“Nhựa tự hủy OXO – Đừng nhập nhèm mang danh “Nhựa phân hủy sinh học”

Tống Minh (thực hiện)| 30/05/2022 06:15

(TN&MT) - GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường về bản chất của các sản phẩm nhựa dùng một lần được sản xuất từ nhựa tự hủy OXO.

screenshot-2-.png
GS.TS Đặng Thị Kim Chi

PV: Thưa bà, nhựa từng được coi là một trong những “sáng chế mới” của con người, thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, khi bộc lộ nhiều tác hại tới môi trường và sức khỏe con người, nhựa truyền thống lại đang bị “quay lưng”, và vật liệu nhựa mới lại được sáng tạo ra. Bà nghĩ sao về quá trình này?

GS.TS Đặng Thị Kim Chi:

Nhựa là một phát minh của con người trong quá khứ và đã luôn phát huy vai trò, tác dụng của nó trong đời sống. Với ưu điểm là nhẹ, gọn, không thấm nước, chứa được trọng lượng nặng, túi nhựa hiện hữu ở khắp nơi. Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển, nhận thức về môi trường sống ngày càng được nâng cao đã đặt ra đòi hỏi tất yếu về sự cải tiến chính những vật dụng, chất liệu sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Và quan điểm về nhựa cũng cần thay đổi: vật liệu từ nhựa sử dụng một lần cũng cần an toàn với môi trường, giúp con người thoát khỏi tình cảnh “ô nhiễm trắng”.

Xét theo tiêu chí khả năng phân hủy, nhựa sử dụng một lần trên thế giới và Việt Nam hiện nay gồm 3 loại: Loại thứ nhất là nhựa không/khó phân hủy: vật dụng làm từ nhựa sử dụng một lần bằng loại này bị thải bỏ phân hủy rất chậm, từ hàng chục đến hàng trăm năm, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường.

Loại thứ hai là nhựa chỉ phân hủy một phần (nhựa tự hủy OXO), tức là khi thải ra môi trường, trước tác động của môi trường sẽ bị phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ, các hạt vi nhựa. Các mảnh nhựa nhỏ này vẫn tồn tại hàng chục năm trong môi trường. Để làm ra loại nhựa này, người ta trộn nhựa nguyên chất với hợp chất kim loại hữu cơ. Vì thế, khi phân rã, những mảnh nhựa nhỏ, chất vi nhựa, muối kim loại, kim loại nặng sẽ nằm lại trong môi trường, gây tác hại cho môi trường đất, nước…

Loại thứ ba là nhựa sinh học có khả năng phân hủy hoàn toàn thành CO2 và H20. Ở nhiều nước Châu Âu và ở Việt Nam đều đã xuất hiện các sản phẩm từ nhựa thực sự thân thiện với môi trường này.

PV: Nếu như các túi nilon, chai lọ nhựa, hộp xốp…làm từ nhựa truyền thống dễ dàng nhận ra thì bao bì từ nhựa tự hủy OXO và nhựa phân hủy sinh học lại khó có thể phân biệt được, dù tác động đến môi trường và sức khỏe là hoàn toàn trái ngược, thưa bà?

GS.TS Đặng Thị Kim Chi:

Đúng vậy! Điều rất đáng quan tâm ở đây là nhựa tự hủy OXO và nhựa phân hủy sinh học đang chưa được phân biệt rõ ràng trên thị trường, khi các sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO vẫn ghi trên nhãn mác là “có khả năng phân hủy sinh học”. Trong khi đó, thực tế cho thấy, vật dụng dùng 1 lần làm từ nhựa tự hủy OXO khi đưa vào môi trường thì nhựa vẫn là nhựa, dù có phân rã ra thành các mảnh nhỏ.

Nhiều nước trên thế giới đã lên án nhựa tự hủy OXO vì vi nhựa, kim loại nặng từ sản phẩm nhựa tự hủy OXO khi phân rã sẽ dễ dàng đi vào chuỗi tuần hoàn thực phẩm, gây tác động xấu tới sức khỏe con người. Vì vậy, một số nước Châu Âu đã cấm dùng nhựa tự hủy OXO.

Còn tại Việt Nam, nhiều công ty sản xuất các sản phẩm dùng 1 lần làm từ nhựa và được bán tại các siêu thị, phổ biến nhất là túi, cốc, thìa, dĩa…Thế nhưng, lại lập lờ trong việc phân biệt nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn và nhựa tự hủy OXO khi đều mang danh “phân hủy sinh học”. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng, nhựa tự hủy OXO thân thiện với môi trường, nhưng thực tế, nó lại gây độc hại cho môi trường.

vvv.jpg
Bảng so sánh một số loại nhựa

PV: Vậy theo bà, giải pháp cho sự thiếu minh bạch hóa này là gì? Cần hạn chế sử dụng nhựa tự hủy OXO và tạo cơ hội phát triển cho nhựa phân hủy sinh học như thế nào?

GS.TS Đặng Thị Kim Chi:

Về mặt pháp lý, hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản nào cấm nhựa tự hủy OXO. Tuy nhiên, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường quy định: Từ ngày 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường; giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Bên cạnh những quy định này, tôi cho rằng, cần xây dựng văn bản pháp luật về việc sản xuất và sử dụng đồ nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn; đồng thời xây dựng Kế hoạch chuyển đổi sử dụng từ nhựa loại khó phân hủy, nhựa tự hủy OXO sang nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn. Tất nhiên, việc này cần có lộ trình từng bước cụ thể.

Cùng với đó, cần tuyên truyền cho người dân biết tác hại của bao bì từ nhựa khó phân hủy và nhựa tự hủy OXO. Đặc biệt, trong vấn đề này, phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng, trong từng gia đình để tẩy chay nhựa có hại cho môi trường và sức khỏe con người, dần hướng đến việc sử dụng vật dụng từ nhựa phân hủy sinh học an toàn.

Mặt khác, để thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất nhựa phân hủy sinh học, khoa học công nghệ đóng vai trò “then chốt”. Công nghệ hiện đại sẽ nhanh chóng đưa vào sản xuất nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn, từ đó hình thành nên một ngành công nghiệp thay thế cho nhựa tự hủy OXO, góp phần minh định hóa sự lập lờ về mặt khoa học giữa nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn với các loại nhựa khác.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhựa tự hủy OXO – Đừng nhập nhèm mang danh “Nhựa phân hủy sinh học”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO