Người ở bên sông…

Việt Hải| 20/01/2023 19:23

(TN&MT) - Người ta quen gọi ông là nhà thơ Mã Giang Lân. Bút danh ấy gần gụi và thân thuộc đến độ ít ai nhớ họ và tên đệm của ông, kể cả các lứa học trò. Một đời gắn bó với quê, từ độ cất tiếng khóc chào đời, thịt da đã được tắm táp nguồn nước từ dòng Mã Giang, ngực nồng hơi thở sông, phù sa đắp bồi nên những bãi bờ tốt tươi, cho hạt gạo củ khoai nuôi người khôn lớn. Bút danh ấy, âu cũng là điều dễ hiểu.

Lân là ở bên, kề bên, Mã Giang là sông Mã. Bởi “người ở bên sông” nên lòng luôn đằng đẵng nỗi sông. Tiếng thơ cũng từ đó mà bồi hồi cất cánh.

Nói thơ Mã Giang Lân là thơ về thiên nhiên quả không sai. Có một dòng sông quê miệt mài chảy trong thơ ông, và một thiên nhiên ắp đầy như không thể khác. Cả trăm bài thơ thì có đến non nửa lấp lánh bóng thiên nhiên, phần nhiều trong số đó gắn với miền quê nơi ông sinh ra. Ở đó, có một thiên nhiên hiện lên như chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn, có một thiên nhiên bao dung như lòng mẹ, có một thiên nhiên như một lời cảm tạ của đứa con, có một thiên nhiên ấm áp thủy chung, ngọt ngào và sâu lắng… Lặn vào nỗi nhớ người xa quê, để nhìn bất cứ đâu, cảnh sắc nào cũng mang dáng dấp quê nhà.

sssa.png
Nhà thơ Mã Giang Lân trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Việt Hùng

Người ấy, cảm được cả hơi thở của sông, nhìn sóng mà đoán mùa về, trông ráng mây mà biết gió, lại xem đường đi của gió mà biết hạt mưa sẽ khuyết hay tròn:

Sáng rồi, mây chuyển gió lên
bốn bề thức với bốn bên mưa về
hạt mưa tròn - ngọn gió vê
Sấm rung đến thế mà nghe vẫn mềm

(Mưa)

Xưa nôm na gọi đó là hiểu lòng đất trời, đọc được quy luật vận động của tự nhiên để thuận theo; nay, người ta gọi là “thuận thiên”. Ví như khúc “Độc thoại” trong “Trường ca Hàm Rồng”, ông viết: “Nước ngược thì ta lên ngược/ Nước xuôi thì ta xuôi cùng”.

Xét cho cùng, đấy là quy luật vận hành của con người từ thuở sơ khai đã chịu sự chi phối bởi quy luật vận hành của thiên nhiên. Nó tự nhiên đến mức ngấm vào nghĩ suy và từng hành vi thường nhật. Ở từng lĩnh vực, như thi ca chẳng hạn, khi đã tìm được nơi trú náu trong thơ, chỉ cần trải “đường băng”, những vần thơ sẽ tự do cất cánh.

Ông bảo, ông không có ý định gán cho thơ khái niệm thuận thiên đâu, “mình thẩm thấu tự nhiên như thế nào thì nó đi vào thơ, bật thành lời như vậy. Ở đời, phải lấy sự hài hòa, hòa hợp làm nền tảng, lòng người thuận với lòng đất trời, chứ không bẻ lái trái với tự nhiên được”.

Dĩ nhiên, hiện thực xanh tươi ấy đã được chắt lọc, hòa quyện với cảm xúc và trí tưởng tượng, tư duy và triết lý. Cũng bởi qua lăng kính tư duy nên trong khá nhiều bài thơ, thuận thiên không đơn thuần được hiểu thuận theo lẽ tự nhiên mà cao hơn, đó là văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên, vận quy luật của thiên nhiên thành quy luật cuộc đời. Sự “vận” ấy biểu hiện khá rõ trong bài thơ “Học”: “Học sông rũ sạch ưu phiền/ lở bồi chẳng bận đến biền biệt ly…/ Học núi núi đứng trời trồng/ nắng mưa dầu dãi cũng không là gì…/ Học cây lặng lẽ sớm chiều/ cây đau trút lá tự tiều tụy cây/ rồi xanh thăm thẳm từng ngày/ gọi chim gọi gió về bày biện hoa”.

Có một Mã Giang Lân khiêm nhẫn trước thiên nhiên, nhưng, cũng có một Mã Giang Lân “làm chủ cuộc chơi”, ấy là những năm tháng đất nước có chiến tranh, khi mỗi ngọn núi con sông, cả những vật vô tri cũng trở thành vũ khí diệt thù, thì người suốt đời “học cây”, “học núi”, “học sông” là Mã Giang Lân đã tạo ra cả bình minh từ việc hình tượng hóa ánh lửa diệt thù trên sông thành bình minh dân tộc; hay mang cả lịch sử và văn hóa, địa linh và nhân kiệt thổi hồn vào “Trụ cầu Hàm Rồng” khiến “bọn giặc lái bị bắt qua đây cúi đầu run sợ”.

Ngay từ thời điểm trao giải cho nhà thơ Mã Giang Lân với hai bài thơ “Bình minh trên sông” và “Trụ cầu Hàm Rồng”, Ban Giám khảo đã từng nhận xét Mã Giang Lân có một cách nhìn rất mới, cách nói rất mới. Dường như dấu ấn phong cách thơ của Bertolt Brecht luôn âm thầm len lỏi trong từng mạch nguồn thơ của ông, cho ông điểm nhìn xuất phát từ bản ngã, qua lăng kính thời đại và vận động trong hệ tư duy triết học minh tiệp để tạo nên những tứ thơ độc đáo, dẫn dắt người đọc đi qua con đường hiện thực và vỡ òa khi bắt gặp chân lý.

Tự cổ chí kim từng đúc kết, văn học, nghệ thuật, dĩ nhiên trong đó có thi ca thường có những bước đi trước thời đại, cùng những nhận định mang tính dự báo, đồng nghĩa với nhà thơ là những nhà tiên tri về tương lai.

Ở vào những năm khi biến đổi khí hậu, suy giảm sinh thái, ô nhiễm môi trường và hệ lụy của phát triển nóng, đô thị hóa tùy tiện còn chưa đặt ra cấp thiết thì mầm mống của vấn đề đã được cảnh báo trong thơ Mã Giang Lân.

Ông đau nỗi đau của cây sao đen khi bị con người cưa gốc chặt cành, ông khát nỗi khát của cánh đồng vào mùa khô hạn. Những dòng sông bị chôn lấp, nước nghẹn không về, những nhà máy mọc lên bên sông khiến “mặt sông sa sầm lại”, tiếng vỏ chai chạm đáy sông tức tưởi; những khói hương quên lối về vì làng lên phố tràn lan: “Chẳng lẽ quê hương bỗng dưng lên phố/ thung thổ chất chồng xi măng”… thì đó, bóng dáng của những xô lệch, xiêu vẹo, nhếch nhác xưa đã ngày càng nổi cộm trong xã hội nay: Chặt cây, phá rừng; bức tử môi trường, sông, biển; biến đổi khí hậu…

Nơi con mắt lữ hành “Lang thang” trên dòng đời xô lệch, ám ảnh những: “Ao hồ bị chôn sống/ Cây xanh bị bức tử giữa trời xanh”. Và trên bước chân của “Người về”, đã nghe: “Đồng đất mấy năm nay nóng dần lên san lấp/ gò đống ngổn ngang… nước nghẹn khó về/ lam nham vài vạt khoai ruộng lúa”.

Người ta đã lấy đi của thiên nhiên nhiều quá, người ta đã “bội thu” từ thiên nhiên mà quên đi hai chữ “tạ ơn”, để rồi nhận “bội thu” trở lại những hệ lụy của phát triển nhanh: “bội thu những trận mưa tầm tã qua đêm/ bội thu những ngày chói chang không một làn mây không một ngọn gió”.

Trong nỗi buồn ân nghĩa nhạt phai kia, tiếng thơ ông khắc khoải vang lên, xoáy vào thực tại những câu hỏi khó:

Đi hết biển đến chân trời
Sống hết mình rồi sống ở đâu?

“Sống ở đâu” khi tài nguyên, thiên nhiên của tương lai được hiện tại tận thu?!

Câu hỏi ấy chưa bao giờ cũ! Không khi nào cũ!

Người đại diện cho thiên nhiên đã trải từng những năm tháng chiến tranh. Nếu như trước 1975, chủ đạo trong thơ ông là cảm hứng Tổ quốc và ý thức công dân, thơ làm tiếng nói động viên quân và dân cả nước hăng say trên mặt trận, công xưởng, ruộng đồng, thì nay, dù cảm hứng chủ đạo không hề phai chuyển, nhưng ứng xử của nhà thơ trước vận động thời cuộc và thế sự thì đã khác, mà thái độ với thiên nhiên là một trong những ví dụ điển hình.

Vậy nên với ông, thơ cũng cần hiện đại, rất cần hiện đại. Nhưng hiện đại không có nghĩa là chạy theo trào lưu, rập khuôn phong cách để rồi bỏ qua yếu tố hình tượng trung tâm. Nói gì thì nói, viết gì thì viết, thơ không thể xa rời cảm xúc Tổ quốc, nguồn cội, quê hương; cũng giống như con người không thể biến mình thành một thực thể tách biệt với thiên nhiên được.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực thơ ca, ông còn là một nhà khoa học, nhà nghiên cứu phê bình văn học, người thầy của bao thế hệ sinh viên, tiến sĩ. Con người của rất nhiều lĩnh vực ấy luôn nghiêm túc cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa, yêu thương chữ “Nhân”, trân trọng chữ “Tâm”, lấy đạo lý làm đầu và khép mình vào kỷ cương, kỷ luật. Ông bảo, suy cho cùng, đi tới đỉnh cao của kỷ luật là tự do. Thì đấy, đúng như những gì mà ông từng viết: “Còn lại tự do và tiếng hát”.

a9qh(1).jpg

NGND. GS. TS. Nhà thơ Lê Văn Lân (Mã Giang Lân)

*Tác giả của 8 tập thơ, trường ca: “Bình minh và tiếng súng” (1975),“Hoa và dòng sông” (1979),“Một tình yêu như thế” (1990),“Những mảnh vỡ tiềm thức” (2009),“Về một cây cầu” (2010), “Những lớp sóng ngôn từ” (2013), “Phía sau tưởng tượng” (2017), “Ngẫm nghĩ chiều” (2021) và “Mã Giang Lân - Tuyển tập thơ” (2021); cùng hơn 20 cuốn sách thể loại nghiên cứu, phê bình văn học.
*Giải Ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969 (các bài “Trụ cầu Hàm Rồng”, “Bình minh trên sông”);
*Giải thưởng 5 năm thơ Hà Nội (1976 - 1980);
*Giải thưởng Sáng tác Văn học Nghệ thuật 1987 của UBND tỉnh Thanh Hóa;
*Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 (tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ”);
*Giải thưởng Nhà nước năm 2021 (Cụm công trình nghiên cứu “Thơ Việt Nam hiện đại”).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người ở bên sông…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO