Nhớ mùa nước nổi

Thanh Bạch| 20/01/2023 22:35

(TN&MT) - Miền Tây Nam Bộ - nơi chín dòng sông uốn lượn, xuôi chảy mang theo lớp phù sa màu mỡ bồi đắp thêm cho sự trù phú vùng đất này. “Mùa nước nổi” ở miền Tây đã quá đỗi quen thuộc, là niềm thương nỗi nhớ, là ký ức trong đời sống của người dân nơi đây.

Phù sa màu mỡ vun bồi

Người xưa có câu “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”. Cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch hằng năm, con nước đỏ ngầu cuồn cuộn từ thượng nguồn sông Mê Kông tràn về Đồng bằng sông Cửu Long, mang theo nhiều phù sa và nguồn lợi thủy sản. Vào thời điểm này, tại các địa phương đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang, Long An… mênh mông biển nước, trắng xóa những cánh đồng.

31-3-.jpg

Mùa nước nổi, do tính đặc thù nên chợ được hình thành trên những khúc sông và mang đậm dấu ấn của “văn hóa sông, rạch”. Chợ được đặt ở những nơi đông dân cư, tại các ngã ba hoặc ngã tư sông, hàng hóa được bày bán trên những chiếc ghe, xuồng. Đặc biệt, việc mua bán theo mối nên không có chuyện tranh mua giành bán, giá cả cũng được ấn định ở mức có lợi cho cả đôi bên.

Nhớ lắm những mùa lũ lớn, nhà cửa, làng xóm, trường học, đường sá đều ngập chìm trong biển nước. Mọi sinh hoạt, đời sống của cư dân gặp nhiều khó khăn, thế nhưng họ nhanh chóng thích ứng và “sống chung với lũ”. Cảnh tượng thuyền bè tấp nập ngược xuôi trên các con sông, rạch, ruộng lúa trong mùa nước nổi tạo nên một nét đặc trưng riêng cho vùng sông nước Cửu Long.

Với người dân nơi đây, mùa nước nổi chính là mùa nghỉ ngơi sau một vụ lúa tất bật. Đó cũng là mùa cho đất nghỉ, rửa phèn mặn, phân bón hóa học và đón phù sa về bồi tụ cho ruộng đồng, vườn tược thêm màu mỡ, nhấn chìm các loài côn trùng, sâu bọ gây hại. Đồng thời, đưa cá, tôm về sinh sôi mang lại nguồn lợi thủy sản, giúp cho người dân cải thiện được đời sống kinh tế gia đình.

Hầu như những ai sinh ra và lớn lên ở mảnh đất “Chín Rồng” cũng đều chung cảm nhận: “Mùa nước nổi luôn là hình ảnh rất đỗi quen thuộc và sẽ là một phần ký ức trong cuộc sống của người dân. Nó nhắc nhở trong mỗi chúng ta về vòng quay tạo hóa và những thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với mảnh đất quê hương đã nuôi dưỡng mình từ những con cá, cọng rau”.

Tôi vẫn nhớ như in vào mùa lũ năm 2000, đây cũng là kỷ niệm vui buồn lẫn lộn của đời mình. Vốn được sinh ra và lớn lên nơi cuối nguồn sông Cửu Long, nên niềm vui của tôi là được trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh vật đầu nguồn mỗi khi vào mùa nước nổi. Năm ấy, mấy anh em tôi từ Bến Tre vào thuê đất ven bờ biển Hòn Đất (Kiên Giang) để nuôi nghêu. Chưa bao lâu, con nghêu đã nhanh lớn, chúng tôi quá đỗi vui mừng. Thế nhưng, niềm vui chẳng trọn vẹn khi cơn lũ dâng cao, các cống đập ngăn mặn được mở, nước ngọt trên các cánh đồng tuôn chảy như “trút” ra biển, làm hàng chục tấn nghêu nuôi bị mất trắng vì “sốc” nước.

Tuy vậy, có lẽ không ở đâu người dân lại mong con nước về như ở miền Tây Nam Bộ. Bởi khi lũ về, không chỉ rửa mặn cho đất mà còn mang theo phù sa màu mỡ vun bồi cho ruộng đồng, vườn tược, cùng với đó là rất nhiều sản vật, tôm, cá… dồi dào. Lũ về cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu người dân nơi đây có điều kiện bám theo con nước mưu sinh trên các dòng kênh và cánh đồng.

Khát vọng về cuộc sống đủ đầy

Anh Trương Hải Đăng (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) nhớ lại, những năm trước đây, tại các địa phương đầu nguồn chưa làm hệ thống đê bao như hiện nay, vào mùa nước nổi thì trên các cánh đồng đều chìm sâu trong nước. Khi đó, tôm, cua, cá, ốc… rất nhiều. “Gia đình tôi có người theo nghề đánh bắt thủy sản mùa nước lũ cũng nhiều năm. Hồi xưa nước đổ về cao lắm, cá mắm cũng nhiều. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào mùa nước nổi. Trong những tháng lũ về, nếu chịu khó đánh bắt thì coi như đủ sống quanh năm”, anh Hải Đăng cho hay.

31-1-.jpg

Hình ảnh mưu sinh mùa nước nổi rất quen thuộc ở miền Tây Nam Bộ.

Theo anh Hải Đăng, đó là chuyện của mấy năm trước đây, còn bây giờ, lũ về không nhiều. Mực nước thấp, nguồn lợi thủy sản dần khan hiếm, các loại sản vật mùa nước nổi khác như bông điên điển, bông súng, hẹ nước… cũng không được nhiều. Đời sống người dân bám vào con nước đã trở nên bấp bênh, nên nhiều gia đình đành phải bỏ nghề, bỏ đi xứ khác tìm kế mưu sinh.

Thực tế cho thấy, dựa vào tự nhiên và đặc thù địa lý, mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ cũng là một mùa mong đợi để làm ăn, mong chờ một mùa bội thu sản vật. Niềm vui, niềm hạnh phúc, khát vọng về cuộc sống no đủ đong đầy trong từng mẻ cá trĩu nặng, đằng sau đó là cả những giọt mồ hôi, nước mắt, những mất mát in hằn trên khuôn mặt của người dân nơi đây. Cũng chính họ - những người dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn mong muốn, ước ao những mùa lũ đẹp, đủ để cải tạo đất, cung cấp phù sa cho toàn vùng, giúp con người có cuộc sống ổn định, sung túc hơn.

Cùng với những giá trị về kinh tế và sinh kế, mùa nước nổi còn là một phần ký ức trong đời sống, là hình ảnh đặc trưng nơi vùng đất Chín Rồng. Mùa nước nổi cũng nhắc nhở người ta đừng quên đi lợi ích quý giá mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho quê hương mình. Riêng tôi, vẫn nhớ và cảm thấy mình rất hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, được trải qua những kỷ niệm đong đầy, những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng về “Mùa nước nổi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mùa nước nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO