Xã hội

Người Dao ở Phai Đá: No ấm từ rừng

Tuyết Chinh 12/01/2018 17:59

(TN&MT) - Nhờ phát triển kinh tế rừng, đến nay, nhiều hộ người Dao ở thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) không chỉ thoát nghèo từ rừng mà còn có của ăn của để; rừng phát triển không còn đất trống, đồi núi trọc, nước lũ không xói lở được vào nhà.

Từ trung tâm xã Chiêu Yên vào chừng 4 km, thôn Phai Đá hiện ra như bức tranh sơn thủy hữu tình ở vùng thượng huyện Yên Sơn. Tô điểm cho rừng keo, vườn bưởi, na là những vệt nắng vàng ruộm của mùa thu. Người Dao ở đây không chỉ chăm chỉ, siêng năng làm kinh tế, xây dựng nhà cửa khang trang mà còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa.

No ấm từ rừng

Bí thư Chi bộ Triệu Thanh Hùng dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu sơ lược về Phai Đá rồi mời uống nước lá cây mát của người Dao. Ông bảo, khác với nhiều nơi ở miền núi, dân Phai Đá chỉ uống rượu khi có khách quý. Ngay cả khi lễ, tết, rượu ở đây cũng được bà con hạn chế, để dành thời gian lao động sản xuất, chăm lo gia đình, tránh xảy ra những việc xấu ngoài ý muốn, không lường trước…

Ông Hùng bày tỏ, người Dao ở đây rất chăm chỉ lao động, song trước chưa biết khai thác thế mạnh từ đất đai nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân do một phần người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phần nữa chỉ khai thác “tài nguyên” sẵn có từ rừng, người già người trẻ lên rừng phát nương làm rẫy. Khi đám rẫy này trồng ngô lúa không lên nổi thì lại tìm đám rẫy mới. Cứ thế, những cánh rừng mất đi, mà đời sống đồng bào vẫn khó. 

dsc_5268.jpg
Vườn bưởi ngọt của gia đình ông Trần Văn Nguyên, thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) trồng theo hướng hàng hóa.

Năm 2005, khi tỉnh khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng, hỗ trợ cây giống, người Dao đã trồng rừng nhưng chưa nhiều. Năm 2011, nhiều hộ có thu nhập từ rừng, vậy là rừng cứ phát triển không còn đất trống, đồi núi trọc. Cũng vì thế mà nước lũ đã không còn xói lở được vào nhà, chuồng trại chăn nuôi con gà, con lợn cũng yên. Đến nay, thôn Phai Đá có 112 hộ dân thì có trên 120 ha rừng keo, hộ nào cũng có rừng, nhà ít vài nghìn mét vuông, nhà nhiều 5-7 ha. Giờ người dân không chỉ thoát nghèo từ rừng mà có của ăn của để. Nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ rừng, xây được nhà 2- 3 tầng như hộ ông Đặng Văn Yên, Triệu Thanh Hùng, Trương Văn Trường…

 Ông Trần Văn Nguyên là người uy tín của người Dao Phai Đá mà còn làm kinh tế giỏi. Gia đình ông có trên 7 ha rừng, 1 ha bưởi ngọt, gần 1 ha na. Ông Nguyên chia sẻ, lúc trẻ, vợ chồng ông đã không quản ngày mưa tháng nắng trồng rừng, trồng cây ăn quả nên đã tích cóp làm được ngôi nhà sàn cột bê tông 3 gian, ngót một tỷ đồng. Vui hơn, khi các con ông tính chuyện ăn riêng, ông lại có của hồi môn chia cho mỗi đứa mấy hecta để dựng nghiệp. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, ông Nguyên cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thôn vận động người dân trồng rừng, trồng cây mía, cây bưởi, cây na.

Người Dao ở Phai Đá hôm nay không chỉ dư giả cái ăn, đủ đầy cái mặc, biết tính đến việc phát triển vùng hàng hóa, mở mang các ngành nghề dịch vụ chế biến nông lâm sản phục vụ đời sống chính mình. Cả thôn có 25 ha mía cung cấp cho nhà máy đường Tuyên Quang, 40 ha cây bưởi ngọt, 10 ha na. Chuyện tích lũy dành dụm để xây nhà, mua chiếc xe máy, chiếc ti vi hay những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác không còn là điều mơ ước của nhiều gia đình ở đây.

Theo thống kê của Bí thư chi bộ Triệu Thanh Hùng, Phai Đá có trên chục nhà xây 2-3 tầng, máy móc phục vụ sản xuất thì không thiếu… Thành quả ấy bắt nguồn từ những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, của Chính phủ và sự năng động, cần cù chịu khó của những nông dân người Dao. Với nhiều nguồn vốn, chương trình, dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường và trường học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và nhà nước, đã thực sự mở ra nhiều cơ hội đổi đời cho người Dao ở Phai Đá.

Nâng cao đời sống văn hóa 

Giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Dao rất đa dạng, giàu bản sắc, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, nghi lễ trong hôn nhân, ma chay, thờ cúng, quy ước, hương ước của dòng họ, làng bản… Ông Bàn Văn Sinh khẳng định, những giá trị văn hóa này luôn gắn liền với cuộc sống của người Dao từ bao đời nay. Đó vừa là sản phẩm của quá trình lao động, sáng tạo, là tài sản của một tộc người trong quá trình phát triển, đồng thời cũng chính là những tinh hoa văn hóa vô cùng quý báu của nền văn hóa dân tộc, rất cần tuyên truyền ý thức giữ gìn, phát huy. Những năm gần đây, người dân Phai Đá đã chủ động bảo tồn chữ viết, tiếng nói, quần áo, văn hóa… Ông Sinh là một trong 2 người Dao ở Phai Đá viết, đọc, hát được tiếng Dao. 

tet-nhay-nguoi-dao-copy.jpg
Giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Dao rất đa dạng, giàu bản sắc

Những nét văn hóa đẹp như điệu hát ví, hát dặm, trò chơi lạy cỏ, tục cấp sắc, cưới hỏi… được người dao ở Phai Đá lưu giữ phát huy như liều thuốc tinh thần giúp người dân giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả hay trong dịp lễ, tết.

Bà Lý Thị Hồng là một trong những người hát ví có tiếng trong bản, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ các cấp. Bà thường dạy con cháu hát những điệu ví về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về Đảng, Bác Hồ hay những khúc hát mộc mạc từ cuộc sống thường ngày bên đồi cây, nương ngô. Với bà, đó không chỉ là niềm vui tuổi già, mà còn để giáo dục, răn dạy con cháu về thực hiện nếp sống văn hóa. Bà Hồng mong muốn tới đây, người Dao ở Chiêu Yên có thể thành lập câu lạc bộ giữ gìn bản sắc dân tộc để con em người Dao có ngôi nhà chung sinh hoạt.

Bên cạnh lưu giữ văn hóa, mọi chuyện mâu thuẫn, khúc mắc trong thôn xóm đều được giải quyết thấu đáo nhờ người có uy tín, ban hòa giải của thôn đến tận nhà để hỏi han, tâm sự. Chuyện tình làng nghĩa xóm nhờ thế cũng yên đẹp hơn, việc tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu được người dân tự giác chấp hành. Thôn Phai Đá giờ không có tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, ma túy…

Niềm vui mới đây nhất của người dân Phai Đá được nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa từ nguồn vốn 135 theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Với diện tích mặt bằng hơn 300 m2, gần 100 chỗ ngồi, tổng kinh phí 500 triệu đồng, thời gian tới việc sinh hoạt văn hóa, hội họp của nhân dân sẽ được bảo đảm hơn.  

Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên Mông Thanh Vấn cho biết: So với nhiều thôn, bản người dân tộc thiểu số trên địa bàn thì người Dao thôn Phai Đá có tinh thần tự giác, vươn lên làm kinh tế và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là yếu tố quan trọng, bền vững để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Dao ở Phai Đá: No ấm từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO