Nhanh chóng đưa xe điện vào thử nghiệm vận tải taxi

PV| 22/03/2023 14:32

Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch trong kinh doanh là cần thiết. Đây là xu thế mới, tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 21/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu áp dụng và thử nghiệm dùng xe điện của các nhà cung cấp làm taxi, thay các loại xe taxi đang sử dụng xăng, dầu hiện nay.

quang-canh-copy-1679406436547.jpg
Quang cảnh hội nghị

Sử dụng năng lượng sạch trong kinh doanh là cần thiết

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhấn mạnh: Trong những năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành vận tải nói chung, ngành taxi nói riêng.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của một số loại hình taxi công nghệ, giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng không nhỏ ngành nghề vận tải. Nhiều doanh nghiệp phải bán phương tiện để trả nợ. Bởi vậy, hiện nay việc vực dậy ngành nghề này cần phải tìm một hướng đi mới, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xu thế ngành vận tải thế giới; đặc biệt là áp dụng công nghệ, sử dụng các phương tiện tiên tiến trong kinh doanh như xe ô tô điện.

nguyen-cong-hung-copy-1679406436244_1.jpg
Ông Nguyễn Công Hùng phát biểu tại hội nghị 

Về xu thế sử dụng xe điện trong ngành kinh doanh vận tải, ông Hồ Quốc Phi, Phó chủ tịch, Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, ô tô điện có thể được xem là tương lai của nền công nghiệp ô tô thế giới hiện nay. Bởi, không những giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, loại phương tiện này còn tiện dụng hơn rất nhiều so với các dòng xe chạy bằng xăng dầu.

Ưu điểm chính của dòng xe này là nạp năng lượng dễ dàng; không cần thay nhớt, nước làm mát; giảm tần suất bảo dưỡng định kỳ; độ an toàn cao; không có tiếng ồn động cơ... Bên cạnh đó, thách thức của việc giá xăng dầu đang có dấu hiệu tăng nhanh, giảm nhẹ và phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, nguồn cung thế giới... Trong khi giá điện lại tương đối ổn định.

Mặt khác, thực tế hiện nay, để thích ứng với xu hướng của ngành kinh doanh vận tải thế giới và nắm bắt thời cơ, một số doanh nghiệp vận tải taxi Hà Nội đã tiến hành khảo sát, thử nghiệm và có đánh giá ban đầu về việc sử dụng xe điện trong vận tải taxi.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, các doanh nghiệp taxi đưa xe điện vào khai thác là một tất yếu. Trên thế giới, taxi điện được nghiên cứu và khai thác từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có nghiên cứu, đánh giá các yếu tố an toàn đối với người lao động và hành khách để lựa chọn nhà cung cấp phương tiện.

Quá trình vận hành cần tính toán tới giá cả phù hợp để mang lại lợi ích cho cả ba bên: Doanh nghiệp, người lao động và khách hàng. Bên cạnh đó, cần có đề xuất với các cơ quan chức năng có ưu đãi đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi từ xe xăng sang sử dụng phương tiện xanh để bảo đảm cam kết giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

chi-trung-copy-1679406436359_1.jpg
Ông Phạm Chí Trung phát biểu tại hội nghị 

Việc đưa vào sử dụng xe điện trong ngành vận tải taxi cũng nhận được sự đồng tình của ông Phạm Chí Trung, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội. Ông cho rằng, vấn đề chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch trong kinh doanh là cần thiết. Đây là xu thế mới, tiến bộ trong phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta cần phải từng bước bắt nhịp với xu hướng của thế giới.

Đề nghị dỡ bỏ biển cấm taxi tại Hà Nội, tăng điểm dừng, đỗ

Về việc tạo thuận lợi cho lĩnh vực vận tải taxi, các ý kiến của đại biểu tại hội nghị cho rằng, nhiều năm qua, vận tải taxi được coi là vận tải hành khách công cộng. Điều này khiến taxi nằm trong các chế tài nhất định.

Tuy nhiên, một nghịch lý lại đang tồn tại đó là, dù coi là phương tiện công cộng nhưng tại nhiều tuyến phố, taxi lại bị cấm theo giờ. Điều này đã tác động không nhỏ tới vai trò của vận tải taxi công cộng tại Hà Nội, đặc biệt là khiến khách hàng khó khăn khi sử dụng dịch vụ taxi.

Ông Nguyễn Công Hùng nêu thực trạng, việc cấm taxi theo giờ tại một số tuyến đường của Hà Nội đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch nói riêng, vận tải công cộng nói chung. Ví dụ như trên trục đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương và một số tuyến đường khác có nhiều khách sạn lớn.

Tuy nhiên, đây lại là các tuyến cấm taxi theo giờ gây khó khăn cho du khách tiếp cận các khách sạn bằng taxi. Nếu bỏ biển cấm, để taxi hoạt động tại các tuyến phố này sẽ giảm thiểu ách tắc giao thông do hạn chế được phương tiện cá nhân.

Trên cơ sở các quan điểm đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất TP Hà Nội có các khảo sát, đánh giá và dỡ bỏ biển cấm taxi tại một số tuyến phố để kết nối hệ thống giao thông công cộng và bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

nguyen-van-quyen-copy-1679406436359.jpg
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phát biểu tại hội nghị 

Về vấn đề điểm dừng, đỗ cho taxi, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu ý kiến: Việc hoạch định điểm dừng, đỗ xe dành cho xe taxi là vấn đề cần thiết. Trong những năm qua, do thiếu điểm dừng, đỗ nên sau khi trả khách xong, taxi thường phải chạy lòng vòng, tiêu tốn nhiên liệu, thời gian làm việc tăng thêm khiến tài xế mệt mỏi.

Nếu có thêm nhiều điểm dừng, đỗ sẽ vừa tiết kiệm cho doanh nghiệp, lái xe vừa được nghỉ ngơi, bảo đảm an toàn khi làm việc, giảm ùn tắc giao thông cho đô thị; làm lợi cho khách hàng.

Để tháo gỡ việc điểm đỗ cho xe taxi, thời gian vừa qua, các công ty taxi đã phối hợp với cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội khảo sát được 63 điểm dừng, đỗ, cơ bản đã đồng thuận, giao cho các sở, ngành có ý kiến về cấp phép.

Ông Quyền cho rằng, nếu đã coi taxi là vận tải công cộng thì phải có sự ưu tiên nhất định. Bởi nếu được bảo đảm các điều kiện về bến, bãi, thuận lợi về tuyến đường sẽ giảm chi phí, mang lại lợi ích chung cho cả phía doanh nghiệp và khách hàng sử dụng dịch vụ taxi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng đưa xe điện vào thử nghiệm vận tải taxi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO