Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được trợ giúp pháp lý

Trường Tuyết| 19/08/2015 14:28

(TN&MT) - Đó là một trong những nội dung tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng và lấy ý kiến.

Bộ Tư pháp cho biết, xuất phát từ đặc thù của các huyện nghèo, xã nghèo (diện người được trợ giúp pháp lý rất lớn, họ chưa biết nhiều về trợ giúp pháp lý, nhận thức pháp luật còn hạn chế); nhu cầu trợ giúp pháp lý rất cao, trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp luật còn nhiều hạn chế. Do vậy, bên cạnh việc chú trọng thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng chính sách khi có nhu cầu, cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý trên các địa bàn khó khăn thông qua việc hỗ trợ đào tạo luật sư làm nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

pl-166796610733756808193.jpg

Theo Dự thảo Quyết định, đối tượng thụ hưởng chính sách là nguời nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được trợ giúp pháp lý khác tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; xã nghèo không thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới và xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi không thuộc các xã nghèo quy định trên.

Theo Dự thảo, thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, trong đó, chú trọng các hình thức trợ giúp pháp lý: Tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình; Đại diện ngoài tố tụng; Tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng.

tro-giup-phap-ly.jpg

Cũng theo Bộ Tư pháp, trên địa bàn này, cần tập trung hoạt động truyền thông trực tiếp về trợ giúp pháp lý cho người dân về hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý. Do các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn là địa bàn xa trung tâm, đi lại khó khăn nên bên cạnh việc tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện truyền thông cần phải trực tiếp tổ chức các đợt truyền thông ở cơ sở để người dân có thể hiểu biết sâu sắc và cụ thể hơn về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý. Cụ thể, Dự thảo quy định, đối với truyền thông về trợ giúp pháp lý, hỗ trợ xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên Báo hình, Báo viết, Đài phát thanh, Báo hình phát sóng trên Đài truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 20 triệu đồng/1 số/quý/Trung tâm; báo viết đăng trên báo tĩnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 3 triệu đồng/1 số/tháng/Trung tâm; Phát thanh chuyên mục, băng cát - xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc về trợ giúp pháp lý trên Đài phát thanh xã: biên soạn nội dung: 1 triệu đồng/1 số/tháng/xã, thôn, bản; chi phí phát thanh: 500.000 đồng/xã, thôn, bản/tháng (4 lần phát/tháng). Ngoài ra, đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở UBND, Trung tâm bưu điện, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà văn hóa, Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn: 4 triệu đồng/xã/lần (2 lần/8 năm); 2 triệu đồng/thôn, bản/lần; tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở: 2 triệu đồng/xã/1 lần/năm; 1 triệu đồng/thôn, bản/1 lần/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được trợ giúp pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO