Nhiều khu vực biển vượt ngưỡng nguy hiểm của nồng độ vi nhựa

Minh Thư| 18/02/2022 17:50

Đó là kết quả đánh giá mới nhất do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF ủy thác thực hiện từ việc rà soát lại hơn 2.590 nghiên cứu nhằm cung cấp một phân tích toàn diện nhất từ trước cho đến nay về tác động đáng báo động và quy mô ô nhiễm nhựa đối với các loài và hệ sinh thái đại dương trên toàn thế giới.

Vi nhựa đang phá hủy hệ sinh thái biển

Báo cáo đánh giá cho thấy, sự gia tăng ô nhiễm nhựa hiện nay được dự báo sẽ gây ra những rủi ro lớn đến hệ sinh thái, với một số điểm nóng về ô nhiễm như Địa Trung Hải, khu vực Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải, và biển băng ở Bắc Cực đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm về vi nhựa trong hệ sinh thái.

anh-wwf.png
ô nhiễm nhựa đại dương phá hủy hệ sinh thái biển 

Các tác động tiêu cực do ô nhiễm nhựa được phát hiện ở hầu hết các nhóm loài của một số hệ sinh thái biển quan trọng nhất trên thế giới, như rạn san hô và rừng ngập mặn, đang phải chịu rủi ro.

Báo cáo đánh giá cũng cảnh báo rằng đến cuối thế kỷ này, các khu vực đại dương có diện tích gấp 2,5 lần khu vực Greenland (Đan Mạch) có thể vượt quá ngưỡng nguy hiểm về mặt sinh thái của nồng độ hạt vi nhựa, vì lượng hạt vi nhựa trong đại dương có thể tăng gấp 50 lần vào thời điểm đó. Điều này dựa trên dự đoán rằng sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, dẫn đến các mảnh rác vụn nhựa trong đại dương sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050.

Báo cáo “Tác động của ô nhiễm nhựa đại dương đối với các loài sinh vật biển, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái” do WWF uỷ thác cho Trung tâm Nghiên cứu Biển và Địa cực Helmholtz thuộc Viện Alfred Wegener thực hiện, đã ghi nhận rằng nồng độ hạt vi nhựa trên ngưỡng 1,21 x 105 hạt / m3hiện đã được ước tính ở một số khu vực trên thế giới. Đây là ngưỡng mà từ đó các rủi ro đáng kể đến hệ sinh thái có thể xảy ra qua, nhưng lại đã bị vượt quá ở một số điểm nóng về ô nhiễm như Địa Trung Hải, Biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải và biển băng ở Bắc Cực.

Trong kịch bản xấu nhất, việc vượt quá ngưỡng nguy hiểm của ô nhiễm hạt vi nhựa trong hệ sinh thái có thể dẫn đến những tác động tiêu cực không chỉ đến các loài mà còn đến cả hệ sinh thái, bao gồm việc suy giảm quần thể.

anh-w-2.jpg
nhiều khu vực biển bị ngập rác thải 

"Tất cả các bằng chứng đều cho thấy việc ô nhiễm nhựa trong đại dương là không thể phục hồi được. Khi chất thải nhựa đã vào đại dương, nó gần như không thể được thu hồi lại. Nó phân hủy qua thời gian và do đó, nồng độ hạt vi nhựa và hạtnhựa nano sẽ tiếp tục tăng lên trong nhiều thập kỷ. Việc hướng tới giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra ô nhiễm nhựa có hiệu quả cao hơn nhiều so với các nỗ lực làm sạch đại dương. Nếu các chính phủ, ngành công nghiệp và xã hội cùng hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn có thể hạn chế được cuộc khủng hoảng nhựa" - Heike Vesper, Giám đốc Chương trình Đại dương, WWF-Đức, cho biết.

Cần một Hiệp ước toàn cầu ràng buộc về pháp lý chống ô nhiễm nhựa

Mối đe dọa ô nhiễm hạt vi nhựa ngày càng lan rộng và ngày càng gia tăng này đối với sự sống đại dương chỉ có thể được giải quyết bằng một giải pháp hiệu quả mang tính toàn cầu và hệ thống, nếu các quốc gia đồng lòng cho một quyết định tại Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA 5.2) để chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán về hiệp ước toàn cầu mới.

Áp lực đang ngày càng gia tăng đối với cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý. Hơn 2 triệu người trên khắp thế giới đã ký vào bản kiến nghị của WWF, trong khi hơn 100 công ty toàn cầu, hơn 700 tổ chức xã hội dân sự và 156 quốc gia, chiếm hơn ¾ quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, cũng đã ủng hộ lời kêu gọi hiệp ước này.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, ô nhiễm nhựa không được kiểm soát sẽ trở thành một yếu tố góp phần vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra, làm sự sụp đổ hệ sinh thái trên diện rộng và xâm phạm ranh giới an toàn của hành tinh. Chúng ta biết làm thế nào để ngăn chặn ô nhiễm nhựa và chúng ta biết cái giá của việc không hành động chính là các hệ sinh thái biển của chúng ta - không có lý do gì để trì hoãn hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Cách để các quốc gia thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhựa là đồng ý tham gia một hiệp ước ràng buộc toàn cầu đề cập đến tất cả các giai đoạn trong vòng đời của nhựa và điều đó hướng chúng ta đến mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa đại dương vào năm 2030”, Bà Ghislaine Llewellyn, Phó giám đốc Chương trình Đại dương, WWF cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khu vực biển vượt ngưỡng nguy hiểm của nồng độ vi nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO