Sinh ra trong cái nôi của những điệu múa xòe và văn hóa đậm bản sắc, ngay từ năm 14 tuổi, ông Chiêm đã đánh thành thạo đàn tính, tham gia đệm đàn biểu diễn mỗi khi trong bản tổ chức văn nghệ, múa xòe.
Từ những phong trào hoạt động văn nghệ của địa phương, ông Chiêm thường xuyên được mời tham gia biểu diễn đàn tính và đệm đàn cho nhiều nghệ nhân hát dân gian trong các ngày lễ lớn, hội thi, hội diễn văn nghệ. Ông còn được địa phương cử đi dự các giải liên hoan đàn tính ở tỉnh và toàn quốc, đạt được nhiều thành tích, giải thưởng. Nổi bật tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 diễn ra tại tỉnh Hà Giang, ông Chiêm đã đoạt giải Nhất với tiết mục biểu diễn tổ hợp (kết hợp múa, đàn tính).
Nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm ở xưởng chế tác đàn tính tẩu của mình. Ảnh: Chính Tới |
Nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm tâm sự, ngày trước, thanh niên bản ai cũng phải có cây đàn tính tẩu và biết đánh đàn để sử dụng nó cho việc tìm bạn tâm giao. Cứ mỗi đêm trăng thanh, từng tốp thanh niên đến nhà bạn gái đứng dưới sân để gảy đàn, sau đó mới được bạn gái mời lên sàn hoặc vào nhà để tâm sự. Có đêm đến muộn, phải dùng tiếng đàn tính tẩu để “púc xao” (có nghĩa là đánh thức người bạn gái dậy cùng tâm sự).
“Mình lấy được vợ cũng nhờ cây đàn tính tẩu, cô ấy (vợ ông Chiêm) mê tiếng đàn của mình. Bởi vậy, cây đàn tính tẩu không chỉ được dùng đệm cho hát dân ca, múa xòe và các lễ hội mà còn là bạn “tri kỷ”, người bạn tâm giao của đàn ông người Thái” - ông Chiêm chia sẻ.
Cây đàn tính tẩu là nhạc cụ chủ lực trong các đội văn nghệ thôn bản ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Chính Tới |
Vai trò của cây đàn trong đời sống người Thái quan trọng là vậy, nhưng những năm gần đây đang dần bị mai một, số người đánh được đàn và hát được dân ca Thái ngày một ít đi. Để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này, nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm là một trong số người còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca cổ của dân tộc. Ông đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ học trò, gần đây còn tham gia lớp truyền dạy đánh đàn tính miễn phí cho 70 học viên do huyện tổ chức. Giờ đây nhiều học trò của ông đã đánh đàn tính thành thạo, trở thành hạt nhân văn nghệ đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.
Nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm kiểm tra tỷ mỉ từng bộ phận của cây đàn tính tẩu. Ảnh: Chính Tới |
Nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm cho biết thêm: Đàn tính tẩu có 6 bộ phận, đàn đạt chuẩn hay không là phải nhờ bầu đàn (má tính tẩu) - hộp cộng hưởng âm thanh. Người chế tác phải chọn được quả bầu già, kích thước vừa phải, vỏ mỏng, không bị nám hoặc lồi lõm thì đàn mới có âm vang chuẩn, moi sạch lõi và phơi khô nhiều tháng hoặc mang về để quả bầu trên gác bếp thật khô.
Vì vậy, để có bầu đàn ưng ý, ông Chiêm đã tự mình trồng và chăm sóc cây bầu. Khi quả bầu già, mang về để quả bầu trên gác bếp thật khô, lúc đó mới mang quả bầu ra cắt, để lại khoảng ba phần năm (3/5) quả bầu, cạo sạch bên trong rồi phơi khô trong vài ngày. Bầu đàn (má tính tẩu), đáy bầu khoét 4 lỗ để giữ âm hưởng sao cho đều nhau. Mặt đàn (tép tính) khoét 2 lỗ nhỏ để thoát âm thường được làm bằng gỗ cây vông. Cần đàn (can tính) làm bằng các loại gỗ dẻo, thường là gỗ cây hoa sữa rừng phơi khô mới không bị cong vênh và nhẹ. Dây đàn chỉ dùng hai dây cước. Khóa đàn (mlang tính) phải là loại gỗ cứng hoặc sử dụng sừng của những con trâu già để khóa đàn có màu đen bóng, khi lên dây đàn cho âm hưởng chuẩn nhất.
Hiện giờ, “xưởng” chế tác đàn tính tẩu của ông Chiêm không những cung cấp đàn cho người quen trong bản, trong mường mà còn luôn có khách hàng gần xa đến xem và đặt mua. Mỗi ngày ông có thể đóng được một cây đàn tính, ông đã làm và bán ra thị trường trên 1.000 cây đàn tính tẩu với giá trung bình 500.000 đồng/1 chiếc.
Mỗi lần ông Chiêm đóng xong một cây đàn mới, ông lại đánh đàn để vợ và cháu nội của ông nghe thử. Ảnh: Chính Tới |
Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm là nhân tố tích cực trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, ông đã và đang là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, đưa loại hình âm nhạc này gần gũi và phát triển hơn trong cộng đồng dân tộc Thái, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tại địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.
Cây đàn tính tẩu vừa là đạo cụ, vừa là đàn đệm cho điệu múa xòe, hát dân ca trong các lễ hội Đua thuyền, Gội đầu, Nàng Han ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Chính Tới |