Nguyễn Tuân - Nhà văn đầu tiên Việt Nam leo núi Phan Si Păng

30/10/2017 00:00

(TN&MT) - Nhà văn Ma Văn Kháng, nguyên Phó tổng biên tập Báo Lao Cai đổi mới, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao Động cho biết, nhà văn Việt Nam đầu tiên leo núi Hoàng Liên (Sa Pa ) chinh phục đỉnh Phan Si Păng cách đây hơn nửa thế kỷ  chính là nhà văn tài danh Nguyễn Tuân - tác giả tập bút ký "Sông Đà" và nhiều bài bút ký nổi tiếng khác viết về Thủ đô Hà Nội.

Trong bài viết "Nhà văn Nguyễn Tuân với Lào Cai và Sa Pa" đăng trong cuốn Đặc san "Sa Pa - 100 mùa xuân", nhà văn Ma Văn Kháng viết: " .... Rằng ông đến với Lào Cai không đơn giản như đó là một địa điểm đầu mút biên giới, hoặc đó là chốn nghỉ độ đường trên con đường sang miền Viễn Tây, nơi ông nặng tình yêu mến và đã viết rất nhiều về nó. Ông viết về Lào Cai không nhiều.

Trong một bài bút ký, ông gọi Sa Pa là cái lẵng hoa của đất nước. Và tôi cứ ngờ ngợ rằng ông đến Lào Cai bởi sức quyến rũ của dải sơn mạch Hoàng Liên và ngọn đỉnh Phan Si Păng cao 3.143 mét kiêu hùng. Nguyễn Tuân đã leo núi Phan Si Păng cùng một đoàn thám hiểm người nước ngoài. Nghe nói, ông đã lên tới độ cao 2.600 mét. Cái dáng phủ đồ sộ của nó. Cái chóp núi chọc trời ẩn trong mây của nó,cái thần thái cao ngạo của nó đã hút hồn ông,tạo nên một mê đắm trong tâm linh ông. Ông luôn là người muốn đi tới cái đẹp tuyệt cùng...."

Đỉnh núi Phan Si Păng. Ảnh chụp năm 2013 nhìn từ khu vực Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa
Đỉnh núi Phan Si Păng. Ảnh chụp năm 2013 nhìn từ khu vực Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa

Trong bài bút ký "Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy" đăng trong Tuyển tập Nguyễn Tuân , nhà văn viết về chuyến leo núi chinh phục đỉnh Phan Si Păng đáng nhớ cách đây hơn nửa thế kỷ :

 ...."Giữa hai chuyến đi núi, tôi viết thư cho anh ( nhà văn Anh Đức -tác giả nổi tiếng bút ký "Bức thư Cà Mau"). Vừa đi một chuyến Hoàng Liên Sơn về, và bây giờ lại sửa soạn ba lô, túi dết (mấy vật tùy thân này, tôi vẫn giữ nó từ đầu ngày toàn quốc kháng chiến cho tới bây giờ)để đi Hà Giang, Phố Bảng, Đồng Văn. ...

Chuyến vừa rồi lên đỉnh Hoàng Liên Sơn có ngọn Phan Si Păng (Hoa Thạch Bàn) 3143 thước cao nhất nước ta, trưởng đoàn điều tra tài nguyên là một đồng chí quê ở bờ Nam sông tuyến....

Đoàn điều tra tài nguyên đất nước ngủ lại hai đêm trên đỉnh Hoàng Liên. Thị trấn nghỉ mát Sa Pa 1.500 thước ở dưới chân mình, trời mùa hè vẫn quang quẻ và tươi nắng nhưng trên đỉnh Hoàng Liên Sơn  thì mây vần gió giật và dông bão và mưa to. Lều vải tốt lót ni lon nhưng luôn luôn phải chạy dột và lo gió bay mất lều. Cả một ngày mưa to gió lớn, ngồi hứng giọt lều lấy nước thổi nấu.Và mở đài theo dõi tình hình chiến sự trong ta. Giữa  một thế giới buốt lạnh, mây trắng mịt mùng , giữa một cái điểm núi cao nhất toàn quốc, nghe cái tiếng nói phát thanh về tình hình trong Nam, nó có một cảm xúc lạ lắm.

Trên một ngọn núi cao nhất tôi lắng nghe cái tiếng sóng xa nhất chỗ quê anh đang động biển. Trong mây Hoàng Liên Sơn dày dày trăng trắng cái chất màn ảnh, thấy như ẩn ẩn hiện hiện liên hồi lên những bóng người áo quần bà ba đen, thiệt tình những  cái bóng đó đánh lui cái lạnh của khí đá đỉnh cao.

Chúng tôi nằm ép vào nhau, mà nghe mưa như tháo cống trên mái lều. Chật chội ướt át như một cảnh đò dọc neo lại giữa sông mưa.Trong mây cao bủa quanh lều, còn nghe như có nhiều tiếng đồng vọng bơi chèo mái chèo các mẹ, các chị mải miết trên các dòng kênh tiến về nẻo biểu tình giữa thị xã Cà Mau. Ở trên Hoàng Liên Sơn thường là không có người....

Ngoài anh em trong đoàn, anh em dân công mang vác lương thực, lều vải và dụng cụ làm việc và mấy anh bộ đội đi bảo vệ  đoàn, thì không có một bóng ai khác trên dọc Hoàng Liên Sơn đó. Ở đây chỉ có hoa, có cây và mây. Hoa Đỗ Quyên nở bạt  ngàn. Giữa một cái thế giới u tịch như vậy, nổi lên cái tiếng nói của Đài phát thanh đang truyền lại những tin tức nóng  hổi nhất về Liên khu Năm và và miền Đông , miền Tây Nam Bộ đánh Mỹ khắp nơi. Ngoài cái lều bạt vải ướt mưa đó, cả khu vực núi rừng quanh đấy là không có ai hết. Chụm đầu nhau dưới lều, quanh một cái đài anh ánh ngọn cần ăng ten mạ kền, chúng tôi giống giống một cái tổ công tác đặc biệt nào bố trí tại chỗ vọng tiêu đỉnh Hoàng Liên Sơn như là đang thử máy vô tuyến  điện để bắt liên lạc với một đơn vị bí mật nào tận trong cực Nam xa xôi và cần nối cho được nguồn tin nội trong đêm ấy.Đống lửa sặt hắt lên nóc lều những cái bóng lùng nhùng đen đen lom khom, càng tăng vẻ bí ảo của cả bọn trong giữa một cái đêm cao nhất trên quê hương.

Này,  anh có tin rằng trong một tương lai gần đây, khi mà đất nước  đã toàn thắng giặc Mỹ, anh ra miền Bắc, và lại có dịp trèo lên đỉnh núi Hoàng Liên Sơn,anh dựng lều đúng  ngay chỗ rừng sặt tôi nằm nghe đài phát thanh chiến sự miền Nam, anh có tin rằng cái điều ấy sẽ xảy ra  trong một ngày mai nào gần đây của đời anh không?

Và trong cái đêm mà Bắc Nam thống nhất, đã bình thường quan hệ đó, trong cái đêm anh ra thăm Hồ Gươm"cùng một chuyến với các bà má Cà Mau vai đeo bị bàng đựng trái đước" để trồng ở ngay Hồ Gươm, rồi đi Hoàng Liên Sơn, và đêm  Hoàng Liên Sơn đó, tôi lại ngồi trong lều mà ôn lại với anh một số hình ảnh tôi vừa ghi lại sau một chuyến đi thực tế sót dẻo về Cà Mau đã chuyển sang giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh và phục hồi kinh tế, anh có tin rằng cuộc sống mai đây giữa anh và tôi  lại có những ngày những đêm như vậy không? Riêng tôi,giữa cái đêm nghe đài trên đỉnh Hoàng Liên Sơn,tôi tin sẽ có cái ngày hội đàm ấy giữa anh đã ra thăm núi Bắc và tôi đã vô thăm kênh rạch sông ngòi Cà Mau...".

Đoàn leo núi và nghiên cứu tổng hợp vùng núi Phan Si Păng ngày 12/12/1964. Ảnh tư liệu Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa)
Đoàn leo núi và nghiên cứu tổng hợp vùng núi Phan Si Păng ngày 12/12/1964. Ảnh tư liệu Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa)

Nhà văn Ma Văn Kháng kể: "Cách đây hơn 30 năm tưởng ông đã quên nhãng Lào Cái, nào ngờ gặp nhà văn Nguyễn Tuân ông đã nói ngay: "Này ông, có gặp các bạn Lào Cai thì bảo : Mình sẽ lên Lào Cai . Lần này, các bạn giúp mình đi Si Ma Cai,qua cầu Là Hờ vượt sông Chảy, leo dốc lên Pha Long nhé".

Ôi, con đường vượt sông Chảy, leo dốc lên Pha Long cheo leo hiểm trở, mới chỉ là con đường mòn, bên núi, bên vực. Con đường vẫn như một khắc khoải trong ông, ông quyết chinh phục nó. ông chuẩn bị cho cuộc đi. Ông dành hẳn một lạng cao hổ để bồi bổ sức khỏe sửa soạn cho cuộc chiếm lĩnh đỉnh cao. Nhưng chuyến đi đã bị tuổi tác và bệnh tật cản ngăn. Chuyến đi không thành hiện thực có hề gì  đâu. Vì cuộc sống trong ông, trong văn ông vẫn là một khát khao vươn lên, đạt tới cái tột đỉnh, cái nhất tuyệt, cái siêu ngôn ngữ, có điều lý thú là hệt như phong cách Đông phương, cái áo gấm sặc sỡ quý phái bao giờ cũng được phủ ngoài một lớp áo sa mỏng tang cho khỏi  lộ liễu, cái gay gắt, cái cao ngạo ở cốt cách ông, do vậy mà không có cái  tầm thường phàn tục,vẫn tao nhã và duyên dáng vô cùng.

Nguyễn Tuân (10/7/1910 - 28/7/1987), quê ở Hà Nội, là một trong những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, sở trường của ông viết về tùy bút và ký và nhà văn đã có vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ( đợt đầu  - 1996 ) về văn học nghệ thuật. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ, giàu có, điêu luyện. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác giả tiêu biểu văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng Tiếng Việt.

Hiện nay, ở thủ đô Hà Nội có một con đường mang tên ông, nối từ đường Nguyễn Trãi cắt ngang qua các phố Nguyễn Huy Tưởng, Ngụy Như Kon Tum đến đường Lê Văn Lương, nối với phố Hoàng Minh Giám.

Trong những năm chống Mỹ năm xưa địa bàn tỉnh Lào Cai là nơi các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của đất nước tới đi thực tế sáng tác và được lãnh đạo tỉnh Lào Cai gặp mặt thân tình , đó là các nhà văn , nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Trinh Đường,  Nguyễn Thành Phong, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh... trong đó có những tác phẩm được bạn đọc tìm đọc như bài thơ "Sa Pa" của nhà thơ Xuân Diệu, truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Phong, bài thơ "Hoa dại núi Hoàng Liên" của nữ thi sỹ Xuân Quỳnh,..

                                                                       Tin và ảnh :Phạm Ngọc Triển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Tuân - Nhà văn đầu tiên Việt Nam leo núi Phan Si Păng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO