Người dân Đà Nẵng tích cực phân loại rác tại nguồn

Lan Anh - Phạm Yến| 23/12/2019 17:40

(TN&MT) - Thực hiện Quyết định số 1577 về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Đà Nẵng, đến nay đã 03/07 quận, huyện triển khai thí điểm và nhận thức của người dân có chuyển biến rõ rệt. Đây là tiền đề quan trọng để TP. Đà Nẵng sẽ triển khai đồng loạt ngay từ đầu năm 2020.

Ngày 23/12, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng tổ chức đánh giá kết quả giai đoạn 2017-2019 và đề xuất kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố năm 2020.

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng, sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian qua đã làm gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Trung bình khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn hơn 1.100 tấn/ ngày. Dự báo đến năm 2020-2025 là trên 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025 - 2030, hơn 2.400 tấn/ngày và hơn 3.000 tấn/ngày trong thời gian từ năm 2030 - 2040. Những con số cảnh báo trên cho thấy, đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai.

Người dân Đà Nẵng tích cực phân loại rác thải tại nguồn

Nhằm giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 về ban hành Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tỷ lệ rác tái chế, tái sử dụng là 12% và đến năm 2025 là 15%.

Cùng với việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do UBND TP. Đà Nẵng ban hành, trong thời gian từ 2017-2019, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ thực hiện dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế TP. Đà Nẵng”. Dự án được triển khai thực hiện tại 04 phường của 02 quận gồm: Thạch Thang, Thuận Phước (Hải Châu) và phường Thanh Khê Tây, Hòa Khê (Thanh Khê).

Thực hiện kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn, đến nay, đã có 100% các quận, huyện ban hành Kế hoạch địa phương, xác định nhu cầu trang thiết bị; 100% cán bộ đại diện tổ dân phố, khu dân cư của 56/56 phường, xã được truyền thông trực tiếp về phân loại rác; 03/07 quận, huyện đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn, trong đó có 06 phường (thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê) và 01 phường (thuộc quận Cẩm Lệ)... Năm 2019, dự án sử dụng hiệu quả hơn 13 nghìn túi đựng rác thải tái chế, cấp hơn 5 nghìn sổ tay tuyên truyền, ghi chép tại các hộ gia đình, gần 100 thùng thu gom rác thải nhựa hai ngăn và ba ngăn tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn.

Đại diện TP Yokohama (Nhật Bản) trao tặng xe phân loại rác tái chế cho TP. Đà Nẵng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Kazuo Fukuyama - Tổng Cục trưởng Cục tái chế tài nguyên và chất thải (TP. Yokohama, Nhật Bản) đánh giá cao những nỗ lực của TP. Đà Nẵng nhằm đẩy mạnh việc phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt là sự hợp tác tích cực của người dân với chính quyền địa phương.

“Thông qua việc triển khai thí điểm tại các phường thuộc quận Hải Châu, tôi rất xúc động khi người dân đã hình thành được ý thức phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, người dân vẫn đang phụ thuộc vào vai trò của những người đứng đầu các hội, đoàn thể. Khi những người này đau ốm, rõ ràng thành quả công việc sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nhận thấy, chúng ta phải có một cơ chế tổng thể để vận hành một cách trơn tru chứ không phụ thuộc vào một cá nhân hay đoàn thể nào.”- ông Kazuo Fukuyama chia sẻ.

Ông Đinh Quang Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành và người dân. Hiện nay, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mức thu gom sau đó đem bán cho các cơ sở tái chế ngoài địa bàn.

Xe đựng rác 3 ngăn được sử dụng thu gom rác tại TP Đà Nẵng

“Hiện nay các cơ sở tái chế trên địa bàn TP vẫn còn hết sức manh mún, nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu.  Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP những công việc cụ thể để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, trước mắt, có thể khuyến khích các dự án thí điểm tái chế rác tài nguyên thành những sản phẩm có ích cho cộng đồng” - ông Đinh Quang Cường khẳng định.

Theo kế hoạch, năm 2020, Đà Nẵng sẽ nhân rộng toàn thành phố, trong đó chú trọng tổ chức đấu thầu, cung cấp tài liệu, trang thiết bị, xây dựng chương trình truyền thông hiệu quả cùng với thúc đẩy tiến độ trạm trung chuyển rác tập trung. Thành phố cũng phối hợp các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật để lồng ghép thực hiện kế hoạch 3R, phong trào chống rác thải nhựa và với thành phố Yokohama trong việc đánh giá và xây dựng chuỗi tái chế rác giai đoạn 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Đà Nẵng tích cực phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO