Nhà xưởng xây trái phép tràn lan ở Đan Phượng (Hà Nội): Chính quyền có bất lực?

Bài và ảnh: Ngọc Trâm - Hoài Thu| 17/05/2022 10:34

(TN&MT) - Từ nhiều năm nay, “điểm nóng” nhà xưởng, nhà kho hay các cơ sở sản xuất gỗ tư nhân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực ven đường đê xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội) ngang nhiên tồn tại, hoạt động rầm rộ, thậm chí có dấu hiệu cơi nới, mở rộng.

Chính quyền xã Liên Trung cho biết, địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt. Thực trạng nhà xưởng xây dựng trái phép, vẫn chưa giải quyết triệt để khiến dư luận không khỏi hoài nghi vấn rằng liệu chính quyền có “bất lực”?

Nhà xưởng xây trái phép “nhan nhản” ven đê

Xã Liên Trung có ngành nghề truyền thống sản xuất, chế biến lâm sản và kinh doanh gỗ, ván ép, giàn giáo, cốt pha xây dựng từ nhiều đời nay. Nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân rất cao nhưng lại thiếu mặt bằng để sản xuất dẫn đến việc vi phạm đất đai, xây dựng nhà xưởng trái phép khá phổ biến và có tính lịch sử từ nhiều năm trước.

Theo ghi nhận của PV Báo TN&MT, dọc đường đê khu vực xã Liên Trung có hơn 30 nhà xưởng và các cơ sở chế biến và sản xuất gỗ đang hoạt động. Các công trình có diện tích hàng chục nghìn mét vuông, được dựng lên với kết cấu khung kèo sắt, vách quây tôn cùng mái lợp tôn. Hành lang đê bao sông Hồng trên địa bàn xã Liên Trung nhiều năm nay đã bị các cơ sở chế biến gỗ nơi đây lấn chiếm để làm nơi tập kết nguyên liệu sản xuất, giăng bạt rào chắn đường tận dụng làm chỗ chứa đồ tạm…

t12.jpg

Hành lang đê trên địa bàn xã Liên Trung nhiều năm nay bị lấn chiếm làm nơi tập kết nguyên liệu sản xuất.

Không những thế, trong quá trình hoạt động, những nhà xưởng, cơ sở sản xuất này còn “bức tử” môi trường bằng cách xả thẳng nước thải, hóa chất chưa qua xử lý ra ao hồ dưới chân đê khiến nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối. Những làn khói đen, trắng khi sản xuất, chế biến gỗ được xả thẳng ra không khí, biến tuyến đường ven đê Quai trở nên mù mịt với những vụn gỗ, khói gỗ, mùi khét nồng nặc, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sau khi phóng viên trao đổi và phản ánh về tình trạng hàng loạt công trình xây dựng trái phép nằm dọc tuyến đê sông Hồng qua địa bàn xã Liên Trung, ông Nguyễn Đa Sơn - Chủ tịch UBND xã Liên Trung thừa nhận: Tình trạng trên đã tồn tại từ nhiều năm, đồng thời cho biết, xã đã được huyện Đan Phượng phê duyệt Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 16/3/2020 về tổ chức xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Liên Trung.

“Theo chỉ đạo của thành phố và huyện, xã đang triển khai các bước để thực hiện kế hoạch. Thời gian thực hiện theo lộ trình, đến năm 2024 là xong” - ông Sơn thông tin.

Kế hoạch đã có, nhưng đến nay, tình trạng các nhà xưởng, cơ sở sản xuất tư nhân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực ven đường đê xã Liên Trung vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động rầm rộ, thậm chí có dấu hiệu cơi nới, mở rộng thêm.

Bài toán giải quyết ô nhiễm môi trường bị bỏ ngỏ?

Theo rà soát, tổng số trường hợp vi phạm trên địa bàn xã Liên Trung là 81 trường hợp, diện tích 16.035m2. UBND xã đã xây dựng kế hoạch rà soát, xử lý, bóc tách danh sách vi phạm, khu vực xử lý theo lộ trình.

Kế hoạch 134/KH-UBND nêu rõ, lộ trình xử lý được chia làm 3 đợt. Đợt 1 sẽ xử lý 23 trường hợp, diện tích 2.685m2 tại khu Cốc, khu cửa chùa Hạ, khu đấu giá hồ gốc Vối, thời gian thực hiện từ 1/6/2020 đến 31/12/2021. Đợt 2 sẽ xử lý 31 trường hợp, diện tích 9.584m2 tại khu làng nghề thôn Hạ đến ngã ba đường tỉnh lộ 422 Liên Trung, Liên Hà, thời gian tiến hành từ 1/1/2022 đến 31/12/2022. Đợt 3 sẽ xử lý 27 trường hợp, diện tích 3.766m2 với các trường hợp dọc chân đê đường 422, từ đường vào Trường Mầm non đến đường N1, thời gian tiến hành từ 1/1/2023 đến 31/12/2024.

Theo lộ trình, từ 1/6/2020 đến 31/12/2021, xã Liên Trung sẽ xử lý 23 trường hợp. Tuy nhiên, khi hỏi về kết quả xử lý các trường hợp này, cán bộ địa chính xã là ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho hay, các trường hợp vi phạm nằm trong thời gian xử lý đợt 1 có 7 trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của huyện nên cần báo cáo với huyện Đan Phượng để ban hành quyết định xử lý. Còn đối với các trường hợp còn lại thuộc thẩm quyền xử lý của xã, ông Nghĩa trình bày: “Xã đang tiếp tục vận động để hạn chế, khi 7 trường hợp kia được huyện ban hành các quyết định đầy đủ rồi xã sẽ tiến hành giải tỏa một loạt”.

Khi phóng viên yêu cầu cung cấp thông tin hồ sơ liên quan đến nội dung xử lý các trường hợp trên, chính quyền xã từ chối cung cấp mà chỉ cho phóng viên “xem” 1 bộ hồ sơ của 1 trường hợp. Trong đó bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế, đã có 3 lần lập biên bản vận động tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm, thậm chí còn có biên bản giao nhận giấy tờ chứng minh hộ vi phạm đã nhận được các văn bản xử phạt của xã. Như vậy, về mặt hồ sơ, các trường hợp sai phạm đều đã đầy đủ pháp lý để cưỡng chế tháo dỡ hoàn toàn công trình vi phạm. Thế nhưng đến nay, lộ trình xử lý theo kế hoạch của huyện cũng “trôi” đến nửa đợt 2 mà công trình vẫn tồn tại và hoạt động bình thường. Giải thích cho việc bỏ ngỏ này, ông Nghĩa cho rằng “quy định cưỡng chế không cho thực hiện vào ngày nghỉ, lễ, mà lúc làm hồ sơ xong lại vào ngày lễ”... Mặt khác, theo ông Nghĩa, các trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của xã nằm sâu bên trong, mặt ngoài là các trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của huyện cho nên “phải chờ”.

Như vậy có thể thấy, mặc dù đã có kế hoạch với các lộ trình cụ thể, hồ sơ xử lý vi phạm đầy đủ nhưng các công trình sai phạm vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”. Trước tình trạng này, câu hỏi đặt ra, chính quyền địa phương xử lý nửa vời như vậy có gây ra tình trạng “nhờn luật” khiến những vi phạm ngày càng dai dẳng, thách thức pháp luật hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà xưởng xây trái phép tràn lan ở Đan Phượng (Hà Nội): Chính quyền có bất lực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO