Nhiều địa phương thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Thanh Tùng| 21/07/2021 15:44

(TN&MT) - Hiện tại, bão số 3 đã vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cảnh báo mưa lớn tại một số tỉnh khu vực Bắc Bộ nước ta. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó. Mưa lớn những ngày qua, cũng gây thiệt hại về tài sản của người dân tại một số địa phương trên cả nước.

Bão số 3 đã vào đất liền ven biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: TTDB KTTV QG

Bão số 3 vào đất liền

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền ven biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 180km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Nam. Đến 7 giờ ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái khoảng 60km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Nam Đông Nam, mỗi giờ, đi được 5-10km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng của bão, từ ngày mai (22/7), ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Mưa, lốc gây thiệt hại lớn

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, ngày 21/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc đêm và sáng có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Mưa lớn gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông. Ảnh minh họa

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, mưa lớn đã làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Tại Lào Cai, mưa lớn từ đêm ngày 17/7 đến rạng sáng ngày 20/7 làm 2 nhà bị thiệt hại; 22,2ha lúa bị ngập úng; thiệt hại 6 ha hoa màu; 0,1 ha ao cá; sạt lở ta luy dương 1.500m3 của 2 tuyến đường liên xã; sét đánh gây thiệt hại một số thiết bị điện gia dụng của 9 hộ.

Trên địa bàn Tây Ninh, mưa kèm theo lốc ngày 19/7 đã gây ra thiệt hại 54 nhà (1 nhà bị sập, 53 nhà tốc mái); 1 lớp học bị tốc mái; 16,5 ha lúa bị thiệt hại; 3 trụ điện bị gãy đổ và 1 nhà xưởng bị sập.

Tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, An Giang, mưa kèm lốc xoáy cục bộ ngày 19/7 đã làm 29 nhà bị tốc mái (Bình Thuận: 2 nhà, Bình Dương: 5 nhà, An Giang: 22 nhà). Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động ứng phó với bão và thời tiết nguy hiểm trên biển Đông. Đặc biệt là các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ, nơi có thể chịu ảnh hưởng của Bão, ATNĐ trong những ngày tới.

Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa dông, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, gió giật mạnh. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tiếp tục triển khai các nội dung theo chỉ đạo tại Văn bản số 348/VPTT và 349/VPTT ngày 17/7/2021 để chủ động các biện pháp ứng phó khi có tình huống. Duy trì lực lượng trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN.

Ngay trong sáng nay (21/7), Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão tại Hòa Bình và TP. Hà Nội.

Tại Hòa Bình, Đoàn sẽ kiểm tra công tác đảm bảo an toàn và vận hành xả lũ của Thủy điện Hòa Bình và nghe báo cáo chung về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Sau đó, Đoàn sẽ kiểm tra khu vực Đập Đáy và cống Liên Mạc trên đê Hữu Hồng, thuộc huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương thiệt hại do mưa lớn, dông lốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO