Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tử tế với thiên nhiên vì món nợ thuở mục đồng

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng| 20/06/2022 13:36

(TN&MT) - Tôi quyết định cho cuốn sách thứ 31 của mình, chuyên về các vấn đề môi trường Việt Nam và một số xó góc của địa cầu mà tôi từng may mắn đặt chân đến rồi ít nhiều gắn bó. Việc này diễn ra khá muộn so với các dự án lãng du, điều tra, in ấn sách báo khác tôi từng làm.

Chuyện diễn ra vào năm tôi 46 tuổi. Quả thật, khi tôi và các cộng sự đứng ra đồng sáng lập Diễn đàn các Nhà báo Bảo vệ Môi trường Việt Nam từ hàng chục năm trước, với các chuyến điều tra kinh điển dọc ngang Việt Nam và sau này là nhiều quốc gia trên thế giới thì tôi chưa từng nghĩ tới điều này. Đơn giản, vấn đề môi trường lúc bấy giờ chưa thật sự cấp thiết hoặc chưa được sự quan tâm mạnh mẽ như hiện nay. Với tôi và với phần còn lại của thế giới, điều này là sự thật.

Trong hơn 20 năm đó, tôi đã viết và xuất bản tới 30 cuốn sách đủ thể dạng. Không hiểu cơ duyên thế nào, dường như có một sự thôi thúc nội sinh, tự các câu chuyện và chân lý của cuộc sống đã vô tình hay hữu ý dồn đẩy tôi đến với các vấn đề nóng bỏng của môi trường sống ở Việt Nam và thế giới. Cuốn sách thứ 31, mang tên “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” ra đời như một điều phải thế.

z3485904963035_6327e915fab49824468c9b7b1f88b4c9.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Ngẫm. Ít nhiều, ở tuổi 46 - 47 (tính đến năm Nhâm Dần, 2022), “nhi bất hoặc” hay “tri thiên mệnh” - tôi hiểu được rằng, các giá trị mà mình đeo đẳng, bỏ tâm sức mong nó thay đổi theo chiều hướng tích cực của một ngòi bút điều tra quả là không nhiều như mình vẫn ảo tưởng. Và, nói như người “bạn vong niên” của tôi (cụ cho phép gọi thế) là Nhà sử học Lê Văn Lan trong những lần hàn huyên đầy ám ảnh: anh sinh ra và diệt vong, “xẹt một cái” qua bầu trời này, nếu không làm được gì thì cũng đừng để lại tổn thất, vấy bẩn, phá phách đáng xấu hổ nào cả. “Chỉ còn đây những sáng bao la”, ngay cả khi “Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa/ Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ”. Thời gian như dòng sông cuồn cuộn chảy về Đông. Lớp lớp sóng xô vùi lấp... Rồi ông khóc.

Trong cảm giác vô thường đó, tôi chợt cụ thể nghĩ đến chuyện ai đó “xẹt” qua bầu trời bằng ba vạn sáu nghìn ngày trước quả đất vừa già vừa trẻ tơ 4,7 tỷ năm tuổi. Hãy gìn giữ và đảm bảo là sự sinh diệt của anh đừng xúc xiểm hay làm sứt mẻ gì cho “chỉ còn đây những sáng bao la” của vũ trụ.

LTS: Từng là người đồng sáng lập ra Diễn đàn Nhà báo Môi trường từ hơn 15 năm trước, lại là người điều hành nòng cốt Sáng kiến Mạng lưới Nhà báo Điều tra Bảo vệ Động vật hoang dã (năm 2021), hiện nay, Đỗ Doãn Hoàng được biết đến như một nhà báo điều tra có mối lương duyên đặc biệt với các câu chuyện nóng và tâm huyết về môi trường ở Việt Nam.

Gần đây, Hoàng mở rộng ra các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng là bởi tính chất liên quốc gia của chủ đề này. Sau các chuyến khám phá châu Phi, rồi đi dọc nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là vùng Tam Giác Vàng nóng bỏng để điều tra, với các giải thưởng của mình, Đỗ Doãn Hoàng đã dần tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường với quy mô và sự đanh thép vượt ra khỏi địa bàn Việt Nam. Nhiều người nổi tiếng như Hoàng tử Anh William - Công tước xứ Cambridge; Tỷ phú lừng danh Richard Branson, khi đến Việt Nam, đã mời gặp riêng Hoàng để phỏng vấn độc quyền, hoặc cùng nói về vấn đề môi trường.

Chỉ tính riêng trong mấy năm vừa qua, giữa sự tung hoành chấn động đảo điên của đại dịch Covid-19, Đỗ Doãn Hoàng và cộng sự vẫn ghi dấu ấn với nhiều tuyến bài có hiệu ứng xã hội lớn và đạt nhiều giải thưởng uy tín:

*Giải A - Giải Báo chí Toàn quốc về Chống tham nhũng tiêu cực năm 2021, với tuyến bài dài kỳ “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam”, đã khiến các “nhân vật” trong bài bị xử tù tổng cộng đến 64,5 năm. Đấy là chưa kể, các phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra với những “nhân vật trữ tình” khác;

*Giải Nhất Báo chí - Giải thưởng VIEWS AWARDS - “Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã” năm 2020 (Vietnam Information on Environment - Wildlife - Sustainability);

*Giải B, Giải Báo chí Quốc gia năm 2020, với tuyến bài điều tra “Lời man trá trong những rừng nghiến khổng lồ”;

*Giải thưởng "Cống hiến" dành cho Nhà báo xuất sắc trong điều tra bảo vệ Động vật hoang dã, do trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAIS) và Tổ chức Freeland trao tặng;

*Giải Nhất - Giải Báo chí Điều tra Bảo vệ Động vật hoang dã (VIEWS AWARDS) do Change tổ chức vào năm 2021.

Bài viết dưới đây là món quà Hoàng dành tặng số báo đặc biệt Báo TN&MT. Cũng là lời tâm sự tâm huyết về cơ duyên dấn thân để thực hiện những công việc tử tế với thiên nhiên của anh.

Ngẫm lại, giữa hàng nghìn trang viết mình dốc công thực hiện và để lại, biết đâu, chuyện ít viển vông và hoang tưởng nhất lại là các cuộc chiến bảo vệ và truyền cảm hứng cho bảo vệ môi trường? Tôi đã thoáng nghĩ như vậy rồi lại thu vén thận trọng: biết đâu như thế cũng đã là quá ảo tưởng rồi.

Song, gì thì gì, cảm giác đó là có thật.

Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ năm tôi lên 10 và trước nữa một chút, tức là gần 40 năm trước (tính đến năm 2022). Tôi đã phá rừng, giết chết không ít những sinh linh hoang dã vô tội, đã “đầu độc” đồng bào mình theo đúng nghĩa đen. Nói thì có lỗi với bà ngoại, với mẹ và với xóm Đô, xóm Trám, xóm Búi Thông, xã Ba Trại thanh bình thuở ấy, song sự ân hận cứ như sóng biển ru bờ ùa ập trở lại mãi, chắc là phải nói ra thôi.

Quê tôi đồng rừng và có nghề trồng chè đã nhiều thế hệ. Tôi đã chặt rừng, đẵn gỗ, rồi cùng nhiều người đi giết các rừng thông cổ thụ, thẳng đuỗn, cao vời. Các cụ đứng sừng sững như cột chống trời. Đoàn đại thụ đổ kềnh. Lập đại công trường để các tráng đinh kéo cưa lừa xẻ. Cưa lớn, dài hơn 2m, mỗi răng cưa nhìn đã tởn. Chúng sáng choang, nhọn sắc và to bằng ngón tay cái! Móc gỗ vào vạy, cho trâu kéo về ngâm dưới ao đầm để giấu kiểm lâm. Chiều nào tôi cũng cầm sào lớn, vào rừng, đẽo lớp vỏ dày đến hai đốt ngón tay ở phần gốc của các cây thông vừa bị giết trước đó ít ngày. Trong cái chết đứng sầu tủi ấy, nhựa thông dễ cháy lắm. Miếng gỗ thông cầm lên thơm lựng, vàng óng và trong veo, dấp dính như phấn sáp.

z3485904879482_292e968832a3d7635a3814e5fa18c21e.jpg

Chúng tôi đã đốt các gốc thông, để từng cục nhựa vàng đùn ra tròn như các bầu ngực hay núm vú. Cây thông chết, cây sào dài làm bằng sặt (vầu) chỉ việc luồn vào lớp đang bong tróc giữa thân cây và lớp vỏ dày mà chọc. Tôi xé toạc tấm giáp trụ tưởng như cường tráng lắm của cụ thông. Oạc! Từng tảng vỏ rơi xuống, có khi cả bộ khiên giáp của tráng sỹ thông già cùng ngã sụp. Như chiến tướng oai phong bị trúng đạn và tan nát.

Bấy giờ ngây thơ, tôi và bà cứ oán hận nguyền rủa mấy chú trong xóm Đô, rằng “nó” hay uống rượu với kiểm lâm, chắc là nó chỉ điểm để họ đến khu ao Bà Bằng để tịch thu gỗ thông do bà cháu nhà tôi thuê trâu kéo từ rừng về cất giấu. Chứ làm sao cánh lâm sinh lâm nghiệp thính mũi thế được. Sau này, mới biết là nhà tôi đã nghi oan cho các anh các chú “hay tửu hay tăm” đó (Chỉ những người hay cà kê trà, rượu). Đơn giản là: kiểm lâm đi theo vệt trâu mộng kéo các thân gỗ lớn để vết hằn trên cỏ, trên đất mà dò ra điểm cất giấu gỗ từ các tán rừng vừa ngã đổ.

Bây giờ, mỗi lần đi qua, thấy các thắng cảnh “rừng thông hai mộ”, thấy các cánh rừng cổ tích ven sông Đà (nay là xung quanh khu vực Di tích, tưởng niệm K9, khu “Đá Chông”, “Đền Hạ” thuộc huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), tôi đều không khỏi xót xa.

Và, ám ảnh trên cứ cồn lên cao hơn, đay đả hơn sau mỗi lần kiểu như tôi được mời giảng dạy về môi trường. Viết giáo trình báo chí bảo vệ màu xanh của quả đất, được mời đi châu Phi và nhiều quốc gia khác với các chuyến thực địa điều tra về nạn săn bắt tàn sát động vật hoang dã. Được Sứ quán các nước mời gặp và đối thoại độc quyền với các “VIP” như Hoàng tử Anh, Tỷ phú Richard Branson… Đặc biệt là các chuyến nhận giải thưởng danh giá, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế như Discovery, National Geographic…; và đưa các đoàn nhà báo năm châu bốn biển đi tác nghiệp… Đấy là chưa kể các dịp được nhận nhiều giải thưởng, tất tật viết về môi trường, bảo vệ rừng, chống nạn săn bắn giết chóc thú hoang quý hiếm: Giải B, Giải Báo chí Quốc gia năm 2020; Giải A, Giải Báo chí Toàn quốc chống nạn tham nhũng tiêu cực năm 2021; Giải Nhất, Giải báo chí Toàn cảnh Cuộc khủng hoảng hoang dã ở Việt Nam năm 2020; Giải Nhất, Giải Báo chí chống lại nạn tàn sát động vật rừng, 2021; Giải thưởng Cống hiến dành cho Nhà báo Điều tra xuất sắc do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam - ENV và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Quỹ Freeland trao tặng; Vinh danh tri ân và phần thưởng danh giá do Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam trao tặng năm 2021; Lễ vinh danh nhà báo Đỗ Doãn Hoàng do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tổ chức năm 2021…).

z3485904692434_5565e3c213d35d3f5a4f5342a79681bb.jpg

Tất cả những dịp trên, khi họ hỏi về lý do dành “thời lượng” làm báo quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, tôi đều nghĩ đến một ám ảnh tuổi thơ thế này. Dù chưa khi nào “thốt” ra bằng lời hay bằng văn bản.

Ấy là các ám ảnh trên và đặc biệt là chuyện về các phát đạn súng cao su. Nhà 4 anh em, 3 trai, tôi là thứ 2. Con thứ bao giờ cũng láu hơn con cả. Tôi bắn chim thiện xạ, bẫy chim cũng khét tiếng, nuôi chim non “lành nghề” đến mức, mỗi khi tôi huýt sáo thì cả mấy con sáo sậu, chào mào đồng loạt bậu vào vai mình như trong tiểu thuyết. Nếu có cảm giác nào đau đớn nhất của tuổi thơ tôi thì đó là những buổi sáng ngủ dậy phát hiện ra mèo ăn mất con chim chào mào quý. Mình theo dõi chim mẹ cắp rác làm tổ, theo dõi độ bé đi của các miếng mồi chim mẹ cắp về mỗi sáng (chim non càng lớn thêm thì phần mồi mà chim bố mẹ cắp về mỗi lần càng bé) để ní nót chờ ngày leo lên bắt trộm chim non. Trời đất như vỡ òa, khi tôi làm “cảm tử quân” leo lên đến ngọn cây sau sau lá thơm hăng hắc và vàng đỏ như những miếng tranh gốm, tôi - tên kẻ trộm mục đồng - ngóc đầu nhòm vào đám rác bù xù của tổ chim sáo. Dưới kia, sông Đà thao thiết chảy. Bên này, những đám đốt nương của người Mán (Dao) vẫn thơ thẩn nhả khói lẫn vào trong mây. Cha mẹ ơi, vỏ trứng chim sáo nó có một màu xanh nao lòng, xanh màu nhiệm. Chả trách mẹ vẫn âu yếm gọi áo bố mặc là áo màu xanh trứng sáo!

Xin lỗi thiên nhiên, tôi đã ăn trộm cả đàn con của chim sáo bố mẹ.

Về. Bà ngoại thở dài: “Sao mày ác thế, hả Hoàng ơi!”. Mình đi bắt châu chấu đêm ngày, kỳ công bóp vỡ đầu tất tật lũ châu chấu cào cào, bài bản thả vào mỗi thi thể con mồi một hạt muối bé xíu với mong muốn vị mặn mòi đó (giờ tôi hiểu, thế giới gọi điều này bằng thuật ngữ nghiện muối, nó có ở cả con người và con vật!) sẽ là thứ mà lớn lên chim ta không thể nào dám phụ bạc rời bỏ “bố Hoàng” để bay mất lên giời. Thế mà, bao công nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, giờ đây mèo ăn mất chim. Tay trắng vì mấy con mèo động dục. Và bao nhiêu súng cao su quay ra rình bắn mèo để trả thù.

z3485904970919_169e4ea4d3b3c1ce9d0d40d2db7263cd.jpg

Chưa hết, hồi đó, tôi bắn chim thì: buồn thay, đúng là cần xếp vào hàng sát thủ! Việc vào rừng chọn cắng (chạc cây hai nhánh, được đẽo gọt cầu kỳ để buộc dây chun vào bắn) cao su đã chiếm khá nhiều năng lượng của tuổi thơ tôi. Cắng gỗ xịn, tỏa mùi thơm, khắc tên “Hoàng”, mỗi lần bắn rụng bầu trời (với các xác chim) là lấy máu chim bôi vào cắng. Tôi không nhớ là ai dạy mình điều đó, sau này đi nhiều quốc gia trên thế giới, tôi thấy họ cũng làm tương tự thế. Có khi treo bộ hàm, cái sừng, cái xương sọ con thú, cái lông con chim lên để “đánh dấu chiến công”, có bộ tộc còn treo cả… đầu lâu đối thủ (kể cả người) lên để tưởng nhớ chiến thắng một cách… mông muội nhất. Trớ trêu thay, tôi, bấy giờ, đã ít nhiều “cập với thế giới” nhờ việc bôi máu chim lên súng cao su.

Đến mức, vừa rồi, có đứa cháu gần 40 tuổi thổn thức xúc động, thừa nhận: thức ăn tuổi thơ của nó, thứ để chống còi xương của nó, là chim do tôi và thằng Cường (bạn tôi) bắn. Đến một lần, mở toang ngực con chim vừa nướng chín ra, tôi thấy gan, tim, ruột, phổi, toàn bộ nội tạng của nó được sắp xếp vô cùng ngăn nắp, chuẩn chỉ (chắc thế thì nó mới thành sinh thể bay lượn khôn ngoan khỏe khoắn được chứ!). Bất giác, tôi như thấy được sự cơ huyền của tạo hóa, sự bí ẩn của thiên nhiên. Các sinh thể tí xíu đó (con chim bé bằng cái hạt mít) mà các bộ phận được “ai đó” tạo ra và vận hành quá hoàn hảo. Lòng không khỏi “khâm phục trời đất”, tự dưng tôi nhận ra: con chim chắc cũng có xúc cảm và một “linh hồn” biết nghĩ đủ thứ như ta. Nó chắc chắn sẽ có một gia đình và không muốn biệt ly hay vướng vào tròng ách sinh lão bệnh tử như ta.

Giác ngộ thế! Tự dưng, món chim nướng không còn ngon nữa. Và sự ân hận bắt đầu len lén nổi lên. Cũng giống như, chắc là suốt cuộc đời mình, tôi ân hận vì mình và những người thân đã đổ không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu loại kịch độc Vô-va-tốc, Đê-đê-tê (DDT) vào các vườn chè. Tôi phun thuốc trừ sâu, tôi chơi những hòn bi ve tuyệt sắc từ trong cái máy bơm thuốc đó (ngày xưa bi ve cực hiếm). Chú Tiến của tôi đi bơm thuốc trừ sâu thuê cho các nương chè dài rộng như phận người buồn ấy mà bị cảm rồi chết gục ngoài bờ giếng nhà tôi. Sau này tôi đọc sách báo, mới biết là các thuốc trừ sâu kia cả nghìn năm chưa phân hủy trong môi trường và càng ngày càng căm phẫn sự thiếu hiểu biết đó.

z3485904713532_20a0c28b7642d106949aa13172d0d505.jpg

Từ một “quá khứ” như vậy, không biết tự lúc nào tôi “trượt” dần theo các câu chuyện và các nỗ lực quyết liệt làm một cái gì đó vì môi trường. Dần dà, như có một thế lực nào đó tự thân đã dẫn dắt, tôi đi sâu dần vào lĩnh vực này. Chỉ những bài viết, chủ đề hiện diện trong cuốn sách này đã đủ nói lên điều đó.

Tôi đã viết hàng trăm phóng sự, điều tra, bài phản ánh, phỏng vấn sâu về các vấn đề: chống lại nạn phá rừng, khai thác quặng sai lầm và lãng phí, đầu độc nguồn nước và bầu không khí, tai nạn lao động do tàn sát thiên nhiên vô lối. Nhiều tuyến bài như: phá rừng Phia Oắc, giết chết sông Hiến ở Cao Bằng đã khiến (thậm chí!) trong 1 tuần, cả hai tuyến bài đều nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh vào cuộc khẩn cấp.

Tôi cũng phối hợp với một số tổ chức quốc tế có uy tín, viết giáo trình, giảng dạy ở một số trường Đại học và nhiều tỉnh thành về chủ đề bảo vệ môi trường, chống nạn săn bắt, giết hại, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã.

Tôi cũng là đồng sáng lập Tổ chức Nhà báo Môi trường Việt Nam, đồng sáng kiến, triển khai Sáng kiến Mạng lưới Nhà báo Điều tra Bảo vệ Động vật Hoang dã; tiến hành nhiều cuộc điều tra dọc Việt Nam và một số quốc gia, ghi nhận và tố cáo các đường dây tàn phá môi trường. Tiếp tục cùng các Tổ chức Bảo tồn lớn nhất thế giới và Việt Nam, đào tạo và tổ chức các Câu lạc bộ, Diễn đàn nhà báo điều tra, kiến nghị bảo vệ môi trường với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ và các đồng nghiệp trong cả nước.

Tôi đã nhiều lần đi châu Phi, cùng các nhà báo quốc tế và Quỹ Bảo tồn Tê giác Nam Phi, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) điều tra về nạn săn bắt giết hại tê giác, voi, sư tử. Nhà báo duy nhất được Sứ quán Anh mời gặp, trao đổi, phỏng vấn độc quyền Hoàng tử Anh Wiliam khi ông sang Việt Nam vận động bảo vệ thiên nhiên hoang dã; sau đó là cuộc phỏng vấn độc quyền với Tỷ phú nổi tiếng người Anh Rechard Branson khi ông sang vận động các doanh nghiệp coi bảo vệ môi trường là “kế hoạch B” sống còn và đạo đức của họ.

Tôi đã dày công phối hợp với các tổ chức bảo tồn danh tiếng ở Việt Nam và thế giới như: WWF, WCS, ENV, Traffic, Save Viet Nams Wildlife, Quỹ Bảo tồn Tê giác Nam Phi… có nhiều dự án điều tra lớn và hiệu quả với các tuyến bài có tác động xã hội. Đặc biệt, từ báo cáo của nhóm, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nhiều đường dây buôn bán động vật hoang dã, nhiều đối tượng ra tòa, đi ở tù, kèm các án phạt nhiều tỷ đồng.

Bên cạnh các sự thật khốc liệt, tôi cũng muốn kể về các câu chuyện cảm kích, ngọt ngào và có sức truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của thiên nhiên và sự tử tế của những người nâng niu các giá trị ban sơ huyền diệu của vỏ trái đất. Các cuộc gặp gỡ với tỷ phú thế giới, Hoàng tử Anh hay Hiệp sĩ sinh thái Tilo Nadler, người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực, Hoàng Thị Minh Hồng hay các thợ săn khét tiếng đã hoàn lương đi giải cứu thú rừng ở Pù Mát, rồi tấm gương “Những người an ủi mẹ rừng” trên khắp cả nước… - Chắc chắn sẽ khiến bạn bớt đi cái nhìn sầu thảm về cách ứng xử với thiên nhiên của chúng ta lâu nay.

Thiên nhiên vốn màu nhiệm và có sức sống vi diệu từ hàng tỷ năm trước, chỉ cần sự thật thà và tận tâm của bạn, “còn da lông mọc còn chồi nảy cây”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tử tế với thiên nhiên vì món nợ thuở mục đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO