Nhà phố cho thuê "lao đao" đợt dịch

Thục Vy| 01/06/2021 18:04

(TN&MT) - Chưa hoàn toàn phục hồi sau 3 đợt dịch Covid-19, đến nay mặt bằng nhà phố cho thuê tại khu vực trung tâm TP.HCM, hoặc ven trung tâm lại đối mặt nỗi lo trước làn sóng Covid-19 lần 4 đang diễn biến phức tạp.

Mặt bằng ở đường Hai Bà Trưng, quận 3 treo bảng đã lâu mà chưa tìm được khách

Vừa tạm ổn định sau đợt bùng dịch dịp Tết vừa qua, chị Thanh Hằng - chủ một cửa hàng ăn uống tại đường Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận (TP.HCM) lại phải đối mặt nỗi lo đình trệ kinh doanh khi Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu tháng 5 này. Suốt năm 2020 đã phải chịu cảnh lao đao, cứ mở cửa vài tháng là lại phải ngừng hoạt động và giờ cửa hàng của chị lại tiếp tục đóng cửa do giãn cách xã hội.

Chị Hằng cho biết, từ năm ngoái, do khó khăn nên chủ nhà đã chấp nhận giảm 30% giá thuê để hỗ trợ vợ chồng chị duy trì. Dù được giảm giá nhưng kinh doanh cả năm ảm đạm, vợ chồng chị cố gắng cầm cự để giữ mặt bằng quen với hi vọng qua Tết sẽ tốt lên. Nhưng giờ tình hình dịch còn phức tạp và nguy hiểm hơn cả năm trước, mọi hi vọng về phục hồi gần như tiêu tan.

Người thuê đã vậy, chủ thuê cũng không tránh được khó khăn khi thu nhập từ cho thuê nhà phố ngày càng tụt dốc. Chị Hải An, chủ sở hữu một mặt bằng nhà phố cho thuê tại đường Điện Biên Phủ, Q. 3 (TP.HCM) chia sẻ, từ năm ngoái đến nay đã có 3 khách thuê trả mặt bằng vì không cầm cự nỗi, dù chị đã giảm giá thuê đến 35%. 

Khảo sát tại các tuyến đường trung tâm TP.HCM, và nhiều tuyến đường ở các quận ngoài trung tâm, tình trạng nhà trống treo bảng cho thuê rất nhiều. Đơn cử, dọc tuyến phố ăn uống Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) rất nhiều mặt bằng còn bỏ trống, treo bảng nhiều tháng liền. Nhiều chủ nhà giảm giá cho thuê từ 30% - 40% nhưng vẫn khó tìm được khách. Đi dọc những tuyến đường đông đúc kéo dài từ quận 1, quận 3 đến quận Tân Bình như Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ… cũng dễ dàng thấy những mặt bằng đất vàng trước kia nay đóng cửa im ỉm. 

Buôn bán ế ẩm, nhiều chủ shop sang lại mặt bằng

Là phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ Covid-19, thị trường nhà phố cho thuê lại “khó chồng khó” khi đợt dịch Covid-19 thứ tư quay trở lại. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến nhà phố mặt tiền cho thuê theo hướng tiêu cực nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Kể từ dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố trên các tuyến đường lớn tại TP.HCM, nhất là khu vực trung tâm quận 1, quận 3 liên tục giảm mạnh nhưng vẫn khó giữ chân người thuê. Nếu thời điểm tháng 4/2020, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm 10-20% thì đến đợt dịch thứ hai vào tháng 7/2020, giá thuê nhà phố giảm xuống mức 25-35%. Đến tháng 2/2021, đợt dịch bùng phát lần ba đã đẩy giá thuê nhà phố giảm xuống 40%, thậm chí nhiều khu vực còn có giá giảm 50% so với năm 2019.

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, kinh doanh khó khăn do lượng du khách quốc tế giảm đột ngột khiến cho nhiều khách thuê phải trả lại mặt bằng. Như vậy, có thể nói rằng thị trường đang thừa mặt bằng cho thuê. Kể từ khi bùng dịch, số lượng mặt bằng trống tăng lên và giá chào thuê cũng đi theo xu hướng giảm. Giá chào thuê giảm 50% trong năm 2020 và đà giảm tiếp tục trong năm 2021 này.

Nhiều mặt bằng trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp treo bảng tìm khách thuê

Dự báo về thị trường cho thuê trong thời gian tới, ông David Jackson cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục khống chế thành công đại dịch Covid-19 trong nước thì giá chào thuê và tỷ lệ lấp đầy sẽ dần tăng trở lại. Khách hàng đến từ các lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử hoặc bảo hiểm sẽ bắt đầu tìm kiếm mặt bằng một cách tích cực hơn. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục xấu đi trên quy mô toàn cầu, một số tỉnh thành tại Việt Nam có thể sẽ phải có những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn, du khách tiếp tục không thể nhập cảnh, thì sẽ khiến tình hình kinh doanh gặp thêm nhiều thách thức. Không loại trừ khả năng chủ thuê sẽ phải tiếp tục giảm giá sâu hơn nhằm tìm được khách thuê lại mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà phố cho thuê "lao đao" đợt dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO