự vẹn toàn lãnh thổ của dân tộc. Từ những thanh niên trai tráng vùng biển tạm gác mái chiều, bến thuyền, họ gia nhập vào đoàn quân cứu nước. Đất nước bình yên, họ lại trở về với chính nơi mình từng sinh ra, gắn bó.

Công an phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai chia sẻ niềm vui với ngư dân sau một chuyến ra khơi
Công an phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai chia sẻ niềm vui với ngư dân sau một chuyến ra khơi

Ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, nhắc đến “lão ngư” Nguyễn Trọng Phúc thì ai cũng biết. Năm nay, dù đã tuổi ngoài 70 nhưng màu da, dáng dấp của một người đã có trên dưới 40 năm bám biển vẫn hiện rõ trên người đàn ông này.

Cũng như bao lớp thanh niên trong làng ngày ấy, sự kiện Vịnh Bắc Bộ 5/8/1964, chàng trai Nguyễn Trọng Phúc lúc ấy cũng có mặt trên chiếc tàu tuần tiễn của Hải quân Việt Nam tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc trước sự gây hấn của Hải quân, không quân Mỹ. Để rồi, khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, trở về quê hương, ông Phúc lại cùng với đàn ông trong làng tiếp tục làm nghề chài lưới, tham gia đánh bắt cá tại vùng biển lãnh hải của nước ta khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.

Đóng tàu mới chuẩn bị một mùa ra khơi
Đóng tàu mới chuẩn bị một mùa ra khơi

Đến bây giờ, khi nhắc lại những kỷ niệm gắn bó cuộc đời binh nghiệp cho đến tàu, thuyền, ông Nguyễn Trọng Phúc cũng như bao thế hệ ngư dân ở Quỳnh Lập chẳng thể nào quên được những lần vượt sóng, vượt gió nơi biển xa. Không chỉ ông Phúc ở thị xã Hoàng Mai mà ngay cả hàng nghìn lớp cha anh dọc vùng biển xứ Nghệ cũng từng gác mái chèo, tạm xa tàu thuyền của mình để lên đường nhập ngũ. Có người may mắn được biên chế vào quân chủng Hải quân Việt Nam, không ít người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên đất liền, vùng biên cương của Tổ quốc…nhưng họ vẫn luôn đau đáu trong lòng hình ảnh biển cả quê hương một thời. Và, chính họ, khi trở về vẫn một mực thủy chung với tàu thuyền, để tiếp tục vươn khơi bám biển.

Không chỉ có vậy, họ còn là những “lão ngư” thuộc cả vùng cá, vùng tôm để truyền dạy, dìu dắt thế hệ con cháu đi về phía biển cả. Nơi đó, có chủ quyền linh thiêng mà bao đời, ông cha đã gắn bó, thậm chí phải đổ cả xương máu nơi biển cả để cho những mùa về tôm cá đầy khoang, lấp lánh ánh bạc. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, họ vẫn căn nhắc con cháu mình không bao giờ rời xa biển, đảo của quê hương.

Cảng cá Lạch Quèn tấp nập tàu thuyền
Cảng cá Lạch Quèn tấp nập tàu thuyền

Phải đến qua cái Tết Bính Thân năm nay, anh Nguyễn Quốc Hà mới bước sang tuổi 30 nhưng đã là chủ của một chiếc tàu có công suất “khủng” ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Qua nhiều kênh thông tin, tôi biết được, để có chiếc tàu công suất 1.200CV mới hạ thủy được 2 năm nay, Nguyễn Quốc Hà đã có cái nghĩ táo bạo khiến người khác nếu nghe qua cũng chẳng tin được chàng ngư dân trẻ này có thể làm được. Tuy nhiên, với truyền thống tham gia bám biển của gia đình, tinh thần dám nghĩ, dám làm, năm 2013, Nguyễn Quốc Hà đã cùng gia đình vay mượn, đóng mới con tàu công suất lớn với trị giá 5,5 tỷ đồng. Ấy thế nên, khi tham gia đánh bắt thủy sản vùng biển Trường Sa vào hồi tháng 5 năm 2014, trước sự gây hấn của tàu Trung Quốc, chủ tàu mang số hiệu NA.96667 vẫn kiên cường bám trụ. Bởi không chỉ dựa vào tàu to, công suất máy lớn mà chính Hà cũng là người từng có thâm niên hơn 10 năm bám biển trước đó. Vì vậy, dù phong ba, bão táp thế nào, bằng sự quyết tâm, kinh nghiệm dàn dày nên tàu NA.96667 của anh Hà vẫn liên tục tham gia đánh bắt ở những ngư trường lớn, và cả vùng biển đánh bắt chung của quốc tế.

Thành quả sau những chuyến ra khơi
Thành quả sau những chuyến ra khơi

Không chỉ là ngư dân trẻ tiêu biểu của thị xã Hoàng Mai mà Nguyễn Quốc Hà còn đảm nhiệm vai trò tốt của một người đảng viên, Bí thư chi đoàn địa phương, một thuyền trưởng “truyền lửa” cho các thanh niên trên địa bàn tích cực bám biển. “Với đặc thù vùng biển quê tôi mỗi người sinh ra đều gắn bó với tàu, thuyền nên việc thông thạo lạch, luồng dễ như lòng bàn tay. Còn nhớ trước sự kiện giàn khoan HD – 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải của Việt Nam, tàu chúng tôi vẫn bình tĩnh, kiên cường tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Bây giờ, có tàu to, máy công suất lớn thì thời gian bám biển được kéo dài hơn” – Chủ tàu NA 96667 Nguyễn Quốc Hà cho biết.

Cũng như anh Hà, ở khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, nhắc đến chủ tàu Nguyễn Phúc Sơn (SN 1981) đã bắt đầu bám biển từ năm 13 tuổi. Hiện nay, anh là chủ tàu và là thuyền trưởng con tàu NA.90079 thường xuyên có 10 – 14 lao động bám biển trên dưới 10 ngày/ 1 chuyến ra khơi.

Thành quả sau những chuyến ra khơi
Thành quả sau những chuyến ra khơi

Với lập trường “tàu thuyền là nhà, biển cả là quê hương” và “mỗi tàu thuyền là một cột mốc sống chủ quyền trên biển”, những ngư dân trẻ ở đây đã góp một phần không nhỏ khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thời gian qua, nối nghiệp cha ông, trên địa bàn các huyện, thị như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò đã xuất hiện không ít gương mặt ngư dân trẻ tiêu biểu với ý nghĩ táo bạo đầu tư tàu to, thuyền lớn bám biển dài ngày. Ngoài ra, họ còn là những “nhạc trưởng” xây dựng phong trào đánh bắt hải sản, tăng sản lượng kinh tế, tạo lập các mô hình đảm bảo ANTT trong mỗi tàu thuyền cũng như cho các thuyền viên địa phương. Để rồi, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bên cuộc vui, họ vẫn không quên “tổng kết” lại năm qua, và không quên cầu chúc cho năm mới thuận buồm, xuôi gió, sóng yên biển lặng cho mùa về tôm cá đầy khoang.

Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "cột mốc sống" trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO