Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Các quy định của pháp luật về xây dựng công trình tôn giáo
Căn cứ vào Điều 58 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định về việc: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo thực hiện như sau:
– Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
– Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng.
Ảnh minh họa |
– Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.
Công trình tín ngưỡng tôn giáo phải xin giấy phép xây dựng
Căn cứ vào quy định pháp luật, việc xây dựng các công trình tôn giáo Việt Nam sẽ chia thành 2 nhóm phải xin cấp giấy phép xây dựng, gồm:
- Công trình tín ngưỡng, tôn giáo thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Vì vậy, cho dù các công trình này xây dựng ở bất cứ khu vực nào cũng không được miễn giấy phép xây dựng. Nếu xây dựng công trình tôn giáo trái phép (không có giấy phép) sẽ bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng.
Vì vậy đối với việc xây dựng công trình tín ngưỡng tôn giáo và các công trình phụ trợ thì đều cần phải thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng công trình tôn giáo trước khi tiến hành xây dựng và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.
Ngoài ra công trình tôn giáo bắt buộc phải được xây trên đất tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ mục đích sử dụng nếu công trình xây dựng không phải trên đất tôn giáo thì còn bị xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Các công trình tín ngưỡng tôn giáo không phải xin phép xây dựng
Khi sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng tôn giáo, mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình thì không phải xin cấp phép xây dựng. Nhưng trước khi sửa chữa, cải tạo người phụ trách cơ sở tôn giáo phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi xây dựng công trình biết.
Báo Tài nguyên & Môi trường