Nhiều khó khăn ở khu TĐC thủy điện Trung Sơn

26/04/2017 00:00

(TN&MT) - Thực hiện dự án thủy điện Trung Sơn, hàng trăm hộ dân xã Trung Sơn, huyên Quan Hóa (Thanh Hóa) di dân, nhường đất lại cho công trình. Thế nhưng do đồi núi vách thẳm, bạc màu, sỏi đá khiến việc trồng trọt rất khó khăn. Không chỉ thế nước sinh hoạt cũng rất khan hiếm.

Tháng 11/2012 dự án thủy điện Trung Sơn bắt đầu được xây dựng trên sông Mã thuộc xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Để phục vụ thi công, tháng 5/2016 hàng trăm hộ dân xã Trung Sơn bắt đầu di dân nhường đất cho dự án.

Phần đất được chia cho gia đình bác Phạm Bá Lâm, 55 tuổi, khu Pom Chốn cằn cỗi, sỏi đá rất khó canh tác.
Phần đất được chia cho gia đình bác Phạm Bá Lâm, 55 tuổi, khu Pom Chốn cằn cỗi, sỏi đá rất khó canh tác.

Theo đó, xã Trung Sơn có bản Tà Bán với 221 hộ, gồm 839 nhân khẩu và bản Xước có 34 hộ với 120 nhân khẩu sẽ chuyển đến ở 5 khu thuộc dự án TĐC thủy điện Trung Sơn gồm: Keo Đắm, Pom Chốn, Co Pùng, Pa Búa và Tà Bục.

Thế nhưng, cuộc sống mới ở khu TĐC gặp vô vàn khó khăn, người dân vẫn chưa thể thích nghi với cuộc sống mới. Bước đầu, để lấy mặt bằng xây dựng, lớp đất màu mỡ phía trên đã được san ủi. Thế nên phần đất cằn cỗi phía dưới rất khó sản xuất. Nhiều hộ gia đình buộc phải chở đất phù sa ở ven sông về để trồng trọt.

Nhiều hộ dân được chia  phần đất dốc, nghiêng, vách sâu khó khăn cho quá trình lao động sản xuất, trồng trọt. Hộ thì đất bạc màu, nhiều sỏi đá rất khó canh tác. Thậm chí nhiều gia đình  được chia cả vào phần đất của người khác hiện vẫn chưa được giải phóng, đền bù. Vì những lí do trên nên đến thời điểm hiện tại nhiều hộ dân vẫn chưa bằng lòng về nhận đất để ổn định cuộc sống tại khu TĐC.

Nhiều hộ gia đình được chia phần đất dốc khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Nhiều hộ gia đình được chia phần đất dốc khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Cô Phạm Thị Pán, 54 tuổi, khu Pom Chốn bản Tà Bán - chia sẻ: “Nước sinh hoạt lúc có lúc không, nước không đủ dùng. Vườn được giao toàn đá nên khó có thể trồng cây. Khi chia đất lại chia cả đất vách, dốc nghiêng thì làm xao sản xuất nổi nên nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận đất. Ruộng lúa trước kia đã nằm dưới lòng hồ, giờ phải đi xa 7 – 8 km đường rừng để khai hoang trồng lúa”.

Bác Phạm Bá Lâm, 55 tuổi, khu Pom Chốn bức xúc cho biết: “Nguồn nước không đủ để dùng. Thiếu đất vườn để trồng hoa màu. Đất vườn được chia toàn đất xấu, đất đá nên không thể trồng trọt. Muốn trồng trọt phải dùng xe vận chuyển đất màu dưới hồ lên để làm vườn, giờ nước lòng hồ dâng cao nên không thể lấy đất về được rồi. Mỗi hộ 5 khẩu cũng chỉ được chia 700 m2 đất. Giờ đi trồng lúa, ngô, sắn cũng phải đi xa mất 7 - 8 km, nước lòng hồ dâng cao khó có thể đi qua”.

Một góc khu TĐC thủy điện Trung Sơn còn bộn bề khó khăn.
Một góc khu TĐC thủy điện Trung Sơn còn bộn bề khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Bá Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho hay: “Những phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng. Hiện đã xảy ra tình trạng chia đất xấu, đất đá và chia cả đất dốc, vách nghiêng cho dân. Nguyên nhân do quỹ đất của xã đã hết, nên xã không còn quỹ đất để chia cho dân”.

Ông Phạm Bá Khánh - Cán bộ Địa chính UBND xã Trung Sơn cho biết: “Việc người dân phản ánh là hoàn toàn đúng, do quỹ đất của xã đã hết, không còn quỹ đất để chia nên buộc phải chia đất xấu, cả phần đất dốc, vách nghiêng cho dân. Ruộng đất tốt giờ đã nằm trong lòng hồ nên không còn đất để chia. Đất khai hoang mới toàn là đất dốc, xấu. Để trồng hoa màu người dân phải đi xa ít nhất 7 - 8 km nên cũng rất vất vả”.

Trước đó Báo TN&MT điện tử  có bài: Sụt lún, nứt nhà tại Khu tái định cư Thủy điện Trung Sơn. Phản ánh về thực trạng:  Dự án Thủy điện Trung Sơn tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã  triển khai di dân tái định cư đến những nơi ở mới. Tuy nhiên, tại những điểm tái định cư này lại xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở, nứt nhà chỉ trong một thời gian ngắn khiến người dân vô cùng lo lắng.

Dự án thủy điện Trung Sơn được triển khai xây dựng trên vùng đất sơn cước còn nhiều nghèo khó. Người dân  đã đồng lòng di dân nhường đất cho dự án với mong muốn đổi thay mới, diện mạo mới. Thế nhưng, nhu cầu thiết yếu của người nông dân là đất sản xuất cũng chưa được đáp ứng để họ có tư liệu để sản xuất.  Không chỉ thế nhà cửa được xây dựng mới trong khu TĐC lại bị sụt lún.

Thiết nghĩ, di dân để phục vụ dự án nhằm phát triển kinh tế là điều rất hoan nghênh. Thế nhưng phía chủ đầu tư cũng cần quan tâm tới khu tái định cư, tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số yên tâm trồng trọt, sản xuất và sinh hoạt.

                                                                                                Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khó khăn ở khu TĐC thủy điện Trung Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO