Xã hội

Ngư dân Thừa Thiên – Huế vươn khơi bám biển

Văn Dinh 22/05/2023 - 20:16

(TN&MT) - 3h sáng, khi màn sương đêm vẫn còn bủa vây thì tại cảng Thuận An - cảng cá lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhộn nhịp, tấp nập khi nhiều tàu cá công suất lớn đi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển trở về cập bến.  Âm thanh thanh ngày mới rộn ràng, sôi động báo hiệu những chuyến vươn khơi thu hoạch đủ đầy tôm, cá, cũng báo hiệu "côt mốc chủ quyền đi động" ngoài khơi đã hoàn thành một hải trình dài quay về đất mẹ...

Đang vào mùa khai thác, đánh bắt hải sản nên những ngày này, ngư dân ở các xã biển Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), phường Thuận An, Hải Dương (TP. Huế ), Lộc Trì, Lộc Bình, Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đều tất bật với những chuyến biển xa bờ.

hue-1.jpg
Ngư dân Thừa Thiên – Huế bội thu tôm, cá

Dưới cái nắng nóng của miền biển, ngồi sửa soạn lại lưới cụ, ngư dân Nguyễn Thanh Đô (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) phấn khởi cho biết, tranh thủ thời tiết nắng ráo, tàu cá của ông và phần lớn các tàu ở đây cũng đang chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi sớm.

“Gia đình tôi có nhiều đời làm nghề đi biển. Đây không những là nghề truyền thống do cha ông để lại mà với bản thân tôi, nó đã thấm vào máu thịt. Mỗi chuyến đi, tôi và các ngư dân đều cầu mong trời yên biển lặng, đánh bắt được thật nhiều tôm cá…”, ông Đô chia sẻ.

Cũng trong thời gian qua, nhiều ngư dân Thừa Thiên – Huế đã mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Những con tàu này đã giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn, vươn ra ngư trường xa hơn. Chất lượng hải sản được bảo quản tốt hơn khi về đất liền, tạo động lực cho ngư dân quyết tâm vươn khơi, bám biển và góp phần giảm nghèo bền vững cho những ngư dân quanh năm bám biển.

Ông Trần Dũng (phường Thuận An, TP. Huế) nói rằng, trước đây đa số người dân ra khơi chỉ với chiếc thuyền nan nhỏ bé đánh bắt vùng lộng. Rồi họ tích cóp, vay mượn đóng được chiếc tàu xa bờ tầm 90 CV, chừng chục năm nay nâng cấp, cải hoán lên 300 CV, 400 CV, rồi đầu tư những chiếc tàu vỏ thép có trị giá hàng chục tỷ đồng giúp đánh bắt hiệu quả. Trong khí đó với nguồn tín dụng hỗ trợ vay từ chế độ, chính sách của nhà nước là động lực lớn giúp bà con ngư dân yên tâm hơn để đóng những con tàu lớn.

“Biển cả không phụ lòng người. Từ ngày hạ thủy, tàu vỏ thép của nhà tôi mang số hiệu TTH.99996.TS đã có hàng chục chuyến biển. Mỗi chuyến cho thu nhập hàng chục tấn các loại tôm cá, đặc biệt các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ đại dương. Trừ chi phí sản xuất, trả công cho lao động, mỗi chuyến biển thu lãi trên trăm triệu đồng...”, ông Dũng thổ lộ.

hue-2.jpg
Những ngày này, ngư dân miền biển Thừa Thiên – Huế hăng hái vươn khơi

Và đối với ngư dân, biển “là nhà”, trở thành quê hương thứ hai và trở nên gần gũi, thiêng liêng. Mỗi chuyến ra khơi không còn là hành trình đánh bắt hải sản, kiếm kế sinh nhai... mà đó còn là hành trình để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương. Trước khi xuất bến, ngư dân không quên treo những lá cờ Tổ quốc mới lên nóc tàu.

Giúp dân yên tâm bám biển

Sau mỗi chuyến đi biển về của ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An tổ chức nhiều buổi gặp mặt để tuyên truyền về tính pháp lý chủ quyền biển Đông của Việt Nam; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ngư dân chăm chú nghe các báo cáo viên giải thích về tính pháp lý và những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam... Cùng với đó, các chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng được thông tin cho ngư dân nắm vững.

“Mỗi lần vươn khơi bám biển là mỗi lần tự hào. Chúng tôi cần được nắm vững quy định cơ bản của luật biển, các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để làm cơ sở đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển Đông. Ngoài ra, mỗi đợt trao đổi thông tin như thế này, những thắc mắc, kiến nghị của bà con ngư dân về chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển cũng được lãnh đạo các cấp giải đáp thoả đáng, giúp chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày”, một ngư dân tại Thuận An chia sẻ.

hue-3.jpg
Lắp đặt các tủ sách pháp luật cho ngư dân

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế cũng thường xuyên lắp đặt các tủ sách pháp luật cho các tàu đánh bắt xa bờ, gồm có rất nhiều quyển sách như “Bộ luật Hàng hải Việt Nam”, “Hỏi đáp pháp luật về biển”, tờ rơi biển, đảo Việt Nam… cho ngư dân đọc mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Trong những đầu sách cấp cho ngư dân có quyển từ phổ thông về tiếng Trung, tiếng Anh (Trung - Việt; Anh - Việt), để trong trường hợp tàu không may bị sóng gió đánh dạt vào vùng biển nước ngoài, ngư dân có thể giao tiếp bằng những câu phổ thông nhất. Việc cấp phát sách nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho ngư dân về các vùng thuộc chủ quyền Việt Nam. Các văn bản pháp luật liên quan giúp ngư dân khi vươn khơi bám biển đánh bắt thủy hải sản không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.

Cũng trong thời gian qua tại Thừa Thiên - Huế, các “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” đã được lập nên. Khi tham gia tổ, các thành viên được hỗ trợ trang thiết bị, thông tin, tài liệu, được ưu tiên xét, cấp phương tiện, trang bị thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, quan sát, phương tiện an toàn, cứu sinh… khi có các chương trình, dự án.

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, để nâng cao hiệu quả hoạt động của “tổ tàu thuyền an toàn trên biển”, đơn vị đã thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản của Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam... Trên cơ sở đó, đội ngũ này sẽ làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân phát huy vai trò trách nhiệm, tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

hue-4.jpg
Với ngư dân, biển cả “là nhà”

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động của các Sở, ngành và chính quyền địa phương nên ngày càng có nhiều chủ tàu cá xa bờ ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tự nguyện viết đơn xin gia nhập vào các “tổ tàu thuyền an toàn trên biển”. Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm và tinh thần đoàn kết vươn khơi, bám biển của ngư dân Thừa Thiên-Huế cũng như ngư dân miền Trung nói chung để phát triển kinh tế, bảo vệ ngư trường truyền thống, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thừa Thiên - Huế có đường bờ biển dài hơn 120 km. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diện tích khoảng 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Toàn tỉnh hiện có 678 tàu cá đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Năm 2022, sản lượng thủy sản đạt 60.215 tấn, tăng 2,62% so với năm 2021, riêng khai thác biển đạt 37.000 tấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngư dân Thừa Thiên – Huế vươn khơi bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO