Người mẹ kiên cường trọn đời thầm lặng hi sinh  

Bài và ảnh: Mai Thắng| 27/07/2021 04:54

(TN&MT) - Thời son trẻ mẹ luồn rừng vượt suối tiếp tế gạo, thuốc men nuôi giấu bộ đội. Ba lần bị địch bắt đánh đập hành hạ tra tấn dã man giữa rừng sâu núi thẳm, mẹ một mực không khai.

Ngày tiễn chồng con ra trận, mẹ tự hào kiêu hãnh, ngày đón chồng con trở về nước mắt mẹ đầy mi. Cuộc đời mẹ là chuỗi ngày thầm lặng hi sinh hạnh phúc riêng tư, nhưng mẹ luôn tự hào vì đã hiến dâng chồng, con cho Tổ quốc. Mẹ là Nguyễn Thị Chính- Mẹ Việt Nam anh hùng ở ấp Cây Cám xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, người dân địa phương gọi là “người mẹ kiên cường”

Tiễn chồng ra trận nước mắt dâng đầy

Vượt gần 50 km từ thành phố Vũng Tàu, chúng tôi đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chính ở ấp Cây Cám huyện Đất Đỏ vào một sáng cuối tuần trước mùa dịch Covid-19 ập tới. Hỏi thăm chị phơi lúa ven đường lối vào nhà mẹ Chính, chị chỉ “Chú đi tới cuối dốc kia, rồi nhìn bên phải có hai cái nhà tình nghĩa kề nhau là nhà má Chính đó. Con trai má đang sửa sang lại. Căn nhà cũ quá rồi”.

Mẹ Chính lau di ảnh con trai - Liệt sỹ Trần Văn Thành.

Tôi khoác ba lô cuốc bộ hơn trăm mét gặp người đàn ông trạc tuổi 50 tóc bạc trắng đang vác đá trước hai căn nhà tình nghĩa. Chưa kịp hỏi thì ông bảo “Anh hỏi nhà má Chính phải không? nhà đây. Tôi là con trai của má”. Rồi anh kêu “Má ơi, có người hỏi thăm má nè”.

 Nghe tiếng có người hỏi thăm, mẹ Chính từ chiếc giường cũ kỹ trượt xuống xe lăn, lăn ra phòng khách. Trước mắt tôi là mẹ Chính với mái tóc bạc phơ, một chân cụt ngang đùi. Mẹ cười nói “Có ai thăm tui đây?” rồi lăn nhanh ra gần chiếc ghế đá đặt giữa hiên nhà. Tôi bảo: “Con là bộ đội Hải quân đến xin nghe mẹ kể chuyện thời chiến đấu năm xưa”. Bỗng nhiên mắt mẹ Chính rưng rưng, hai tay bám chặt vào vành bánh xe lăn quay lại vào phòng khách. Mẹ trân trân nhìn lên di ảnh con trai, ảnh chồng rồi đến hai tấm bằng Tổ quốc ghi công và những tấm bằng khen cũ kĩ ngả màu vàng ố. “Mới ngày nào tui tiễn ông nhà tui, và thằng Thành ra trận, vậy mà hơn 50 năm rồi. Nửa thế kỷ mà tui cứ ngỡ mới hôm nào đây thôi”. Mẹ Chính khóc rồi rướn người với lấy di ảnh chồng và con trai đặt vào lòng. Lấy chiếc khăn màn trắng từ túi ni lon nhỏ mẹ lau lên di ảnh: “Ông nhà tui thời trẻ đẹp lắm. Cưới nhau vài năm thì ông ấy vào bộ đội”. Mẹ Chính bắt đầu câu chuyện bằng ký ức thời trai trẻ của chồng nửa thế kỷ trước.

Năm 1954 của thế kỷ 20, cô thôn nữ Nguyễn Thị Chính ở ấp Cây Cám đem lòng yêu người trai khác ấp nhà nghèo tròn tuổi 20 tên Trần Văn Thắng. Tình yêu thời chiến tranh giản đơn, họ nhanh chóng nên duyên chồng vợ. Đất nước thời chiến trận quê nghèo đói khổ, ông Thắng theo ba ông đi hoạt động cách mạng, còn mẹ Chính ở nhà làm lụng nuôi con. Cưới nhau được 6 năm thì ông Thắng lên đường tòng quân nhập ngũ. Tiễn chồng ra trận, mẹ Chính nén lòng động viên “Anh cứ đi đi, chiến trường ác liệt lắm. Mẹ con em chờ anh về”. “Khi ông ấy khoác ba lô đi, tui mới òa khóc. Lúc đó tủi thân quá nhưng chẳng biết làm sao. Lòng tui nghĩ, chiến tranh ác liệt biết ngày nào ông ấy trở về. Lỡ may ông hi sinh thì mẹ con sống với ai?”, mẹ Chính hồi tưởng lại.

Ngày tiễn chồng lên đường nhập ngũ, mẹ Chính hai tay dắt hai đứa trẻ. Đứa lớn lên ba, đứa nhỏ chưa đầy năm. Gục đầu vào vai áo chồng, mẹ Chính mím chặt môi không dám khóc. Ông Thắng ôm vợ nói “Em ở nhà nuôi con, anh đi nhất định sẽ về”. Tạm biệt vợ bằng vòng tay siết chặt, ông Thắng bế hai con hôn lên má rồi khoác ba lô lên đường. Hơn một năm sau kể từ ngày chia tay, ông Thắng trở về thăm vợ. Đó là một đêm sương giăng trắng rừng tràm Đất Đỏ. Ông Thắng xúc động rơi nước mắt nhìn con trai ngủ trên mành liếp. Ôm vợ trong vòng tay xiết chặt, ông Thắng bảo “Anh chỉ về thăm mẹ con em đêm nay rồi đi ngay. Tình hình địch lùng sục ráo riết lắm”. “Lúc đó tui mới biết ông ấy đi bộ đội ở Minh Đạm đó chớ, chứ từ lúc đi, ông ấy có về lần nào đâu mà biết”, mẹ Chính kể lại.

Gánh con thăm chồng

Trong khi chồng cầm quân chiến đấu ở Trung đoàn Minh Đạm, mẹ Chính đã tình nguyện làm giao liên tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men cho bộ đội. Ngày ngày ra đồng cấy lúa, lên rừng đốn củi, nhưng đó cũng chính là thời gian mẹ móc nối liên lạc với cách mạng truyền tin để tối đến bí mật chuyển lương thực vào đơn vị của chồng.

Ông Trần Văn Tài chăm sóc mẹ Chính hằng ngày.

Trong một lần “đốn củi” giữa rừng tràm Xuyên Mộc, mẹ bị địch phục kích bắt. Khám trong bó củi chúng phát hiện có truyền đơn và thuốc chữa bệnh. “Lúc đó tui cãi “đó là mấy tờ giấy tui nhặt được ở đường”. Chúng hỏi “Thuốc này mày mang đi đâu?, tui bảo “Thuốc tui chữa bệnh đó”, nhưng chúng không nghe. Chúng bắt tui đưa về giam cầm tra tấn, đánh đập dữ lắm, nhưng nhất thiết tui không khai”, mẹ Chính hồi tưởng lại.

Lần thứ hai mẹ bị địch bắt khi đang “gánh con thăm chồng”. Mặc dù khám trong “đôi quanh gánh đặc biệt” ấy chẳng có gì ngoài vài cái kẹo, đồng bánh tráng và ít gạo cùng hai đứa con ngồi hai đầu thúng, nhưng chúng vẫn bắt mẹ đưa về thẩm vấn. “Chúng xé áo, xé quần ép tôi phải khai chồng làm gì trong quân đội, tui bảo “chồng tao bị bom Mỹ bắn chết rồi còn đâu nữa. Con tao giờ nó mồ côi bó nó nè. Nó nhốt rồi đánh đập vài ngày rồi thả ra”. – Lúc đó má có mang tài liệu gì không? Tôi hỏi. “Có chớ. Trước khi bị chúng bắt, tui đã kịp nhai lá thư mật nuốt vào bụng rồi. Vậy chúng mới xé áo xé quần xem tui có dấu tài liệu trong người không đó chớ”, mẹ Chính, kể

Lần thứ ba mẹ bị địch bắt khi đi “mót lúa”. Khám trong mủng lúa chúng chẳng thấy gì ngoài lúa lép và chiếc khăn rằn. Lần này chúng không đánh đập nhưng dụ dỗ mua chuộc mẹ bằng cách nói chồng mẹ bị bắt hòng khiến mẹ mềm lòng khai báo. “Lúc đó tui nhanh trí nghĩ, nếu chồng bị bắt chắc chắn đã được cách mạng báo cho mình biết chớ. Nó đang dụ dỗ mình đây. Tui không khai mà còn phản lại “lần trước các ông bắt tui, tui bảo chồng tui chết bom rồi mà, giờ tui có chồng nào đâu”. Kể đến đây, nước mắt mẹ Chính đỏ hoe. Bàn tay nhăn nhúm cầm di ảnh của chồng áp lên ngực, rồi lấy mảnh khăn màn lau qua lau lại

Nước mắt mẹ không còn

Chiến tranh khốc liệt, vợ mất chồng, mẹ mất con đã là sự hi sinh. Mẹ Chính mất chồng, mất cả con trai, có sự hi sinh mất mát đau thương nào hơn thế. Cho đến bây giờ hơn nửa thế kỷ kể từ ngày ông Trần Văn Thắng hi sinh trong chiến trường Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ- Đồng Nai), mẹ Chính vẫn không thể nào quên được ngày nhận giấy báo tử của chồng.

 Đó là ngày 14-3 giữa mùa xuân năm 1968. Nghe tin chồng hi sinh, tim mẹ như vỡ làm đôi. Mẹ gào thét gọi tên chồng giữa cánh đồng lúa nhàu nhụa rồi dắt con trai về nhà lập bàn thờ không di ảnh. Dẫu vẫn hiểu mất mát hi sinh trong chiến trận là điều không tránh khỏi, nhưng nỗi đau của người vợ trẻ cứ quặn thắt trong tim. “Khi hay tin ông ấy hi sinh, tui gào thét, rồi nén lòng bình tâm lại. Lúc đó thằng Thành mới 12 tuổi. Nó chưa hiểu hi sinh là gì. Thấy tui khóc, nó bảo má ơi, sau này con cũng đi bộ đội như ba được không má?”. Giọng mẹ Chính nghèn nghẹn, nước mắt lưng tròng nói với tôi: “Ai ngờ đâu, nó vào bộ đội rồi cũng hi sinh”.

 Mẹ Chính khóc...

 Đã cả ngàn lần giọt nước mắt rịn ra từ khóe mắt già nua, là ngần ấy lần mẹ áp di ảnh chồng con lên ngực để vơi bớt nỗi nhớ thương. Anh Trần Văn Tài - người con thứ hai của mẹ bảo: “Mỗi lần có ai tới thăm, má tui đều lấy ảnh ba và anh hai ra lau, ôm lên ngực rồi khóc. Nhưng có một điều kỳ lạ là sau mỗi lần như thế, thấy má khỏe ra và phấn khởi hẳn lên”.

Hỏi chuyện người con trai cả hi sinh, mẹ Chính kể: Khi nhận thức được ông Thắng hi sinh vì Tổ quốc, đầu năm 1975, người con trai cả của mẹ là Trần Văn Thành đã xung phong vào bộ đội. Nhưng chỉ sau mấy tháng kể từ ngày chia tay mẹ lên đường đánh giặc, anh cũng anh dũng hi sinh. Ngày vui mừng đất nước hoàn toàn giải phóng, cũng là ngày mẹ Chính nhận thêm một nỗi đau đứt ruột- con trai cả của mẹ hi sinh tại chiến trường Long Khánh.

Mẹ Chính được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

 Chồng, con hi sinh, nén nỗi đau, mẹ lao vào công việc. Tất cả công việc đoàn, hội giao phó, mẹ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1986, mẹ được truy tặng danh hiệu Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Năm 2014, mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ẩn sâu trong những tấm huy chương, danh hiệu cao quí ấy, là sự cống hiến thầm lặng hi sinh của mẹ cho Tổ quốc. “Chiến tranh cướp mất chồng và con tui. Đau lắm. Tui được sống như ngày hôm nay, bao người đã hi sinh. Bao bà mẹ cũng mất chồng, mất con như tui. Hi sinh vì Tổ quốc thì chẳng có gì phải hối tiếc” - mẹ Chính nghẹn ngào cầm hai tấm di ảnh của chồng, con áp vào ngực như ôm chồng con vào lòng.

Tự hào người mẹ anh hùng

Năm 2015, mẹ Chính phải cưa chân trái ngang đùi vì tắc mạch máu chi dưới. Một phần do vết thương bị địch tra tấn thời chiến tranh tái phát, một phần tuổi cao sức yếu bệnh tuổi già. Ngày lên bàn mổ, hai người con trai Trần Văn Tài, Trần Hữu Lợi mắt đỏ hoe nhìn mẹ. Họ không nỡ mẹ phải cưa chân. Hỏi vì sao không để bác sĩ cưa chân mẹ khi đã hoại tử và nguy hiểm đến tính mạng? anh Tài chia sẻ: “Thời chiến tranh, đôi chân má gánh ba anh em chúng tui đi thăm ba, tui chạy lon ton theo sau, giờ phải cưa chân má, sao đành lòng được. Lúc bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đưa vào phòng mổ, anh em tôi ôm nhau khóc”, anh Tài kể lại.

Nói về má mình, anh Tài tự hào: “Tui luôn tự hào về má. Ba tui hi sinh, má không lấy chồng mà ở vậy hoạt động cách mạng và nuôi anh em tui. Ngoài trách nhiệm chăm má, tui còn có trách nhiệm nữa là được nhà nước trợ cấp mỗi tháng hơn một triệu đồng để chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng. Tất cả việc tắm rửa, thay quần áo, ăn uống tui đều làm được, chẳng nề hà gì cả”.

Trưa nắng chang chang - cái nắng vùng miền Đông Nam bộ như thiêu như đốt. Dưới mái nhà tình nghĩa đơn sơ, mẹ Chính ngồi trên xe lăn. Mỗi khi cháu, chắt về thăm, hoặc có khách đến nhà hỏi han sức khỏe, mắt mẹ lại ánh lên niềm tự hào vì đã thầm lặng hi sinh và cống hiến chồng, con cho Tổ quốc thanh bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mẹ kiên cường trọn đời thầm lặng hi sinh  
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO