Môi trường

Nghiên cứu sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, giảm phát thải ra môi trường

Trường Giang - Khương Trung 07/06/2023 - 16:57

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng để sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, bê tông nhằm khắc phục tình trạng phát thải môi trường, hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Khắc phục tình trạng phát thải tro, xỉ ra môi trường

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, vấn đề xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, trong thời gian qua đã gây bức xúc của nhiều địa phương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành để xử lý vấn đề này. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có giải pháp cụ thể gì với các vấn đề nêu trên?

dai-bieu-nguyen-thi-lan-anh-doan-dbhq-tinh-lao-cai.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai chất vấn

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo số liệu năm 2021 thì tổng lượng tro, xỉ phát thải ra từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng 16 tỷ tấn, tính đến cuối năm 2021 thì tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 48,4 tỷ tấn.

Tro, xỉ rất ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người dân, do đó, Thủ tướng Chính phủ có giao Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp để xử lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng của tro, xỉ đến môi trường và con người.

Đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai những nhiệm vụ khoa học công nghệ xử lý tro, xỉ. Hiện, có thể nói tro, xỉ đã được sử dụng phần lớn làm vật liệu xây dựng trong sản xuất bê tông, gạch không nung, vật liệu xây lắp.

o-truong-bo-khoa-hoc-cong-nghe-huynh-thanh-dat-tra-loi-chat-van(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và công bố  được 15 tiêu chuẩn Việt Nam và 1 quy chuẩn Việt Nam có liên quan đến tro, xỉ để góp phần khắc phục tình trạng phát thải tro, xỉ ra môi trường, gây tác hại đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về danh mục, lộ trình, phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới, trong đó có các nhà máy nhiệt điện công suất thấp.

Đó là những giải pháp mà vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia xử lý vấn đề này và sắp tới đây thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai để nghiên cứu những nguồn năng lượng mới bù đắp để khi mình giảm nhiệt điện than thì mình có nguồn để bổ sung trong sơ đồ điện của chúng ta.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết góp phần giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động. Tuy nhiên thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn có nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp giúp ứng dụng công nghệ cao rộng khắp để giúp nâng cao năng suất lao động và đời sống cho bà con nông dân?

dai-bieu-phan-thi-my-dung-doan-dbqh-tinh-long-an.jpg
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An chất vấn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên thời gian qua Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai để có giải pháp ứng dụng  có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng chỉ rõ một số kết quả ban đầu và số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có phần đóng góp của khoa học công nghệ cao.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực… việc tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn.

Bên cạnh đó, đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nay còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Do đó, thời gian tới, Bộ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm phát triển đúng mục tiêu hỗ trợ khoa học công nghệ; đồng thời Bộ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chương trình cấp quốc gia phát triển công nghệ cao.

Liên quan tới câu hỏi của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm rõ hiện có nhầm lẫn giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghiệp, dẫn đến quy hoạch các khu để kêu gọi đầu tư nhà máy, nhà lưới, tự động hóa. Cần hiểu đúng bản chất về khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất về nông nghiệp. Đây không phải nơi chỉ sản xuất, sản xuất chỉ là phụ. Từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra vùng nông nghiệp, chuyển giao cho bà con nông dân theo từng mức độ.

Đồng thời cần phân biệt thế nào là  công nghệ cao. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, một số quốc gia sử dụng là nông nghiệp công nghệ, tức bất kì công nghệ nào phù hợp với năng lực sản xuất, trình độ sản xuất ở từng thời gian tạo giá trị chất lượng tối ưu để cạnh tranh trên thị trường, tạo thu nhập cho người nông dân.

070620231146-z4411471125486_148d08dd8d98e31d747629edd08f8385.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hoan nêu rõ, không thể lấy mô hình của các tập đoàn như TH hay Lộc Trời để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó cho từng hộ nông dân trồng lúa, ở đồng bằng sông Cửu Long; tương tự như vậy trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đến nay, ở nước ta chỉ có một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhất và đúng bản chất nhất, đó là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu thực nghiệm lan tỏa và đào tạo tiếp nhận thành tựu. Lõi của khu nông nghiệp cao phải từ viện, trường và các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả và chuyển giao.

Bộ trưởng cho rằng, giải pháp trong thời gian tới đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người nông dân. Bộ sẵn sàng tạo kích hoạt, mở ra thị trường chuyển giao sản phẩm nghiên cứu. Bộ trưởng cũng cho rằng, cần nhìn nông nghiệp công nghệ cao ở đặc thù nước ta để tìm ra hướng đi phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, giảm phát thải ra môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO