Người dân địa phương không được tự ý khai thác tận thu khoáng sản

Phạm Oanh | 24/08/2021, 14:37

(TN&MT) - Tại đại phương nơi tôi sinh sống có mỏ đá trắng hoa trắng,  chủ mỏ đã đóng cửa mỏ từ 3 - 4 tháng nay. Tuy nhiên, tại mỏ vẫn còn lượng đá hoa trắng có thể tận thu để làm vật liệu xây dựng. Tôi thấy, hàng ngày, vẫn có một số hộ gia đình đến mỏ khai thác tận thu lượng đá còn lại. Xin hỏi, việc tận thu tự phát như vậy có đúng không? Pháp luật quy định như thế nào về việc tận thu khoáng sản và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng? (Hoàng Xuân Kiên, Văn Chấn, Yên Bái).

Ảnh minh họa

Về vấn đề này Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 67 Luật Khoáng sản: Khai thác tận thu khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ. Việc khai thác tận thu khoáng sản phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản

Theo Điều 68 Luật Khoáng sản: Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản có thời hạn không quá 05 năm, kể cả thời gian gia hạn Giấy phép.

Khi được cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, cá nhân, tổ chức có những quyền sau: Tiến hành khai thác khoáng sản theo Giấy phép; Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật; Đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Chuyển nhượng quyền khai thác tận thu khoáng sản; Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác tận thu khoáng sản...

Điều kiện của hộ kinh doanh được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản

Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản khi có đủ các điều kiện sau:

- Có báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố nơi có khoáng sản. Báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác phù hợp;

- Có kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Quy mô công suất khai thác không quá 3.000 m3 sản phẩm là khoáng sản nguyên khai/năm.

Do đó, người dân địa phương không được tự ý khai thác tận thu khoáng sản, nếu muốn khai thác, cá nhân, tổ chức phải làm các thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khai thác tận thu khoáng sản.

Thủ tục xin cấp phép khai thác tận thu khoáng sản gồm 4 bước như sau:

Bước 1. Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nộp hồ cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hồ sơ cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác tận thu khoáng sản; Dự án đầu tư khai thác tận thu khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt; bản sao giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bước 2. Kiểm tra hồ sơ

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra văn bản, tài liệu có trong hồ sơ. Nếu hồ sơ bảo đảm đúng quy định thì Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu không đảm bảo, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3. Thẩm định và trình hồ sơ

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thành việc kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực đề nghị khai thác tận thu khoáng sản và kiểm tra thực địa; các tài liệu, hồ sơ và các nội dung khác có liên quan đến khu vực đề nghị khai thác tận thu khoáng sản.

Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh và trình hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc cấp hoặc không cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Bước 4. Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính

Sở Tài nguyên và Môi trường trả kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Báo Tài nguyên & Môi trường

Bài liên quan
  • Sản xuất các sản phẩm từ mây, tre, nứa thân thiện với môi trường được vay vốn ưu đãi?
    (TN&MT) - Tại huyện miền núi phía Bắc như Sơn Dương, Tuyên Quang, nguồn nguyên liệu mây, tre, nứa rất phong phú. Nhận thấy tiềm năng này, gia đình tôi mong muốn thành lập xưởng sản xuất vật dụng gia đình từ mây, tre, nứa. Xin hỏi, với xưởng sản xuất vật dụng gia đình thân thiên môi trường như trên, gia đình tôi có được ưu đãi vay vốn từ quỹ bảo vệ mộ trường hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO