Dân tộc thiểu số

Người giữ hồn bản Thái…

Trần Hương 30/08/2023 14:34

(TN&MT) - Chiếc khăn Piêu, áo Cóm, cơm Lam hay những tác phẩm văn học đặc sắc như “Tản chụ xiết xương”, “Xống chụ xon xao”, “Khun Lú nàng Ủa”…; chiếc đàn tính hai dây hay lễ mừng cơm mới, lễ tạ ơn, làm lý… là nét đặc sắc ở người Thái ở Điện Biên đang có nguy cơ mai một.

Thật may mắn là nơi đây, nhiều nghệ nhân say mê gìn giữ, bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa độc đáo này. Họ đang mang trọng trách giữ hồn cho bản Thái…

1. Nhiều năm nay, Nghệ nhân Lương Thị Đại ở Noong Luống, huyện Điện Biên đã đến khắp các bản làng người Thái trên toàn tỉnh để thu thập tư liệu cổ về dân tộc Thái. Tư liệu mà bà thu thập là các lễ hội cổ truyền, là tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, và nhiều khi là những tập quán sinh hoạt của người Thái.

Làm việc tại Ty Văn hóa Lai Châu, bà Đại đã có cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa của dân tộc Thái. Năm 1988 nghỉ hưu, bà dành nhiều thời gian hơn cho việc đi tìm hiểu và sưu tầm các nét văn hóa Thái.

a3(1).jpg
Văn hóa và Ẩm thực dân tộc Thái đậm đà bản sắc dân tộc, thu hút khách du lịch thập phương tới trải nghiệm

Hễ nghe nói ở đâu có những người già còn biết nhiều chuyện xưa của người Thái, ở đâu còn có những bản chữ Thái cổ không mấy người biết đọc, hay vùng nào có những người còn biết những nghi lễ của tổ tiên người Thái xa xưa, là bà Đại tìm đến. Hành trang của bà là một cuốn sổ tay, cây bút, máy ghi âm, rồi máy ảnh, và điều quan trọng nhất là niềm say mê đối với việc gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.

“Linh hồn, bản sắc của một dân tộc là những giá trị văn hóa được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó là phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, trang phục truyền thống và hệ thống biểu tượng. Giữ “hồn” của dân tộc chính là phải lưu giữ nguyên vẹn các nét đẹp đó để bảo tồn và kế thừa lại cho đời sau”, bà Đại chia sẻ.

Với nguồn tài liệu thu thập sưu tầm được, bà đã biên tập tổng hợp và cho xuất bản 7 đầu sách về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái trong hơn 20 năm qua. Với nhiều tác phẩm sưu tầm, dịch thuật và nghiên cứu văn hóa, văn học Thái, được xuất bản từ năm 2009 tới nay như: “Tạo Sông Ca nàng Si Cáy”, “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái”, “Hôn nhân của người dân tộc Thái ở Điện Biên”..., những trang viết của bà đang góp phần gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa, được lưu truyền hàng ngàn năm nay trong vùng đồng bào Thái ở Điện Biên.

a4(1).jpg
Ẩm thực của người Thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

2. Những người như bà Đại có được tư liệu để tổng hợp, xuất bản, lan toản văn hóa Thái thì phải nhờ đến những người có công lưu truyền, có thể truyền miệng, lưu giữ trong việc thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng… theo đúng phong tục cổ truyền hoặc ghi chép lại trong các văn bản mang tính nội bộ. Những ông Mo bản là những người như thế.

Họ thông thuộc nhiều lễ tục cổ truyền của dân tộc, từ lễ lớn của cộng đồng như: Xên bản, xên mường, cho đến những lễ tục trong gia đình người Thái như: Lễ cúng nhà mới, ma chay, cưới hỏi. Và đặc biệt họ cũng chính là những người có công lưu truyền các tác phẩm văn học truyền miệng của người Thái, trong đó có nhiều truyện thơ như: “Tản Chụ xiết xương”, “Xống chụ xon xao” và nhiều tác phẩm khác còn chưa được công bố và giới thiệu.

Ở Thị xã Mường Lay có một ông Mo được nhiều người biết đến. Tên ông là Vàng Văn Thức, sống tại bản Na Nát, phường Na Lay. Người dân ở đây quen gọi ông là “Mo Thức”. Mo Thức là người được dân bản rất tin tưởng mỗi khi có việc về tín ngưỡng tâm linh cần đến thầy Mo.

a1(1).jpg
Thầy mo Vàng Văn Thức biểu diễn đàn tính

Theo lời Mo Thức, trong khi làm những nghi lễ cần thiết, ông Mo sẽ hát các bài ca nghi lễ. Bài ca nghi lễ của người Thái phần lớn là các truyện thơ đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là những tác phẩm văn học truyền miệng phản ánh lịch sử dân tộc, hoặc quan niệm thẩm mĩ của những tộc người Thái xưa. Ví như trong bài Then “Đưa người lên chơi chợ Mường trời”, thường được các ông Mo hát trong lễ giải hạn, có đoạn ca tụng vẻ đẹp của con người có sức mạnh phi thường: Đạp đất đen co cứng thành hòn/ Đạp đất cằn co lại thành cục/ Mặt đỏ gay như chiếc dùi nung/ Bàn chân mỏng như lưỡi mai/ Chặt cây không cần búa/ Tỉa cây không cần dao...

Dân bản rất tin tưởng các thầy Mo vì họ là những người thông tuệ, hiểu biết về phong tục tập quán, nhưng ngày nay không mấy người biết được họ là những pho truyện thơ sống của dân tộc. Và chính họ cũng là người đang gìn giữ một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo. Năm 2007, cùng với đoàn nghệ nhân diễn xướng tỉnh Lai Châu tham dự "Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ II" tại tỉnh Cao Bằng, Mo Thức đã đem bài Then “Lên trời cầu khấn” đi biểu diễn. Tiết mục đã được Ban tổ chức trao giải A vì sự độc đáo trong lối hát cũng như hình thức biểu diễn.

3. Ngoài nghệ nhân Lương Thị Đại và thầy Mo Vàng Văn Thức, tôi còn muốn nói đến những người đã có công lưu giữ nhiều loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Thái ở Điện Biên. Một trong số đó là nghệ nhân Lò Văn Ơn, bản Nà Ten, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

Trong tiềm thức của người Thái, Thanh Nưa thì ông là một người có công trong việc lưu giữ nhiều loại nhạc cụ của dân tộc, ngành Thái Đen. Trong ngôi nhà của ông, vẫn còn lưu giữ những cây đàn Tính Tẩu, Nhị Bầu và các loại sáo trúc. Mỗi loại nhạc cụ này được con, cháu ông xếp vào một chiếc tủ riêng và giữ gìn, trân trọng chúng như vật báu.

Cách đây rất lâu, nhớ một lần tôi đến nhà ông, khi ấy trời chạng vạng tối, trong ngôi nhà sàn ông kể: “Đã nhiều năm nay tôi đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Điện Biên, nơi nào có cộng đồng dân tộc Thái sinh sống lâu đời là tôi tìm đến học hỏi để có thể làm được những cây đàn tính tẩu, những cây nhị bầu và các loại sáo trúc có âm thật thanh, đem biểu diễn trong các hội vui, hoặc chỉ để chơi cho vui mỗi khi cao hứng”.

Thời điểm đó ông đã tích góp, sưu tầm và chế tác được hơn 30 loại nhạc cụ khác nhau, các nhạc cụ này đều phục vụ văn hóa, văn nghệ dân tộc Thái. Tùy vào giai điệu và không gian để dùng các loại khác nhau. Cũng tùy vào các lễ hội của bà con để sử dụng 1 loại nhạc cụ sao cho phù hợp.

“Dù trong lễ tục ngày mùa hay đám cưới hỏi, đám ma chay, mỗi khi tiếng đàn, tiếng sáo được kéo lên theo bài dân ca dân tộc Thái, tôi luôn cảm thấy văn hóa dân tộc Thái luôn được đậm đà và khác biệt, độc đáo”, ông Ơn nói. Đến nay, dù ông đã về cõi trời với tổ tiên, nhưng những cây đàn, cây sáo ông sưu tầm vẫn còn hằn sâu trong ký ức của người dân Thanh Nưa và các thế hệ con, cháu ông mỗi khi lễ, tết hội hè có dịp sử dụng đến.

Những người như bà Lương Thị Đại, như ông Lò Văn Ơn và thầy Mo Thức chính là “chứng nhân” trong việc gìn giữ, bảo lưu vốn văn hóa cổ truyền của người Thái Điện Biên. Trong từng trang viết, từng tiếng đàn, điệu Then của họ là linh hồn dân tộc, sẽ sống mãi qua những bước thăng trầm của thời gian, qua những bể dâu của đời sống hiện đại hôm nay và ngày mai.

Những trang sách lưu giữ về Lễ hội xên bản, xên mường, tục cưới hỏi, ma chay, sinh đẻ… của người Thái mà nghệ nhân Lương Thị Đại lưu giữ; hay những tiếng đàn, điệu Then của thầy Mo Vàng Văn Thức, nghệ nhân Lò Văn Ơn đã góp phần không nhỏ vào bảo tồn nét đẹp văn hóa Thái tại Điện Biên. Họ chính là những cố vấn văn hóa, giúp tổ chức các lễ hội, chương trình dân tộc cấp tỉnh, giúp bố trí nếp nhà, đạo diễn sân khấu nghệ thuật dân tộc Thái… và giúp cộng đồng người Thái ở Điện Biên phát triển văn hóa du lịch cộng đồng theo mô hình homestay, trải niệm văn hóa bản làng đậm đà bản sắc dân tộc tại Tây Bắc; thu hút khách du lịch thập phương, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài đến với Điện Biên để trải niệm văn hóa dân tộc Thái

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn
hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Những người Khơ Mú (Mường Chà) giữ hồn dân tộc
(TN&MT) - Cuối năm, trời Điện Biên nắng vàng như rót mật. Quốc lộ 12 đen lĩnh như tấm lụa vắt ngang giữa đại ngàn. Độ này, hoa dã quỳ nở khắp cung đường, vàng xuộm. Bản Khơ Mú bình yên, khiêm tốn bên dòng Nậm Mức. Cả bản Púng Giắt , xã Mường Mươn có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm mạnh còn 22,85%. Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng họ vẫn hào sảng say sưa hát, say sưa múa… lạc quan và yêu đời như vốn tự nhiên có của mảnh đất này...
Đừng bỏ lỡ
  • Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
    Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO