Sắc màu dân tộc tôn giáo

Người Dao Thanh Phán phát triển du lịch tại Bình Liêu, Quảng Ninh

Lê Xuân Tùng 09:42 17/11/2023

phong-canh-2.jpg
phong-canh-2.jpg

(TN&MT) - Bình Liêu là huyện biên giới ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có gần 50 km đường biên giới với Trung Quốc. Nơi đây có tới gần 96% đồng bào là dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… Trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 sau Tày và Sán Chỉ.

phong-canh.jpg

Được xem là vùng rẻo cao có cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng, còn giữ được tương đối đậm nét văn hóa đặc sắc bản địa, chưa bị tác động bởi quá trình đô thị hóa. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương phát triển kinh tế xanh tại Bình Liêu, trong đó trọng tâm là phát triển mô hình du lịch xanh. Điều này là nét chấm phá đáng kể để phát triển kinh tế trong cộng đồng dân tộc thiểu số của Bình Liêu, trong đó có dân tộc Dao Thanh Phán.

may-40.jpg
Phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán

Bình Liêu có địa hình tự nhiên chủ yếu là đồi núi cao với những thác nước tự nhiên đẹp hùng vĩ, như: thác Khe Vằn, Khe Tiền, Sông Moóc. Những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín được gọi là những “tấm thảm vàng”.

thu-vang-1-of-1-.jpg
Những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín được gọi là những “tấm thảm vàng”

Trải dài trên các dãy núi trập trùng xanh thẫm là những cánh rừng hồi, rừng quế thơm ngát… tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình. Bình Liêu đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa cho người dân tộc trên địa bàn trong đó có người Dao Thanh Phán như: bản văn hóa người Dao ở xã Vô Ngại, xã Đồng Văn, dần hình thành các cơ sở lưu trú, điểm du lịch cộng đồng (homestay) đặc sắc.

Cùng với đó, huyện Bình Liêu triển khai xây dựng 7 nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách: du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn... Qua đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm các nét sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc.

may-48.jpg
Người Dao ở Bình Liêu có tên gọi khác nữa là người Mán

Người Dao ở Bình Liêu có tên gọi khác nữa là người Mán, bao gồm Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y. Người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu cư trú đông nhất là ở xã Đồng Văn. Họ sinh sống thành các bản làng dưới chân núi hoặc ngang sườn núi, gần dòng nước để tiện cho việc sinh hoạt và canh tác. Xung quanh bản làng của người Dao là màu xanh của núi rừng bạt ngàn, mây mù bao phủ quanh năm, tiếng thác nước chảy róc rách tạo khung cảnh thi vị. Có những năm thời tiết lạnh giá trên bản của người Dao Thanh Phán xuất hiện băng tuyết (như bản Phặt Chỉ, Phai Làu, xã Đồng Văn). Cả bản làng của người Dao và khung cảnh núi rừng chìm trong băng tuyết trắng xóa giống như bản làng ở trên Sa Pa (Lào Cai). Người Dao Thanh Phán canh tác ruộng bậc thang từ lâu đời. Họ khai phá những quả núi cao thành những thửa ruộng dài, nối tiếp nhau tạo nên một nét đặc biệt, ấn tượng trong khung cảnh núi rừng mênh mông. Những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ được bà con canh tác lâu năm như ở bản Sông Moóc A, Sông Moóc B, Khe Tiền (xã Đồng Văn), bản Cao Thắng, Khe O (xã Lục Hồn)... cũng được coi là điểm tạo sức hút trong du lịch.

dao-5.jpg
Người dân tộc Dao Thanh Phán lưu giữ nét văn hóa đặc sắc bản địa

Đối với văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà, huyện Bình Liêu đã khuyến khích người Dao Thanh Phán giữ lại những ngôi nhà trình tường cổ. Nếu như có xây dựng mới, huyện khuyến khích người dân xây dựng theo kiểu lối nhà truyền thống để có thể phát triển dịch vụ homestay phục vụ đón khách du lịch. Qua việc phục vụ du lịch homestay, các đặc trưng văn hóa truyền thống của người Dao cũng được bảo tồn như: ẩm thực với những món ăn độc đáo như thịt lợn nấu gừng, thịt lợn nấu với cây chuối, phở xào…, từ những kiến thức dân gian về bí quyết chữa bệnh bằng lá cây tự nhiên, người dân đã hình thành các dịch vụ như xông hơi, tắm lá thuốc của người Dao…

dao-1.jpg

Từ năm 2017, Bình Liêu đã có Ban vận động thành lập câu lạc bộ du lịch tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu để phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của người Dao Thanh Phán, đặc biệt là những di sản về âm nhạc nghệ thuật dân gian Theo đó, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, khôi phục, sưu tầm nghệ thuật dân ca của người Dao Thanh Phán như làn điệu hát pả dung, các điệu múa, thổi kèn… vừa phục vụ cho công tác bảo tồn cũng là hình thức sinh hoạt để phục vụ du khách tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật của người bản địa. Huyện Bình Liêu chủ trương phát huy các phong tục tập quán lễ hội đặc sắc của người Dao Thanh Phán. Ngày hội kiêng gió đã trở thành một ngày hội đặc sắc của người Dao, ngoài ra cũng trở thành một ngày hội du lịch thu hút sự quan tâm của du khách tham quan. Các nghi lễ trong phong tục tập quán đã thực hiện biểu diễn trích đoạn trong nghi lễ cấp sắc, nghi lễ cầu mùa…

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người Dao Thanh Phán vẫn giữ những nét văn hóa cổ truyền tốt đẹp của mình. Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập, chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở Bình Liêu là một định hướng đúng. Đây là cách làm du lịch bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của người bản địa, không làm mai một giá trị truyền thống.


(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO