Ngừng nhập khẩu xăng dầu: Cần thiết phải có giải pháp tổng thể

Sông Thương| 22/04/2020 14:51

(TN&MT) - Bộ Công Thương cho biết: Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các NMLD trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân.

Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, các NMLD trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm từ 30 đến 40% so cùng kỳ. Theo hợp đồng kỳ hạn năm 2020 của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho thấy, tổng khối lượng xăng dầu BSR giao mỗi tháng cho các khách hàng vào khoảng 634 nghìn m3, gồm 302 nghìn m3 xăng 95/92; 272 nghìn m3 dầu đi-ê-den và 60 nghìn m3 nhiên liệu bay Jet A1. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 khiến lượng hàng tồn kho xăng dầu của BSR đang có xu hướng tăng cao, gần đạt ngưỡng khi các khách hàng giảm bình quân tới 30% kế hoạch do tình hình tiêu thụ và sức chứa hạn chế. Đối với sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và hạt nhựa PP, nhiều khách hàng cũng đề nghị giảm sản lượng và giãn thời gian nhận hàng. Tương tự, lượng tồn kho xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang ở mức 70 đến 85% và có nguy cơ đầy kho trong vài ngày tới. Tiếp đến, mức tiêu thụ sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không đạt như kỳ vọng đã phần nào phản ánh những khó khăn mà ngành dầu khí đang phải đối diện, thậm chí thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.

PVN thiệt hại hàng tỷ usd  do tác động của dịch covid 19 và giá dầu giảm sâu

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hai Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), Bộ Công Thương cho rằng, tiêu thụ sản phẩm của các NMLD trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ Công Thương cho biết: Về phía các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu: cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết,...

Về phía các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu: điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.

Do dịch Covid-19 khiến lượng hàng tồn kho xăng dầu của BSR có xu hướng vượt ngưỡng

 Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu (ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ...); khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu; thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành...).

Ngay sau phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng, Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí/PVN triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, cụ thể:  Rà soát tổng thể kế hoạch các Lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư; Cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng; Rà soát lại các nhiệm vụ thuộc công tác thăm dò - thẩm lượng, công tác phát triển mỏ mới, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2020 (đón đầu khi giá dầu tăng); Tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2020. Cắt giảm giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách.. Đặc biệt, Bộ Công Thương yêu cầu PVN xây dựng ngay các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể trong toàn ngành dầu khí (bao gồm cả kế hoạch huy động nguồn vốn) để ứng phó kịp thời với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2020. Xây dựng các hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu. Tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư các dự án chưa thật sự cấp bách.

Bộ Công Thương cũng cho biết, đã có văn bản báo cáo và kiến Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp (tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh,…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngừng nhập khẩu xăng dầu: Cần thiết phải có giải pháp tổng thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO