Nhiều ý kiến góp ý cho Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

Mai Đan| 29/07/2022 14:22

(TN&MT) - Sáng 29/7 tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

img_6980(1).jpg
Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thư ký Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập phát biểu tại cuộc họp

Ông Trần Mỹ Dũng - Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban soạn thảo) cho biết: Về báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2020, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược khoáng sản 2427) tại các Bộ và địa phương.

Mặt khác, Bộ đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có liên quan để đánh giá cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về khoáng sản, kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hiện trạng ngành công nghiệp khai khoáng sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010. Trên cơ sở đó, nội dung Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2427 đã hoàn thành và đưa vào nội dung Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và đã được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến của 9 Bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo để các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhà nước có liên quan lĩnh vực khoáng sản đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW cũng như Chiến lược khoáng sản 2427. Trên cơ sở đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành “Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2427” theo các nhóm nội dung cụ thể.

Về xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản 2427 đã đánh giá những tồn tại, hạn chế trong định hướng thăm dò khoáng sản, nhất là trong khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản; đã đánh giá những nguyên nhân khách quan, chủ quan của tồn tại, hạn chế, trong đó, có yếu tố biến động lớn về thị trường khoáng sản trong nước và trên thế giới trong những năm qua tới sự phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và tác động trực tiếp tới việc thực hiện Chiến lược khoáng sản 2427. Từ đó, đã đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho định hướng chiến lược khoáng sản, công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn mới (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

img_6989(1).jpg
Ông Trần Mỹ Dũng - Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) báo cáo tại cuộc họp

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, Bộ TN&MT thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã bổ sung nội dung mới về định hướng chiến lược địa chất, đồng thời, bổ sung các định hướng về khoáng sản cũng như công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn mới. Theo đó, tên của Chiến lược là “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cơ quan thường trực Ban soạn thảo đã hoàn thành dự thảo (lần 1) “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và hoàn thiện "Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản 2427”.

Sau khi Bộ trưởng Bộ TN&MT thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, ngày 1/7/2022, Tổ biên tập đã họp phiên thứ nhất để góp ý cho các dự thảo “Báo cáo tổng kết, các dự thảo (Tờ trình, Chiến lược)”. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Tổ biên tập, Tổng cục đã hoàn thiện dự thảo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và dự thảo Tờ trình.

Về báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo này chưa được quy định trong pháp luật về Bảo vệ môi trường trước đây. Hiện nay, theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Trong đó, Chiến lược khoáng sản phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Theo đó, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược để phê duyệt kèm theo hồ sơ trình phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, đơn vị đã hoàn thành dự thảo (lần 1).

img_6963(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên của Ban soạn thảo đã góp ý cho dự thảo Tờ trình về việc phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược này.

Ông Phạm Tân Tuyến - Chánh Văn phòng Bộ TN&MT cho rằng, cần bổ sung nhiệm vụ vào Chiến lược, bởi nếu không có nhiệm vụ thì không thực hiện được mục tiêu. Đồng quan điểm, đại diện Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nhiệm vụ trên cơ sở căn cứ vào ngân sách Nhà nước và rà lại mục tiêu; phân rõ nhiệm vụ nào sử dụng vốn đầu tư, vốn đầu tư thường xuyên, nhiệm vụ nào có khả năng xã hội hóa cao; làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong chiến lược, cũng như của Trung ương và địa phương trong mỗi nhiệm vụ.

Đại diện Bộ xây dựng đề nghị, trong phần quan điểm chỉ đạo của Quyết định phê duyệt Chiến lược, cần bổ sung thêm một nội dung mục về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; bổ sung thêm 1 nội dung về xuất khẩu khoáng sản vào quan điểm chỉ đạo: “Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản ổn định, bảo đảm quyền lợi của nhà nước và doanh nghiệp; không xuất khẩu khoáng sản thô, chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến tạo ra giá trị tăng cao”.

Đại diện này cũng đề nghị, bổ sung một số nội dung cụ thể vào mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển và các giải pháp trong dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược.

Thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, Tổ biên tập sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, biên tập lại và sớm báo cáo Thứ trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến góp ý cho Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO