Trong nước

Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam

Hoàng Hiền 21/04/2023 - 21:44

(TN&MT) - Tiếp tục chuyến công tác tại miền Trung, ngày 21/4, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Công tác dân tộc được tỉnh đặc biệt quan tâm

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam có 9 huyện miền núi với khoảng 330.404 người, chiếm tỉ lệ 22% dân số toàn tỉnh, riêng đồng bào các DTTS có 139.060 người, chiếm tỉ lệ 9,3% dân số toàn tỉnh.

Nhìn chung, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp, thường xuyên chịu tác động ảnh hưởng của thiên tai. Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn 70 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh còn khá cao với 10.919 hộ nghèo/46.766 hộ dân, chiếm tỉ lệ 23,35%.

z4282910107655d4265b3a3e12c799ff3bb9db8e58f1b2-16820676007081784961079.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam - Ảnh: VGP

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trong những năm qua và quý I năm 2023, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành 8 nghị quyết và 1 chỉ thị.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, HĐND tỉnh ban hành 4 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 11 quyết định; các sở, ban, ngành chức năng ban hành 21 văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối các cấp.

Về nguồn vốn triển khai Chương trình, trong năm 2022, toàn tỉnh Quảng Nam đã giải ngân được gần 60 tỷ đồng trong tổng số 422 tỷ đồng được phân bổ cho các dự án, chương trình liên quan vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh; năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã triển khai phân bổ vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đối ứng cho các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện chương trình 782 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình nên một số bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện; vì vậy nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã được phân bổ nhưng không có cơ sở để thực hiện.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương vào đầu quý III/2022. Sau khi Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành để làm cơ sở triển khai thực hiện đã là quý IV/2022, đây là mùa mưa bão, do đó công tác giải ngân nguồn vốn năm 2022 đạt thấp.

Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong điều kiện có nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan nhưng vẫn nỗ lực thực hiện khá hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

z428291011488216a53b74c2ebe8d245108c5873e880b0-1-16820677883632053566951.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm xem xét và tìm ra các mô hình hiệu quả để nhân rộng, chẳng hạn như mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở miền núi - Ảnh: VGP

Nhờ đó, bức tranh vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc; nhiều vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các quy định, chỉ đạo của Trung ương hiệu quả. Bộ máy trên lĩnh vực này cũng được địa phương quan tâm, chỉ đạo và phân công cán bộ… để triển khai thực hiện.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lưu ý: Cũng như nhiều địa phương khác của cả nước, Quảng Nam cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án liên quan đến khu vực đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Mục tiêu là phải hướng đến việc triển khai các dự án, chương trình ngày càng hiệu quả, đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm xem xét và tìm ra các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để nhân rộng, chẳng hạn như mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở miền núi.

Về phần Ủy ban Dân tộc hiện cũng đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ cơ chế đặc thù, xác định vùng, địa bàn có ưu thế để cho làm thí điểm các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là các loại nông phẩm có giá trị cao để nhân rộng, phát triển.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chú ý tổ chức việc phân bổ vốn và triển khai một số dự án, nhất là Dự án 5, trong đó có việc mua sắm trang thiết bị các trường dân tộc nội trú hiện nay phải thực hiện hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu. Đồng thời, tỉnh phải quan tâm chú ý thực hiện tốt việc chi trả tiền rừng cho người dân, động viên người dân tham gia bảo vệ rừng.

"Quảng Nam cần tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt những nội dung đã rõ, đã cụ thể hóa, kể cả việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn; địa phương phải chủ động, tập trung những địa bàn khó khăn trước để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả các dự án, chương trình.

Thông qua kiểm tra, giám sát phát hiện những khó khăn, bất cập để tập trung tháo gỡ. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể xã hội để kiểm tra, giám sát, triển khai các chương trình, dự án được đảm bảo công khai, dân chủ và thiết thực", Bộ trưởng Hầu A Lềnh lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO