Xã hội

Nghĩa tình với Na Mèo

Thanh Tâm 03/01/2024 - 14:07

(TN&MT) - Na Mèo - hai tiếng thân thương, chan chứa nghĩa tình nơi biên cương “phên dậu” của Tổ quốc. Nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Để sẻ chia một phần gian khó với bà con xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Sở TN&MT Thanh Hóa đã nhận đỡ đầu xã và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bà con. Nghĩa cử ấy không chỉ góp phần thay da đổi thịt Na Mèo mà còn khiến mảnh đất vùng cao thêm ấm áp.

Chuyện con đường ở Na Mèo

Trên Quốc lộ 217 được rải nhựa mịn màng với hai bên đường là những cánh rừng xanh mênh mông, thi thoảng bắt gặp những bản làng xa xa ven triền núi. Tầm này, hoa rừng thi nhau nở báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Nhớ lại những năm 2010, lúc ấy đường lên Cửa khẩu quốc tế Na Mèo còn trập trùng gian nan, những con dốc dựng đứng tưởng lên tới tận cổng trời, rồi bỗng chốc, đột ngột lao xuống ngoằn nghèo như những con rắn khổng lồ thử thách tay lái.

Trước đây, cuộc sống của bà con Na Mèo còn muôn vàn khó khăn, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp. Thế rồi, kinh tế dần phát triển, nhất là khi Quốc lộ 217 được nâng cấp mở rộng đã rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Việc giao thương hàng hóa cũng trở nên thuận tiện hơn. Thế nhưng, tại nhiều bản xa trung tâm của xã Na Mèo như: Ché Lầu, Cha Khót, đường sá đi lại vẫn rất khó khăn, cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Xã Na Mèo được biết là xã đặc biệt khó khăn. Xã nằm giáp biên giới nước bạn Lào, địa hình rộng, đồi, núi, khe suối hiểm trở, giao thông cách trở, dân cư thưa thớt, có bản ở cách trung tâm xã 13km, (bản Ché Lầu). Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục còn nhiều thiếu thốn. Nhân dân thiếu việc làm ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Với tinh thần tương thân tương ái, Sở TN&MT Thanh Hóa đã nhận đỡ đầu xã Na Mèo, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ về vật chất, sẻ chia, động viên tinh thần để người dân và các em học sinh vùng cao vượt khó vươn lên.

Được biết, đoạn đường dài 300m lên 3 khu trường chính trước đây là con đường đất. 3 khu trường có tổng hơn 500 học sinh; hàng ngày, phụ huynh đưa đón con rất vất vả. Những ngày mưa, con đường này trở nên lầy lội, trơn trượt, thầy cô giáo phải gửi xe, đi bộ lên trường. Với các em học sinh, nhất là lứa tuổi bé, con đường đến trường còn gian nan, vất vả hơn nhiều lần.

diem-truong.jpg
Tuyến đường nối 3 điểm trường tại xã Na Mèo do Sở TN&MT Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng

Thầy Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo cho biết: Đoạn đường từ dưới bản lên 3 khu trường chính trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì lầy lội. Để có nguồn ngân sách làm đường thì không biết tới bao giờ. Nhờ sự hỗ trợ của Sở TN&MT, UBND xã đã huy động nhân công để cải tạo đường. Nay con đường khang trang đã giúp việc đến trường của thầy cô và các em học sinh thuận lợi hơn rất nhiều. Đây không chỉ là món quà vật chất thiết thực mà còn là món quà tinh thần rất lớn động viên các em học sinh và các thầy cô.

“Ở đâu có học sinh, ở đó có thầy giáo” - câu nói chắc nịch của thầy Thành khẳng định quyết tâm của một nhà giáo không quản ngại khó khăn, vất vả đã 31 năm gắn bó với huyện miền núi Quan Sơn. Những ngày đầu về công tác tại Quan Sơn, điện, đường đều chưa có, thầy phải đi bộ từ trung tâm huyện vào các bản để vận động các em học sinh đi học. Con đường tới trường ngày ấy gian nan theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Với đồng lương ít ỏi, những người thầy cô giáo xa quê hương như thầy Thành đã dành trọn thanh xuân, tuổi đời và tuổi nghề để “cõng” từng con chữ lên nương, gieo hi vọng, viết nên ước mơ cho nhiều thế hệ học trò nơi rẻo cao.

Con đường ấy về giá trị vật chất không lớn, nhưng ý nghĩa lại không hề nhỏ. Với các em học sinh vùng cao, khi cơm ăn chưa no bụng, áo mặc chưa đủ ấm thì việc tới trường chỉ là thứ yếu, chỉ cần có chút rào cản sẽ rất dễ khiến các em bỏ học giữa chừng. Con đường bê tông ấy đã giúp quãng đường tới trường của các em trở nên dễ dàng, giúp vun đắp những ước mơ mới nhen nhóm của những mầm non tương lai.

Sự quan tâm của Sở còn dành cho trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Như gia đình anh Lương Văn Hà ở bản Bo Hiềng, xã Na Mèo cùng 3 hộ dân khác ở trên khu vực đồi cao, đường đất trơn trượt, mỗi lần mưa đi lại rất khó khăn. Năm 2022, từ nguồn xi măng hỗ trợ của Sở TN&MT người dân trong bản đã góp công, góp của cùng các hộ gia đình đổ đường bê tông lên tới tận ngôi nhà sàn nơi gia đình anh Hà đang ở. Giờ đây, mỗi lần mưa lớn, gia đình anh không còn phải lo lắng nữa.

Nghĩa tình với người dân vùng cao

Những ngày cuối năm, cán bộ, lãnh đạo Sở TN&MT Thanh Hóa vẫn dành thời gian đến tận nơi, trao tận tay những món quà cho đồng bào vùng cao Na Mèo.

Để tiếp tục chương trình đỡ đầu, hỗ trợ, ngày 23/12, Sở TN&MT đã trao tặng 60 tấn xi măng, 2 ti vi cho nhà văn hóa bản Ché Lầu và Na Mèo cùng với trao tặng đồ dùng học tập cho các đơn vị trường học. Tổng giá trị hỗ trợ khoàng 200 triệu đồng.

Những món quà vật chất ý nghĩa và thiết thực sẽ giúp địa phương Na Mèo bê tông hóa một số tuyến đường vào các bản, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, 2 chiếc tivi hỗ trợ cho bản Ché Lầu và bản Na Mèo sẽ giúp công tác tuyên truyền tới đồng bào được thuận tiện hơn. Cùng với đó là những thùng đồ dùng học tập từ các Chi đoàn thuộc Sở TN&MT được đóng gói tỉ mỉ, gửi gắm tình cảm góp phần sẻ chia, động viên các thầy cô giáo đang cắm bản và các em học sinh Na Mèo.

d.jpg
Niềm vui của cô và trò tại điểm trường Sa Ná

Trải lòng trong buổi trao quà tại UBND xã Na Mèo, ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa vẫn còn băn khoăn về sinh kế lâu dài giúp người dân vùng cao thoát nghèo: “Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông chia cắt, nhiều bản nằm sâu trong núi, đất đai canh tác ít ỏi, vì vậy, để phát triển kinh tế là một bài toán khó đối với các cấp chính quyền huyện Quan Sơn. Để thực sự thoát nghèo, người dân phải vươn lên bằng chính sức của mình, những hoạt động hỗ trợ hay hoạt động thiện nguyện còn có hạn, chỉ đáp ứng được phần nào. Khẩu hiệu, băng rôn về giảm nghèo, thoát nghèo bà con nghe chưa chắc đã nhớ, đọc có lẽ cũng không hiểu. Thay vào đó phải cầm tay chỉ việc, nuôi con gì, trồng cây gì, rồi đầu tư cây, con ra sao, hướng dẫn chăn nuôi trồng trọt thế nào để cho hiệu quả kinh tế cao, đó mới là điều chúng tôi mong mỏi nhất” - ông Nghiêm chia sẻ.

Bản Ché Lầu là bản người Mông duy nhất ở xã Na Mèo. Trước đây, đường vào bản vô cùng hiểm trở, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, cả bản có 14 hộ dân theo đạo. Việc trao tặng và lắp đặt tivi tại nhà văn hóa của bản sẽ giúp việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới gần hơn với đồng bào. Đồng thời, giới thiệu những mô hình sản xuất phát triển kinh tế để bà con học hỏi.

Chia tay nhau trong cái rét căm căm nhưng nồng ấm tình người, bên những triền đồi cao, những nụ đào chúm chím đợi khoe sắc xuân, hứa hẹn một mùa xuân mới về bên cửa sổ những ngôi nhà sàn, cuộc sống của đồng bào vùng cao Na Mèo sẽ khởi sắc. Chương trình đỡ đầu Na Mèo của Sở TN&MT Thanh Hóa vẫn còn tiếp tục trong những năm tiếp theo. Đây sẽ là bước đệm để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần đưa kinh tế của xã phát triển. Vẫn luôn tin tưởng rằng, một ngày không xa, Na Mèo sẽ không còn là xã đặc biệt khó khăn, cuộc sống của người dân sẽ dần thay da đổi thịt, những đứa trẻ sẽ được sống trong đủ đầy, no cái bụng, ấm cái áo để yên tâm cắp sách tới trường.

Năm 2022, với 100 tấn xi măng được hỗ trợ, UBND xã Na Mèo đã sử dụng 70 tấn làm đường lên 3 khu trường chính ở bản Na Mèo, tổng chiều dài 300m; 3 tấn hỗ trợ gia đình chính sách sửa chữa nhà ở; 27 tấn hỗ trợ bản Son và bản Bo Hiềng sửa chữa đường giao thông nội bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa tình với Na Mèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO