Người dân đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển rừng chống BĐKH

24/07/2015 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm qua, rừng ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị suy giảm nghiêm trọng do biển xâm thực vào sâu đất liền. Nhờ các dự án quốc tế hỗ trợ phát triển rừng, nên nhiều mảng xanh ven biển đang dần được phục hồi, trong đó người dân đang đóng vai trò chủ đạo trong việc trồng rừng, chống xói lở do nước biển dâng…

Rừng phát triển trở lại nhờ sự chăm sóc bảo vệ của người dân

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nằm cuối con sông Hậu với với diện tích tự nhiên hơn 11.000 ha, huyện cù lao này rất tươi tốt cây trái quanh năm, nhưng cũng đang phải hứng chịu cảnh ngập úng mỗi khi nước thủy triều dâng cao, lũ đầu nguồn đổ về lớn. Trong đợt triều cường giữa tháng 10 năm ngoái, người dân nơi đây bị thiệt hại tài sản, hoa màu hơn 9 tỷ đồng do đê bao bị vỡ, nước tràn vào nhà, ruộng đồng ngập úng.

 Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, nhờ có mô hình “Đồng quản lý” mà gần đây, thiệt hại do thiên tai đã giảm đáng kể.

Nằm ở phía Nam của Cù Lao Dung, tiếp giáp với biển Đông, khu rừng ngập mặn ven biển rộng khoảng 600ha đang được chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và bà con nơi đây bảo vệ rất tốt. Cánh rừng xanh mát chủ yếu là cây mắm, vẹt, bần… tạo một mảnh xanh lớn mà đứng trên đê bối cao hơn mặt ruộng vài mét cũng không nhìn thấy bờ biển.

Cánh rừng theo mô hình “Đồng quản lý” mới thành lập khoảng 3 năm nay, nhưng xuất phát ban đầu là tổ chức GIZ của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ cho người dân trồng rừng, phát triển sinh kế ngay dưới tán rừng, nên việc chặt phá rừng đã được giải quyết triệt để. Sau khi hoàn thành dự án họ bàn giao lại cho chính quyền địa phương tiếp tục quản lý, phát triển rừng, nhưng lại bị tái xâm hại.

Năm 2013, chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã lập một bản quy chế “Đồng quản lý” rừng ngập mặn ven biển, từ đó rừng phát triển trở lại nhờ có sự chăm sóc bảo vệ của người dân.

Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc chống BĐKH

Quy chế được đặt ra để phân định trách nhiệm và thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ rừng. Theo quy chế “Đồng quản lý”, toàn bộ diện tích rừng ven biển này được chia ra làm 4 khu khác nhau: khu phòng hộ (cấm tất cả các hoạt động, trừ tuần tra), các khu phục hồi bên trong rừng, khu phục hồi bên ngoài rừng và khu sử dụng bền vững chỉ thành viên của nhóm mới được đánh bắt theo quy định. Từ việc thấy sự cần thiết của rừng phòng hộ ven biển quan trọng với cuộc sống người dân đến mức nào, chính quyền địa phương đã tìm ra cách quản lý và tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định ngay dưới tán rừng là cách làm hiệu quả ở đây.

Cần nhân rộng mô hình “Đồng quản lý” để thích ứng với BĐKH

Theo Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước chỉ còn khoảng 166.000 ha rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển, giảm 60% diện tích so với cách đây 70 năm. Chiếm 80% diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển là thuộc về vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thức thấy tác hại của sự biến đổi khí hậu gây xâm nhập mặn, ngập úng, xói lở bờ biển, người dân đang dần có ý thức bảo vệ và phát triển rừng.

Cũng giống như cách làm của mô hình bảo vệ và phát triển rừng ở Cù Lao Dung, diện tích mô hình ở ấp Vàm Rầy (Kiên Giang) chỉ gần 4 ha, nhưng nó có vai trò rất lớn cho việc ngăn sóng, chống xói lở bờ biển, bảo vệ hàng trăm hộ dân sống ngay trong thân đê bối mỏng manh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 5.000 ha rừng ngập mặn trải dài dọc tuyến bờ biển trên 200km của tỉnh. Những năm qua, do sự xâm thực của biển, nhiều diện tích rừng mỏng ven bờ đã bị mất, gây xói lở nghiêm trọng cho bờ, nhiều nơi biển xâm lấn đất liền đến 25m mỗi năm.

Tỉnh đang có kế hoạch bảo vệ và phát triển diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển lên gấp đôi vào năm 2020. Tỉnh đã tiến hành rà soát lại đất đai, quy hoạch và tiến hành trồng rừng, đặc biệt là cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển nhiều hơn nữa.

Tuyến đê biển Tây thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cũng trong tình trạng tương tự, sóng biển đã tàn phá hàng chục ha rừng ngập mặn, dẫn đến sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Hiện Trung ương đang đầu tư các tuyến kè bê tông ly tâm, nhằm tạo bãi bồi để tái tạo rừng, nhưng do thiếu vốn nên thi công chậm, trong khi sóng biển tấn công ngày một dữ dội, làm cho hàng trăm ha đất đai, nhà cửa của người dân nơi đây bị trôi ra biển. Giải pháp công trình và phi công trình nhằm tạo bãi bồi để trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển đang được tỉnh Cà Mau triển khai. Đi cùng với đó là việc vận động người dân bảo vệ và trồng rừng ngay trong phạm vi khu vực sinh sống để giữ đất, chống sóng biển tàn phá.

 Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau rất muốn nhân rộng mô hình “Đồng quản lý” rừng ở huyện Cù Lao Dung để phấn đấu đến 2020, toàn tỉnh sẽ nâng cao diện tích ngập mặn để bảo vệ đất nông nghiệp và cuộc sống người dân.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự kiến cả nước phát triển diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, chống cát bay đạt 330.000 ha vào năm 2015 và 500.000 ha vào năm 2025. Để hiện thực hóa được kế hoạch này rất cần nhân rộng các mô hình bảo vệ và phát triển rừng như ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Phạm Lê

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển rừng chống BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO