Như Xuân - Thanh Hóa: Đồng bào DTTS hiến đất làm đường – gửi gắm niềm tin với người có uy tín

Thu Thủy – Hoàng Anh | 29/07/2021, 15:41

(TN&MT) - Ông Lê Ngọc Giáp là người có uy tín trong đồng bào DTTS ở xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Ông là một trong những người gương mẫu, đi đầu trong việc hiến đất làm đường giao thông, vận động bà con nhân dân cùng xây dựng Nông thôn mới.

Vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS

Về xã vùng cao Cát Tân của huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa), nằm cách trung tâm huyện chừng 7 km về phía Tây Bắc. Nơi đây có địa hình đồi núi cao, dân số khoảng 2.990 người, trong đó người đồng bào DTTS chiếm tới 45%. Vì vậy, người có uy tín trong đồng bào DTTS giữ một vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị, an ninh, xã hội, phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Lê Ngọc Giáp là người có uy tín trong đồng bào DTTS tại thôn Cát Lợi, xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Ông Lê Ngọc Giáp sinh năm 1956, ở thôn Cát Lợi, xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), là người dân tộc Thổ, hơn 10 năm nay ông vinh dự được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ông Giáp là người gương mẫu trong các phong trào, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông Giáp trên con đường hình thành từ việc hiến 100m2 của gia đình.

Từng có nhiều năm giữ các chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng bộ xã Cát Tân, và hiện là Phó Bí thư Chi bộ thôn Cát Lợi, ông Lê Ngọc Giáp mang uy tín và sự hiểu biết của mình để tuyên truyền, vận động người dân trong xã gạt bỏ mọi hủ tục, giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng mình. Ông trực tiếp hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn trong thôn xóm. Đặc biệt là đối với phong trào xây dựng Nông thôn mới, ông luôn tích cực, năng nổ nhắc nhở người dân bảo đảm công tác vệ sinh môi trường tại khu vực sinh sống, thường xuyên tổ chức quét rọn đường làng, ngõ xóm.

Ông Giáp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, góp phần đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Ông Giáp không ngần ngại, đến từng gia đình, trực tiếp phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích và ý nghĩa của phong trào xây dựng Nông thôn mới. Qua đó vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công để chung tay làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi. Bản thân gia đình ông đã tiên phong trong việc hiến hơn 100m2 đất để mở rộng con đường liên thôn mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.

Xã Cát Tân là xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Dân số hiện trạng xã đến năm 2021 khoảng 2.990 người với 690 hộ dân sinh sống tại 5 thôn gồm Cát Lợi, Cát Xuân, Thanh Vân, Phụ Vân, Cát Thịnh; Tổng số lao động của xã là 1.590, xã có 4 dân tộc anh em, cơ cấu các dân tộc gồm: Dân tộc Thái 15.81%; Thổ 38.70%, Mường 0.6%; Kinh 44.89%. Riêng đối với thôn Cát Lợi, xã Cát Tân có tới 160/178 hộ là người đồng bào dân tộc, chiếm tới 90%, do đó vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS tại đây là vô cùng quan trọng.

Nói về phần đất mà mình đã hiến, ông Giáp khiêm tốn: “Ở đây có rất nhiều gia đình hiến đất làm công trình phúc lợi chứ không riêng gì tôi. Nhưng phải nói thật, con đường bên cạnh nhà trước đây vốn nhỏ hẹp, bùn đất lầy lội, cỏ mọc um tùm 2 bên, đi bộ mà vẫn còn khó chứ chưa nói đến việc sử dụng phương tiện khác để di chuyển. Hơn nữa, lại là người được bà con dân tộc tại địa phương tin tưởng, nên vào năm 2018, tôi quyết định gương mẫu hiến khoảng 100m2 đất của gia đình để mở rộng, bê tông hóa tuyến đường này”.

Bà con DTTS gửi gắm niềm tin

Không chỉ tiên phong trong thực hiện xây dựng Nông thôn mới tại địa phương, ông Lê Ngọc Giáp còn thể hiện vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS khi trực tiếp đi tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia hiến đất làm đường giao thông. Theo ông Lê Hữu Hồng, trưởng thôn Cát Lợi: Từ khi địa phương phát động chương trình xây dựng Nông thôn mới đến nay, toàn thôn Cát Lợi đã có 21 hộ gia đình tham gia hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, với tổng diện tích đất đã hiến khoảng hơn 4.500m2. Trong đó, gia đình ông Lê Hữu Vinh là hộ hiến nhiều đất nhất với tổng diện tích 250m2.

Sau 2 lần hiến đất của ông Lê Hữu Vinh, 2 con đường bê tông rộng rãi được xây dựng, giúp bà con đi lại dễ dàng.

Ông Lê Hữu Vinh, 59 tuổi, là người dân tộc Thổ ở thôn Cát Lợi. Được biết, gia đình ông Vinh là gia đình thuần nông, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. Dẫn chúng tôi thăm quan con đường bê tông còn nguyên màu mới, được hình thành trên mảnh đất của gia đình, ông Vinh chia sẻ: Đúng là đất đai là tài sản quý giá của gia đình tôi, khi nhà nước có chủ trương, địa phương thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới mà đường giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng, nên gia đình quyết định đóng góp một phần đất để làm đường giao thông, giúp bà con đi lại dễ dàng hơn.

Ông Lê Hữu Vinh, người dân tộc Thổ ở xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã hiến hơn 250m2 đất để làm đường giao thông.

Cụ thể vào năm 2019, sau khi được ông Lê Ngọc Giáp – người có uy tín trong đồng bào DTTS vận động, tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình xây dựng Nông thôn mới. Ông Lê Hữu Vinh đã bàn bạc với vợ, quyết định hiến hơn 120m2 đất của gia đình để làm đường giao thông. Đến năm 2020, gia đình tiếp tục hiến thêm 130m2 đất nữa mà không nhận đền bù.

Ông Lê Ngọc Giáp, sinh năm 1956, dân tộc Thổ tại thôn Cát Lợi, xã Cát Tân. Là 1 trong số 101 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Như Xuân. Từ năm 1974 – 1990, ông Giáp nhập ngũ, tham gia mặt trận Giải phóng miền Nam và chiến trường Cam-pu-chia. Đến năm 1991-1994, ông Lê Ngọc Giáp về địa phương giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tân. Từ năm 1994-2005, ông làm Chủ tịch UBND xã Cát Tân. Từ năm 2005-2010, ông được bầu làm Bí thư Đảng bộ xã Cát Tân. Từ năm 2010 đến nay, ông về hưu và tiếp tục được tin tưởng, tín nhiệm trở thành người có uy tín trong đồng bào DTTS tại địa phương và tham gia các hoạt động về Đảng tại Chi bộ thôn Cát Lợi. Năm 2018, gia đình ông Giáp đã tiên phong hiến gần 100m2 đất để mở rộng con đường liên thôn mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Năm 2017, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, góp phần đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lê Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tân chia sẻ: Những năm qua, ông Lê Ngọc Giáp là người có uy tín trong đồng bào DTTS, luôn được nhân dân tại địa phương tín nhiệm, tin tưởng. Ông Giáp từng làm cán bộ xã, nên rất am hiểu về pháp luật, là cầu nối gần gũi giữa chính quyền và bà con đồng bào dân độc, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Ông Lê Ngọc Giáp và Lê Hữu Vinh đều là những người năng nổ, tích cực trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, cả 2 người đều đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ở, đất vườn, đất sản xuất để làm đường giao thông, giúp bà con thuận tiện đi lại, phát triển kinh tế.

Theo báo cáo UBND xã Cát Tân, từ khi địa phương phát động chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhân dân các thôn trong xã đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng công trình phúc lợi mà không nhận tiền đền bù. Cụ thể, thôn Cát Xuân hiến 4.148m2, thôn Cát Lợi hiến 4.866m2, thôn Thanh Vân hiến 7.070m2, thôn Phụ Vân hiến 1.801m2, thôn Cát Thịnh hiến 1.123m2.

Riêng thôn Cát Lợi có tổng cộng 21 hộ dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông với tổng diện tích là 4.866m2. Trong đó hộ Ông Lê Hữu Vinh, 59 tuổi, người dân tộc Thổ hiến nhiều đất nhất với diện tích 250m2. Năm 2019, ông Lê Hữu Vinh đã quyết định hiến hơn 120m2 đất ở gồm 2 mét chiều rộng, hơn 60m chiều dài để làm đường giao thông. Sau khi nhận thấy việc làm đường giao thông giúp bà con đi lại thuận tiện, thuận lợi vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, đến năm 2020, ông Vinh tiếp tục hiến gần 130m2 đất sản xuất nông nghiệp để làm đường, đồng thời không nhận tiền đền bù.

Với những đóng không nhỏ cho cộng đồng và xã hội, năm 2017, ông Lê Ngọc Giáp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, góp phần đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Bài liên quan
  • Lào Cai: Gương sáng Trưởng thôn trong tuyên truyền bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Ông Lý Phù Chìu, người dân tộc Dao, Bí thư chi bộ - Trưởng thôn Tả Chải, xã Tả Phìn( Sa Pa – Lào Cai) là một tấm gương sáng trong thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Thời gian qua ông Chìu đã tích cực vận động bà con Nhân dân trong thôn thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư xây dựng nông thôn mới sáng -xanh – sạch – đẹp” của thị xã Sa Pa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Già làng, trưởng bản – Tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động vào cuộc, chung sức đồng lòng của bà con nhân dân. Trong hành trình ấy, già làng, trưởng bản chính là những hạt nhân uy tín, đi đầu, định hướng tuyên truyền để bà con hiểu, cùng nhau thực hiện các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đừng bỏ lỡ
  • Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO