Nghị định 23 về quản lý cát, sỏi lòng sông sau gần 2 năm triển khai: Đề cao trách nhiệm quản lý của các địa phương

Mai Đan| 25/11/2021 11:14

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông luôn là vấn đề phức tạp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thường xuyên tái diễn. Để quản lý việc khai thác cát, sỏi lòng sông, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ cơ chế phối hợp và quy định trách nhiệm cụ thể, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những địa phương buông lỏng quản lý, khai thác lậu còn xảy ra ở nhiều nơi…

Nhiều văn bản quy định rõ trách nhiệm

Do lợi nhuận rất lớn nên các tổ chức, cá nhân bất chấp để vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông và hệ quả không chỉ gây ra tác hại rất lớn cho môi trường, thất thoát rất lớn tài nguyên, nguồn thu ngân sách mà còn làm biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đất đai, mất đất canh tác, đe dọa các công trình thủy lợi, đê điều, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở lưu vực sông.

Ngoài Luật Khoáng sản, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước và các luật liên quan, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 23/2020 quy định cụ thể về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ bờ, bãi sông, lòng sông, xác định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, UBND địa phương.

Cụ thể, ngày 24/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nội dung Nghị định thể chế hóa 5 chính sách quan trọng, trong đó, có 2 chính sách liên quan đến trách nhiệm là: quản lý cát, sỏi theo quy định Luật Khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước; Quản lý, cấp phép, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông phải gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính.

Ngoài ra, Chính phủ đã bổ sung hành vi, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép lên 2 - 3 lần trong Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ TN&MT tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi…

Trước đó, Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Tàu khai thác cát trái phép bị tạm giữ. Ảnh: Người Lao Động

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Thực tế cho thấy, khi các Bộ, ngành và cơ quan chức năng kiên quyết, đều có thể xử lý tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi lòng sông. Bằng chứng mới đây nhất là vào cuối tháng 10/2021, Bộ Công an đã bắt quả tang 24 tàu hút cát, khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, đoạn qua địa phận 3 huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Lão thuộc TP. Hải Phòng.

Tuy nhiên, vụ việc này khiến dư luận băn khoăn, tại sao những vấn đề sai phạm của địa phương mà phải trên Bộ xuống mới xử lý được và trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu?

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, để quản lý tốt hơn việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông, Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương, các Bộ liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản. Đến nay đã có hàng chục tỉnh, thành phố ký kết quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Dẫn chứng về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông trên địa bàn TP. Hà Nội - nơi tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, đại diện trên cho rằng, để xử lý triệt để các vụ khai thác khoáng sản trái phép, Công an TP. Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND cùng cấp tổ chức tập huấn về công tác phát hiện, xử lý vi phạm cho các đối tượng liên quan. Việc phối hợp xử lý vi phạm cần chặt chẽ, thường xuyên hơn, bao gồm cả thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho hay, quá trình thực hiện xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do trong quá trình truy bắt, đối tượng luôn chạy sang địa bàn huyện khác hoặc tỉnh khác. Do đó, phải xây dựng cơ chế phối hợp xử lý cụ thể. Theo đó, UBND thành phố, cần báo cáo giao Bộ Công an thành lập Đoàn kiểm tra, trong đó có sự tham gia của lực lượng công tác các tỉnh, thành.

Đại diện này cũng đề xuất, về lâu dài, để từng bước hạn chế, giảm thiểu việc khai thác cát, sỏi lòng sông, cần khuyến khích cơ chế, chính sách nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông bằng nguyên liệu khác đang có tiềm năng của chính nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định 23 về quản lý cát, sỏi lòng sông sau gần 2 năm triển khai: Đề cao trách nhiệm quản lý của các địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO