Nguyên Bình (Cao Bằng): Cần nhanh chóng di dời dân ra khỏi vùng sạt lở

05/09/2016 00:00

Tại huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) hiện có nhiều vị trí sạt lở, sụt lún nền đường và móng nhà. Mặc dù các ngành chức năng và chính quyền huyện đã nhiều lần...

 
Tại huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) hiện có nhiều vị trí sạt lở, sụt lún nền đường và móng nhà. Mặc dù các ngành chức năng và chính quyền huyện đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo nguy hiểm tới người dân, nhưng hơn 1 năm qua, do nhiều nguyên nhân, vẫn còn một số hộ dân bám trụ trên những ngôi nhà có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc”.
 
“Cố thủ” trên những ngôi nhà sụt móng,  nứt nền
 
Trong những ngày Cao Bằng chịu mưa to do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên tuyến quốc lộ 34 đoạn qua huyện Nguyên Bình, tại khu vực ngã ba Sơn Đông (đoạn thuộc xã Quang Thành), hơn 100 m đường bị sụt lún nghiêm trọng, ta luy âm bị sạt lở, mặt đường bị nứt, xuất hiện nhiều rãnh lớn, nhỏ. Các phương tiện di chuyển qua khu vực này, đặc biệt là ô tô phải đi rất chậm bởi đoạn đường vốn đã có khúc cua hẹp, nay bị sạt lở lại càng trở ngại. 
 
Tại đoạn đường thuộc tổ 6, 7, thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình) - nơi cách đây hơn 1 năm xuất hiện điểm sụt lún khiến 8 ngôi nhà tụt dần xuống phía dưới đường, sụt móng, nứt tường đã nằm trong diện di dời,  đến nay,  vẫn còn một số hộ “cố thủ” trên những ngôi nhà không biết sẽ đổ sập lúc nào, mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên đến nhắc nhở, cảnh báo nguy hiểm. 
 
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ 34, đoạn ngã ba Sơn Đông, xã Quang Thành (Nguyên Bình)
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ 34, đoạn ngã ba Sơn Đông, xã Quang Thành (Nguyên Bình)
 
Ông Hoàng Văn Dương, tổ 6, thị trấn Tĩnh Túc, vẫn sinh hoạt trong ngôi nhà bị tụt so với nền đường hơn 20 cm, cho  biết: “Năm ngoái, khi nhà bị sụt lún, gia đình được cán bộ đến đo đạc và quyết định hỗ trợ đền bù hơn 300 triệu đồng để di dời đi nơi khác. Thế nhưng, đến nay gia đình chỉ nhận được 86% số tiền đền bù, nhà mới hiện đang san nền. Nếu nhận đủ đền bù gia đình sẽ di chuyển ngay sang nơi ở mới”.
 
Anh Hoàng Ngọc Đông, trú tại tổ 6, thị trấn Tĩnh Túc chia sẻ: “Các hộ trong diện di dời chưa nhận đủ tiền đền bù. Mặt khác, hầu hết các hộ từ trước đến nay có thu nhập bằng kinh doanh nhỏ, bán hàng tạp hóa. Những ngày mưa, mất an toàn thì mọi người di chuyển đi nơi khác ở nhưng khi hết mưa lại về sống và kinh doanh”. 
 
Trao đổi với những hộ dân tại đây, được biết nhiều hộ đã di chuyển phần lớn đồ đạc, tài sản trong gia đình đi nơi khác, nhưng vì mưu sinh và một phần chưa nhận đủ đền bù nên hằng ngày người dân vẫn ở lại nơi đây, bất chấp nguy hiểm rình rập. 
 
Giải thích việc người dân “cố thủ” trên vùng sạt lở, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình - Đinh Văn Phồn cho rằng: Với điều kiện của huyện hiện nay, việc giải quyết vấn đề chỗ ở mới cho dân là điều hết sức khó khăn, tái định cư lại càng không có. Căn cứ dự toán của huyện, trong năm 2016 tỉnh đã cấp 3,1 tỷ đồng để huyện đền bù di dời dân ra khỏi vùng sạt lở. Do huyện lập dự toán kinh phí thiếu nên hiện nay mới chi trả đền bù cho các hộ được 86%, đang trình UBND tỉnh cấp thêm kinh phí hơn 600 triệu đồng. Khi được phê duyệt, huyện sẽ nhanh chóng chi trả đầy đủ tiền đền bù cho các hộ dân và vận động để họ sớm di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. 
 
Cần quyết liệt trong giải phóng mặt bằng
 
Cách đây đúng 1 năm, cũng vào thời điểm mùa mưa, tại huyện Nguyên Bình xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở, gây nguy hiểm cho người dân khu vực đó và cản trở giao thông. Đặc biệt là điểm sụt lún tại tổ dân phố 6, 7, thị trấn Tĩnh Túc có vết nứt rộng  5 - 10 cm kéo dài 90 m trên mặt quốc lộ 34 (từ km 194 + 800 đến km 194 + 890), ăn sâu vào phía ta luy dương của mặt đường. Vết nứt đã khiến 8 ngôi nhà ở đang tụt dần xuống phía dưới và có nguy cơ sập đổ hoàn toàn bất cứ lúc nào. Còn tại khu vực ngã ba Sơn Đông, quốc lộ 34b (km 200 + 400 đến km 200 + 320) xuất hiện vết nứt dọc tim đường chiều dài khoảng 80 m, bề rộng nứt khoảng 6 - 8 cm, có nguy cơ đổ sập xuống phía ta luy âm, gây mất an toàn giao thông. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo UBND huyện Nguyên Bình chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân trên địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở và tiến hành tháo dỡ triệt để nhà cửa, vật kiến trúc nằm trên vùng đất có nguy cơ sạt lở. Nghiên cứu, xem xét bố trí tái định cư, phương án hỗ trợ đền bù, ổn định cuộc sống cho các hộ dân.
 
Ông Hoàng Văn Thạch, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Cao Bằng cho biết:  Với chức năng của ngành được ủy thác quản lý tuyến quốc lộ 34 qua địa bàn tỉnh, Sở đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) và Cục đã đến địa phương kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ, kinh phí khắc phục sạt lở. Sở tiến hành khảo sát thực địa và tham mưu cho tỉnh, trích từ nguồn kinh phí dự phòng cho giải phóng mặt bằng vị trí thị trấn Tĩnh Túc và ngã ba Sơn Đông. Năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bố trí vốn để khắc phục bão lũ. Tuy nhiên, về công tác giải phóng mặt bằng giao cho huyện trực tiếp thực hiện. Đến thời điểm này, chỉ có công trình kè đường tại km 163, quốc lộ 34 thuộc xã Đình Phùng (Bảo Lạc) triển khai đúng tiến độ, thi công kè chắn chân ta luy và đào thêm một thân đường ép tuyến ta luy dương. Dự kiến công trình hoàn thành trong tháng 9/2016. Còn công trình thuộc thị trấn Tĩnh Túc về mặt thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và hồ sơ xây dựng cơ bản đã hoàn tất. Sở GTVT đã có Công văn số 1205 ngày 18/7/2016 về việc bàn giao mặt bằng để thi công công trình xử lý, đảm bảo giao thông bước 2 đoạn km 194 + 800 - km 194 + 890 và khắc phục bão lũ từ km 200 + 440, quốc lộ 34 thuộc huyện Nguyên Bình. Tuy nhiên, do giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, địa phương chưa quyết liệt nên các hộ dân trên tuyến thi công chưa di chuyển, gây trở ngại cho đơn vị thi công.
 
Lũ quét, sạt lở đất là hai loại hình thiên tai đặc trưng, thường xảy ra đối với các địa bàn vùng núi khi mùa mưa bão. Việc không di dời ngay các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, chậm triển khai thi công công trình khắc phục đường do bão lũ không chỉ trực tiếp nguy hiểm tới các hộ dân quanh khu vực mà còn gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực đường bị nứt, sạt lở. Ngay từ thời điểm này, huyện Nguyên Bình cần khẩn trương và quyết liệt trong di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngành GTVT và các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ thực hiện dự án, công trình đã đề ra đối với các công trình khắc phục bão lũ tại huyện Nguyên Bình nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và trật tự an toàn giao thông mùa mưa bão.
 
 
Ông Hoàng Văn Thạch, Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng: Nguyên nhân chính gây sụt lở nền đường đoạn ngã ba Sơn Đông là do Hợp tác xã Sơn Đông khi thi công công trình đã san lấp toàn bộ vị trí ngã ba làm thay đổi hệ thống nước từ phía Phja Đén (xã Quang Thành) chảy ngược ra khu vực ngã ba. Phương án thi công quan trọng đưa ra là nắn dòng nước trở về như ban đầu để giữ bền vững nền đường; đồng thời, nắn đường vào ta luy dương và thu nước xuống khe cống. Phương án khắc phục sụt lở tại vị trí tổ 6, 7 thị trấn Tĩnh Túc: Làm kè ổn định nền đường, tháo dỡ toàn bộ nhà dân ven đường để giảm tải, gia cố mái ta luy âm và thu nước xuống khe cống để không ngấm xuống nền đường; đồng thời tiếp tục quan trắc theo dõi. 
 
 
Theo Báo Cao Bằng
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Bình (Cao Bằng): Cần nhanh chóng di dời dân ra khỏi vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO