Người dân đang hưởng lợi từ dự án

Tuyết Chinh| 21/01/2021 09:40

(TN&MT) - Với sự hỗ trợ của Dự án GCF, tính đến cuối năm 2020, đã có 3.500 ngôi nhà chống chịu bão lũ được xây dựng; hơn 3.300 ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi, giúp giảm hơn 146.000 tấn các-bon tương đương…

Những “con số” tích cực

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Quản đốc Dự án GCF cho biết, năm 2020 là năm quan trọng để hoàn thành mục tiêu Dự án theo kế hoạch tiến độ đến cuối năm 2021, tuy nhiên đại dịch Covid-19 và bão lụt miền Trung đã ảnh hướng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Hầu hết các hoạt động đều phải tạm dừng theo chỉ thị về giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Cà Mau, sau đó là bão lũ nghiêm trọng từ tháng 9 đến tháng 11/2020 tại miền Trung Việt Nam tác động trực tiếp đến 4 tỉnh dự án (Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi).

Mặc dù vậy, với sự hỗ trợ của Dự án GCF đã có 1.045 căn nhà được hoàn thành hoặc đang trong quá trình xây dựng (đạt khoảng 90% mục tiêu năm 2020). Điều này góp phần hoàn thành hơn 3.500 ngôi nhà chống chịu bão lũ được xây dựng tại 5 tỉnh (Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) kể từ khi bắt đầu Dự án (chiếm hơn 87% mục tiêu tổng thể của dự án). Bên cạnh đó, hơn 3.300 ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi, giúp giảm hơn 146.000 tấn các-bon tương đương.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành của Việt Nam triển khai thành công 24 mô hình sinh kế giúp mang lại thu nhập cho các hộ gia đình nghèo ven biển. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn hơn 39.000 cán bộ, người dân về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

An toàn về môi trường

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, khi thực hiện các hoạt động Dự án, chỉ tiêu an toàn về môi trường và xã hội đều được đảm bảo. Trong đó, bảo đảm việc xử lý rác thải xây dựng từ các ngôi nhà cũ; 86,4% nhà xây mới đổ rác thải xây dựng đúng nơi quy định (trong năm 2019); các ngôi nhà xây mới (65%) đều tận dụng vật liệu từ nhà cũ trong quá trình xây dựng (làm móng, sân…) để tiết kiệm chi phí.

Đối với hợp phần trồng rừng ngập mặn, tất cả rác thải sau khi trồng rừng đều được thu gom xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự án cũng thiết kế kỹ thuật có biện pháp chống chua phèn tại các tỉnh triển khai hoạt động trồng và phục hồi rừng ngập mặn. Nhờ đó, tỷ lệ sống của diện tích rừng trồng và phục hồi năm 2020 đạt 75% trở lên.

Thực hiện Dự án GCF trồng rừng ngập mặn tại các địa phương. Ảnh: MH

Kỳ vọng những thành tựu mới

Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, ông Vũ Thái Trường, Quản lý Dự án GCF của UNDP, Đại diện UNDP cho biết, mục tiêu của Dự án đến năm 2021 là xây dựng được tổng cộng 4.000 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt; trồng và phục hồi 4.000 ha rừng ngập mặn. Từ đó, giảm 1,9 triệu tấn CO2 tương đương và hỗ trợ 20.000 người tiếp cận thông tin về biến đổi khí hậu, thiên tai.

Theo ông Trường, trong năm 2021, Dự án đặt mục tiêu hoàn thành 392 ngôi nhà an toàn trong kế hoạch năm 2020 và tiếp tục hỗ trợ xây dựng 437 ngôi nhà an toàn chống chịu bão lụt theo kế hoạch 2021. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng đề xuất chương trình mới về nhà an toàn chống chịu bão lụt tại 28 tỉnh ven biển. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng trong khuôn khổ Hợp phần Nhà an toàn.

Cùng với đó, trồng và phục hồi 725,06 ha; và chăm sóc diện tích 3.381,93 ha rừng ngập mặn tại 5 tỉnh có rừng của Dự án. Tiếp tục hỗ trợ thực hiện 15 mô hình sinh kế, thực hiện lồng ghép giới ở 5 tỉnh có rừng ngập mặn. Giám sát rừng ngập mặn (đảm bảo tỷ lệ sống đạt 85%) và đo đếm các-bon - mục tiêu là 284.469 tấn CO2 tương đương.

Đối với Hợp phần 3 - Thông tin khí hậu và rủi ro thiên tai, trong năm 2021, Dự án tập trung hỗ trợ triển khai quản lý/đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM/A); triển khai 28 khóa tập huấn ToT, 191 khóa tập huấn/đánh giá CBDRM/A… Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại 24 xã, 7 tỉnh ven biển và kết nối với hệ thống cảnh báo chung. Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai, bao gồm cả nâng cấp cơ sở dữ liệu triển khai Nghị định 43/Khung Sendai; Công trình dân sinh kinh tế… Xây dựng mô hình bảo hiểm rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác công tư trong phòng chống/khắc phục hậu quả thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân đang hưởng lợi từ dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO