Người có uy tín nói và làm

Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Nga 14:10 17/05/2023

(TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…

Bình yên bản làng

Giữa cái nắng gắt của những ngày tháng 5, vượt qua những cung đường đèo dốc quanh co, uốn lượn, chúng tôi về với Mường Lạn. Là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp, Mường Lạn có diện tích tự nhiên hơn 26.400 ha, 16 bản, gần 2.000 hộ dân, hơn 10.000 nhân khẩu, 7 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Theo lời giới thiệu của UBND xã Mường Lạn, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Pú Hao – bản vùng cao nằm sát biên giới Việt – Lào, nơi cư trú của 100% đồng bào dân tộc Mông. Nhiều năm nay, bà con Pú Hao đã thay đổi nhận thức, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản làng giàu đẹp.

a1-anh-sop-cop.jpg
Già làng Giàng Chợ Sộng cùng Bộ đội Biên phòng Mường Lạn trao đổi kỹ thuật trồng cây ăn quả.

Trong sự đổi thay ấy, có bóng dáng, công sức đóng góp không nhỏ của người già làng uy tín Giàng Chợ Sộng. Dáng người cao, hơi gầy, mái tóc đã bạc phơ cùng năm tháng, già làng Giàng Chờ Sộng chia sẻ: Nhà nước hỗ trợ cây trồng, con giống rồi thì phải tự đi làm mới có cuộc sống no đủ được. Và để bà con nghe theo, tin theo, mình phải gương mẫu đi đầu.

Bởi thế, ông đã trồng cây ăn quả, khai hoang trồng lúa nước; cùng cấp ủy chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải chăm chỉ lao động sản xuất.

Gần 20 năm qua, bóng dáng của người già làng Giàng Chợ Sộng còn in dấu lên những tuyến đường biên, cột mốc vùng biên giới. Không kể mưa nắng, tháng nào ông cũng cũng cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ đội Biên phòng Sơn La) đi kiểm tra đường biên, cột mốc; cùng cán bộ Đồn biên phòng vận động nhân dân đẩy lùi các phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa.

Pú Hao hôm nay đã thành điểm sáng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đời sống bà con ngày một nâng cao, thoát nghèo từ chính sức mình.

a4-ong-la-van-luong-tien-phong-trong-nuoi-bo-nhot-chuong-tai-ban-binh-yen-xa-chieng-on.jpg
Già làng Là Văn Lương tiên phong trong nuôi bò nhốt chuồng tại bản Bình Yên xã Chiềng Ơn.

Chia tay Mường Lèo, chúng tôi ngược sông Đà để tìm về bản Bình Yên, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai. Bản có 40 hộ dân, 177 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Nơi đây, có già làng Là Văn Lương, người đã dành gần cả cuộc đời đóng góp giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Trước khi về bản Bình Yên, ông Lương là Phó Bí thư đảng ủy xã Chiềng Bằng, sau nghỉ hưu, ông về làm Bí thư bản Cướn xã Chiềng Bằng. Sau này, di chuyển tái định cư lần 2 do ảnh hưởng sạt lở sang xã Chiềng Ơn, ông mới chuyển về bản Bình Yên và làm Bí thư bản đến hết năm 2015. Gắn bó lâu dài với bà con, ông Lương luôn trăn trở phải làm sao để cuộc sống tái định cư của gia đình và người dân ổn định sau di chuyển.

a3-ong-la-van-luong-huong-dan-nguoi-dan-cach-nuoi-bo-nhot-chuong.jpg
Già làng Là Văn Lương hướng dẫn người dân cách nuôi bò nhốt chuồng hiệu quả.

Già làng Là Văn Lương chia sẻ: Khi mới di chuyển tái định cư lần 2, cuộc sống của người dân trong bản bị xáo trộn, con em đi học phải qua sông, qua đò. Người dân chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, định hướng phát triển kinh tế, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nuôi bò nhốt chuồng, trồng cỏ voi, cây ăn quả. 

Chi bộ, ban quản lý bản đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ chung tay xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn nhân dân phát triển lâm nghiệp bền vững.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, và sự nhiệt huyết, tích cực vì bản làng , đến nay, Bình Yên đã có 22 hộ thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuống với 95 con, hơn 6,1 ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc; hơn 21ha cây ăn quả chủ yếu là trám đen, mắc ca, xoài nhãn….

Người dân luôn tín nhiệm và nghe theo ông, cùng chuyển đổi suy nghĩ, lối canh tác lạc hậu sang đánh bắt thủy sản, trồng, nuôi các cây, con có giá trị kinh tế. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, cả bản chỉ còn 2 hộ cận nghèo.

a2-doi-thay-ban-binh-yen-xa-chieng-on-tren-que-moi.jpg
Đổi thay bản Bình Yên xã Chiềng Ơn trên quê mới.

Già làng Giàng Chợ Sộng, Là Văn Lương mới là 2 tấm gương trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Sơn La. Còn hàng nghìn người có uy tín khác đã và đang góp phần cùng chính quyền các cấp đổi thay bộ mặt đời sống bà con đồng bào các dân tộc.

Đó là: Ông Mùa Nỏ Nênh, bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp; ông Quàng Văn Hó, bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã; ông Lò Văn Hinh, bản Lọng Cạo, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu; ông Hà Văn Châm, bản Thàn, xã Chiềng Păn, huyện Yên Châu; bà Hà Thị Ước, bản Cang, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu…

Những “cánh tay nối dài” của bà con

Theo Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy và thể hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình với cộng đồng, là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Đội ngũ người có uy tín thực sự là lực lượng quan trọng, nòng cốt, là cánh tay đắc lực trong thế trận an ninh nhân dân và là cơ sở để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

a7.jpg
Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Đặc biệt, đã vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội. Vận dụng có hiệu quả các chính sách trong hỗ trợ sản xuất; vận động nhân dân phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trong xây dựng nông thôn mới, đội ngũ người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu, tham gia và vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Họ đã chủ động hiến đất để giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường và xây dựng các công trình phúc lợi; vận động nhân dân di dời gia súc, gia cầm ra xa nơi ở.

a6.jpg
Tổ chức cho người có uy tín đi thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương.

Họ cũng đi đầu tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt các quy ước, hương ước cộng đồng, tích cực vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan nông thôn, giữ gìn bản làng sạch đẹp; chủ động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, tang ma, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan; khôi phục, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, được nhân dân tin tưởng, quý mến.

Bằng cống hiến trên thực tế, đội ngũ Người có uy tín đã góp phần giúp bà con xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2023-2027, toàn tỉnh có 2.066 người có uy tín sinh sống trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín đã và dang là một trong những giải pháp trọng tâm để Sơn La thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO