Người nông dân làm giàu từ đất

Thục Vy | 11/04/2023, 10:30

(TN&MT) - Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Trần A Sám ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) còn tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo trên địa bàn, giúp người dân khó khăn phát triển kinh tế. Ông cũng là người có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội

img_20230404_131605.jpg
Nhờ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Trần A Sám đã có cuộc sống sung túc, đủ đầy

Khó khăn không nản chí

Ông Trần A Sám, 57 tuổi, là người dân tộc Hoa. Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai nhưng do đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, làm đủ nghề mà vẫn nghèo thế nên năm 1994, A Sám cùng gia đình rời Đồng Nai, khăn gói vào Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) lập nghiệp. Thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng chính là nơi gia đình dừng bước, quyết định lựa chọn làm quê hương thứ hai.

Thời gian đầu ở vùng đất này, tất cả đều mới mẻ đối với ông. Với khát khao thay đổi cuộc sống và quyết tâm “phải bám trụ được ở vùng đất mới”, A Sám đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, bắt tay vào mày mò tìm hiểu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… để chọn hướng phát triển kinh tế của gia đình.

Nhận thấy đất đai và khí hậu ở Phú Riềng phù hợp với cây cà phê, ông Sám quyết định chọn cà phê làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, may mắn không dễ chiều lòng người, vụ thu hoạch đầu tiên, dù được mùa nhưng giá cà phê biến động, lợi nhuận thu được thấp nên cuộc sống gia đình A Sám vẫn rất khó khăn.

Không nản chí, năm 2000, A Sám lại mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng 500 trụ hồ tiêu và 400 gốc sầu riêng, trong đó, sầu riêng được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Lần này, mồ hôi công sức của gia đình đã được bù đắp bằng “quả ngọt”, sau nhiều năm tích góp, năm 2014, gia đình ông đã mua thêm đất, trồng thêm 2,5ha hồ tiêu và 4ha sầu riêng.

Thêm đất là thêm vất vả khó khăn, thêm thời gian chăm bón cây, dưỡng đất. Thời điểm đó, hầu như thời gian và công sức, A Sám đều dành hết cho cây. Những tưởng chăm cây chỉ chờ đến ngày hái quả, thế nhưng, một lần nữa, “số phận” lại thử thách lòng người, do chưa am hiểu kỹ thuật nên năng suất vườn hồ tiêu và sầu riêng của gia đình vẫn không được như kỳ vọng.

Cho đến bây giờ, người nông dân chất phác thật thà vẫn chưa quên cái ơn mà cán bộ Hội Nông dân đã mang đến cho ông lúc ông đang bắt đầu hoang mang. Khi ấy, được chia sẻ khó khăn, rồi được mở ra hướng làm ăn bền vững dựa vào cộng đồng và kỹ thuật, ông vui như mở cờ khi tìm ra được hướng đi mới, tích cực tham gia Hội Nông dân để học hỏi kinh nghiệm từ hội viên về quy trình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, sầu riêng.

Dần dần, ông nắm vững quy trình trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, sầu riêng và áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật như chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... “Cái cây nó cũng như con người thôi, mình bắt nó làm giàu cho mình mà mình không hiểu nó thì mình không tốt rồi. Mà mình muốn hiểu nó thì mình phải biết nó sống được ở đâu, nó thích ăn uống như thế nào. Khó lắm nhưng mà có Hội Nông dân giúp nên việc khó giờ thành không khó nữa”.

Ông Sám thật thà chia sẻ. Từ khi vào Hội Nông dân, được cán bộ Hội, hội viên đồng hành, hướng dẫn, những năm gần đây, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân hàng năm của gia đình ông đạt khoảng 1,2 tỷ đồng.

Nắm bắt xu hướng mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng và là mục tiêu phát triển bền vững, ông Sám đã chuyển đổi phương thức sản xuất để nông sản đạt chất lượng cao hơn. Vất vả quen rồi nên việc gì đối với ông cũng đơn giản. Kiểu thế này: “Đơn giản lắm, miễn là mình phải hiểu bản chất của cái sạch, hiểu rồi thì mình phải áp dụng một cách thành thật, mình cũng phải chịu khó vì muốn sạch thì phải nhiều công đoạn hơn một chút”.

Nói rồi, ông giải thích: Để bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch, trong quá trình sản xuất, ông sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong chăm sóc vườn cây. Ngoài ra, ông cũng để cỏ phát triển tự nhiên giúp vườn giữ được độ ẩm, vi sinh vật có lợi phát triển. Định kỳ, ông dùng máy phát cỏ dọn dẹp, sử dụng cỏ kết hợp rác hữu cơ ủ phân bón, tạo dưỡng chất và độ mùn, sự tơi xốp cho đất. Từ khi chuyển sang phương pháp sản xuất sạch, chất lượng đất đã được cải tạo, cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng trái thơm ngon hơn, dễ truy xuất nguồn gốc, nhất là bảo vệ được sức khỏe và môi trường.

img_20230404_131613.jpg
Trần A Sám cùng hội viên nông dân chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng hữu cơ

Cùng nhau làm giàu
Trải qua bao vất vả khó khăn, bao buồn vui trước thất bại, thành công, giờ đây gia đình A Sám đã có cuộc sống đầy đủ, có của ăn của để. Trong sự ổn định về kinh tế của gia đình hôm nay, ông chưa bao giờ quên những ngày tháng khó khăn và những người đã vì ông mà vất vả, giúp ông vượt qua những thời điểm chênh chao.

Vì thế, với kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được, ông đã giúp nhiều gia đình khó khăn trong vùng phát triển kinh tế như chính ông ngày trước được bà con giúp đỡ lúc khó khăn. Gia đình anh Vòng Đậu Sáng ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân là một trong những hộ được ông A Sám giúp đỡ để phát triển cây trồng. Gia đình anh Sáng có 2ha sầu riêng trồng theo lối truyền thống và ít vốn nên năng suất thấp. Nhờ được chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc cây trồng từ ông Sám, vườn sầu riêng của gia đình anh phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao hơn và có thu nhập ổn định hơn.

Nhắc tới ông A Sám, trong mắt anh Sáng ánh lên những tình cảm trìu mến biết ơn. Anh bảo: “Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, ông Sám còn hỗ trợ bên gia đình mình phân bón, chủ yếu là phân hữu cơ. Ông đã cho mình sử dụng số phân đó trong khoảng thời gian một năm. Ông còn hỗ trợ mình vốn không lấy lãi để tạo điều kiện cho gia đình mình phát triển kinh tế. Nhờ ông Sám, gia đình mình giờ không còn thiếu thốn nữa, bữa ăn đã có thịt cá, con cái cũng có điều kiện đến trường”.

Không riêng gì anh Sáng mà ở thôn Đồng Tiến, ông Trần A Sám đều được bà con rất mực yêu thương, tín nhiệm. Ông được biết đến không chỉ vì sản xuất, kinh doanh giỏi mà ông và gia đình còn luôn đi đầu trong các hoạt động do Hội Nông dân và địa phương phát động. Cùng các nhà hảo tâm, hằng năm, gia đình ông giúp đỡ trên 20 hộ khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, sầu riêng; chia sẻ kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, vật tư… giúp các hộ vươn lên thoát nghèo. Ngoài tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, ông còn đóng góp làm đường giao thông, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Ông lại cho bà con hộ nghèo, khó khăn không có điều kiện mua vật tư nông nghiệp vay vốn không lấy lãi hơn 40 triệu đồng/năm và hỗ trợ 5 hộ khó khăn về giống, kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân - Mông Văn Tài luôn cảm thấy hãnh diện vì có một hội viên như ông Trần A Sám. Theo ông Tài, hội viên A Sám là một người tích cực, năng động trong công tác sản xuất cũng như trong công tác xã hội. Ông Sám và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm, ông tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương khoảng 48 triệu đồng/người/năm. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, gia đình ông có những phần quà dành tặng hộ nghèo, hộ khó khăn...

Ông Trần A Sám giàu tiền giàu của, giàu kinh nghiệm sản xuất, nhưng ở đây ai cũng bảo A Sám giàu nhất là tấm lòng, ai cũng bảo người như A Sám ở đất nào thì đất ấy cũng thương mà cho trái ngọt.

Từ thành quả trong sản xuất, 8 năm liên tục, ông Trần A Sám đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, có 5 năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2015 - 2019 và 3 năm đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2022, ông Trần A Sám vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Bài liên quan
  • Đất cằn nở hoa ấm no cho đồng bào Bù Gia Mập
    (TN&MT) - “Trước đây, cứ mỗi mùa khô đến thì lòng người cũng khô héo như cây. Giờ thì khác rồi. Cây xen canh làm cho đất bớt cằn, còn lòng mình thì rất vui vì cán bộ hướng dẫn mình đuổi được cái nghèo rồi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Rừng mãi xanh nhờ… hương ước
(TN&MT) - Trong quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, rừng là sinh mệnh, là nơi thần linh ngự trị. Bởi lẽ đó mà người Cống bản Lả Chà, xã Pa Tần của huyện Nậm Pồ (Điện Biên) yêu rừng như yêu bản.
Đừng bỏ lỡ
  • Người giữ hồn bản Thái…
    (TN&MT) - Chiếc khăn Piêu, áo Cóm, cơm Lam hay những tác phẩm văn học đặc sắc như “Tản chụ xiết xương”, “Xống chụ xon xao”, “Khun Lú nàng Ủa”…; chiếc đàn tính hai dây hay lễ mừng cơm mới, lễ tạ ơn, làm lý… là nét đặc sắc ở người Thái ở Điện Biên đang có nguy cơ mai một.
  • Độc đáo Tết Xíp Xí cổ truyền của người Thái trắng Sơn La
    (TN&MT) - Xíp xí - tiếng Thái nghĩa là ngày 14. Tết Xíp xí là Ngày tết truyền thống được tổ chức vào ngày 14/7 âm lịch hàng năm của đồng bào Thái trắng nói chung và người Thái ở huyện Phù Yên, Sơn La nói riêng, được đồng bào trân trọng giữ gìn, lưu truyền từ nhiều đời nay.
  • Thanh Hóa: Khơi dậy ý chí vươn lên phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi
    Sau 3 năm triển khai, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi để các huyện miền núi Thanh Hóa phát triển, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi. Từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của 11 huyện miền núi.
  • Thừa Thiên – Huế: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đồng bào DTTS và miền núi
    (TN&MT) - Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách và quy định của pháp luật về bình đẳng giới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS.
  • Phú Yên: Tìm giải pháp cho những công trình nước sạch vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS
    (TN&MT) - Phú Yên là một trong số những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Người dân nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là khu vực miền núi thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nghịch lý là hiện nay hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung do Nhà nước đầu tư xây dựng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.
  • Ngân vang những tiếng cồng chiêng
    (TN&MT) - Giữa núi rừng sâu thẳm, tiếng cồng chiêng vang vọng với những âm thanh đầy khí thế trong không gian một lớp học giữa buôn làng người Cơ Tu. Những nghệ nhân lớn tuổi say sưa “truyền lửa” cho lớp trẻ. Những người trẻ cũng đón nhận tình yêu với cồng chiêng cũng như trách nhiệm giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông
  •  Sơn La: Tạo động lực để bứt phá
    (TN&MT) - Với trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai đồng bộ các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021- 2025. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào các dân tộc, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
  • Quảng Ninh: Nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS từ chính sách hiệu quả
    (TN&MT) - Sau gần 3 năm tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Quảng Ninh đạt nhiều kết quả khả quan. Những nỗ lực đó đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của vùng đồng bào DTTS, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng từ 2 lần so với năm 2020.
  • Quảng Nam: Đặc sắc Ngày hội văn hóa-du lịch các dân tộc miền núi Quảng Nam
    (TN&MT) - Ngày hội là dịp để các dân tộc sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ thể hiện những giá trị đặc trưng độc đáo, sự đa dạng và phong phú của các loại hình văn hóa – nghệ thuật và thể thao.
  • Nuôi dê thương phẩm giúp nhiều hộ dân đổi đời
    Thời gian qua, việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê thương phẩm và liên kết trong chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời mở ra hướng đi mới cho hàng chục hộ dân ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Theo số liệu báo cáo, ước tính tổng đàn Dê thương phẩm của huyện đến hết tháng 6/2023 đạt khoảng 10.000 con.
  • Mường Lát (Thanh Hóa): Cuộc sống mới ở khu tái định cư
    Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đa số người dân trong bản thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Phần lớn các hộ dân dựng nhà bên những sườn núi cheo leo, nên luôn phải đối mặt với nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao vào mùa mưa lũ. Nhưng giờ đây người dân trong bản không còn phải nơm nớp lo sợ, bởi khu tái định cư do Nhà nước đầu tư khang trang, đồng bào đã và đang bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.
  • Phát huy vai trò mặt trận Tổ quốc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số miền núi
    (TN&MT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, thời gian qua, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, từ đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO