Xã hội

Nghề nguy hiểm: Bảo vệ rừng nhưng khó bảo vệ mình

Khánh Ly 23/05/2023 - 17:35

(TN&MT) - Trong giai đoạn 2018 – 2022, cả nước đã xảy ra 68 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, làm 65 người bị thương. Đặc biệt, các đối tượng vi phạm rất nguy hiểm, manh động, có sử dụng vũ khí tấn công và đe dọa tới tính mạng của với đội ngũ cán bộ kiểm lâm, vốn chịu trách nhiệm thường xuyên tuần tra rừng tại các điểm “nóng",

Những vết đạn xuyên thủng màu áo xanh

Tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk), có lẽ ai cũng đã từng nghe câu chuyện về kiểm lâm viên Ngô Đức Liên, người bị bắn tới 17 phát đạn chì trong một lần tuần tra rừng, truy quét các đối tượng săn bắt trái phép động vật hoang dã.

Tháng 9/2018, VQG Chư Yang Sin thành lập tổ tuần tra truy quét gồm 22 người, do ông Liên làm tổ trưởng. Quá trình tuần tra rừng, cả nhóm bắt gặp 3 thợ săn trái phép. Thay vì bỏ chạy, họ bắn đạn chì thẳng vào lực lượng kiểm lâm để chống đối. Nhiều người bị trúng đạn, trong đó, ông Liên bị nặng nhất.

anh-2.png
Tịch thu súng săn trộm, súng, bẫy, xác động vật hoang dã cùng thợ săn trong vụ việc năm 2020 tại VQG Chư Yang Sin. Ảnh: WildAct

Hồi tưởng về thời khắc kinh hoàng đối mặt với những kẻ săn trộm, ông Liên chia sẻ:“Lúc đấy mọi người rối hết cả, anh em phải cởi áo làm cáng để đưa tôi ra khỏi rừng. Là một kiểm lâm, tôi cũng lường trước được khả năng sẽ gặp nguy hiểm. Tôi coi đó là tai nạn nghề nghiệp và sẵn sàng đối mặt. Lần trước anh em đi rồi thì lần này tôi xung phong thôi”.

Trên lưng ông Liên có 5 viên đạn găm vào vị trí nguy hiểm, 12 viên ở các vị trí khác trên cơ thể với tổng mức độ thương tật là 25%. Dù vụ án đã xảy ra từ cách đây 5 năm và đã bị khởi tố, nhưng đến nay, ông Liên vẫn chưa nhận được bất kỳ chi phí bồi thường chính thức nào.

Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin: Vụ án vẫn chưa khép lại do hung thủ chưa bị bắt, và thiếu hụt nhiều bằng chứng, đồng chí Ngô Đức Liên cùng gia đình phải tự chi trả toàn bộ chi phí điều trị, dẫn đến khó khăn và áp lực tài chính rất lớn. Đến nay, đồng chí Liên vẫn còn 5 viên đạn chì trong cơ thể chưa được lấy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tinh thần và công việc.

150523_vrd_1.png
Đã gần 5 năm sau vụ việc, nhưng 5 viên đạn còn lại ngày ngày gây đau đớn và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của anh Liên. Ảnh: WildAct

“Thực tế, những hỗ trợ của cộng đồng hay các chính sách hỗ trợ dành cho các cán bộ kiểm lâm nói chung vẫn còn thấp, và không đáp ứng được những căng thẳng, khó khăn và nguy hiểm leo thang mà họ đang phải đối mặt” – ông Nghĩa ngậm ngùi.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam: Điều kiện làm việc của liểm lâm rất khó khăn, làm việc bất kể giờ giấc, không có ngày nghỉ, luôn phải đối mặt với sự tấn công, đe dọa của các đối tượng vi phạm. Trong khi đó, chính sách đãi ngộ cho cán bộ kiểm lâm còn thấp, chưa tương xứng với tính chất công việc được giao. Khi bị tấn công nếu bị chết hoặc bị thương việc giải quyết chính sách rất khó khăn.

Từ năm 2020 đến 2022 có 847 công chức Kiểm lâm xin thôi việc hoặc nghỉ hưu sớm, 1.487 bảo vệ rừng viên xin thôi việc, dẫn đến thiếu hụt lực lượng bảo vệ rừng ở nhiều nơi.

Cần có chế độ, chính sách phù hợp

Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Thiện cho biết: Chức năng của Kiểm lâm (Điều 103) và nhiệm vụ của Kiểm lâm (Điều 104) Luật Lâm nghiệp không quy định kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng, sử dụng rừng, quản lý chế biến và thương mại lâm sản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đang thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về lâm nghiệp, bao gồm: Quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật, phát triển rừng, sử dụng rừng, quản lý chế biến và thương mại lâm sản. Như vậy, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ sẽ bị chồng chéo vì vừa tổ chức thực hiện, vừa kiểm tra giám sát; không bảo đảm tính khách quan, độc lập trong thực thi pháp luật và không phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp.

Chia sẻ thực tế về chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại VQG Chư Mom Ray, ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc VQG cho biết, hiện nay, lương của lực lượng này rất thấp, trong khi đa số cán bộ phải sống và làm việc tại địa bàn vùng sâu, xa. Điển hình là VQG Chư Mom Ray còn 6 trạm chưa có sóng điện thoại, chưa có điện thắp sáng. Yêu cầu công việc buộc cán bộ phải ở địa bàn 24/24 giờ, nhưng lại không có phụ cấp, không có chế độ làm thêm giờ, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Điều này khiến trong thời gian qua, nhiều viên chức, người lao động đã nghỉ việc, chuyển việc.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết: Lực lượng kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng nói chung và tại Khu Bảo tồn nói riêng thường xuyên phải sống trong môi trường rừng ẩm thấp, độc hại gây nhiều bệnh tật. Việc tổ chức tuần tra, canh phục ban đêm tại các điểm nóng thường phải trực tiếp đối mặt với các đối tượng vi phạm rất nguy hiểm, manh động, có sử dụng vũ khí tấn công xâm hại đến sức khỏe, đe dọa tới tính mạng của kiểm lâm.

Theo quy định của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử lý vi phạm, có sự thay đổi lớn về tổ chức, biên chế; bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ không được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện làm cho việc triển khai áp dụng ở cơ sở gặp nhiều khó khăn; chưa có quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức.

anh-4.jpg
Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Cúc Phương

Tính từ tháng 3/2019 khi Nghị định số 01/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, KBT văn hóa Đồng Nai đã có 43 viên chức kiểm lâm trẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt đã xin nghỉ việc và chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác; 52 viên chức kiểm lâm xin nghỉ chế độ và nghỉ hưu. Việc tuyển dụng viên chức bảo vệ rừng mới gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nhân lực và chế độ chính sách không đảm bảo.

“Theo chỉ tiêu biên chế được giao năm 2023 là 260 người thì hiện tại Khu Bảo tồn đang thiếu 42 viên chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng hiện đang được giao quản lý. Việc tuyển dụng viên chức theo chi tiêu được giao gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của KBT” – ông Hảo chia sẻ.

Rõ ràng, việc đảm bảo chế độ, chính sách đang là vấn đề cấp thiết đối với các cán bộ kiểm lâm để họ có thể yên tâm bám rừng, sẵn sàng đóng góp công sức cho sự nghiệp bảo vệ rừng.

Theo báo cáo của WWF, các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, Lào và Campuchia hiện có khoảng hơn 12 triệu bẫy thú do thợ săn dựng trái phép. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) cho biết: Chỉ tính riêng Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, kết quả tuần tra rừng phát hiện, mỗi km vuông có trung bình gần 4 loại bẫy thú to, nhỏ trái phép. Kết quả này cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc săn bắn, bẫy bắt đẩy các loài thú đến bờ vực tuyệt chủng, biến những cánh rừng già trở thành rừng chết. Chính vì thế, công việc của những cán bộ kiểm lâm như anh Ngô Đức Liên, những người ở ngay đầu chiến tuyến, là vô cùng quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn sự sống của thiên nhiên hoang dã.

Trong 3 tuần từ ngày 22/5 - 12/6/2023, WildAct phát động chiến dịch gây quỹ cộng đồng, chung tay giúp đỡ ông Ngô Đức Liên - Cán bộ phụ trách Pháp chế Hạt kiểm lâm VQG Chư Yang Sin. Chiến dịch nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng với mục tiêu 120 triệu đồng.

Số tiền này sẽ dùng để hỗ trợ chi phí gắp bỏ 5 viên đạn còn lại ra khỏi cơ thể ông Liên; mua bảo hiểm tính mạng cho ông Liên trong 1 năm; hỗ trợ một phần nhỏ số tiền bồi thường chưa nhận được trong thời gian điều trị trong 5 năm qua; hỗ trợ 25% lương tháng đền bù 25% tỷ lệ thương tật trong 5 năm tháng. Đồng thời, hỗ trợ bổ sung các dụng cụ phòng vệ, giúp giảm thiểu nguy hiểm cho cán bộ kiểm lâm VQG Chư Yang Sin trong công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Các tổ chức, cá nhân trên cả nước có thể chuyển khoản trực tiếp cho WildAct, ủng hộ qua nền tảng quyên góp trực tuyến Fundrazr hoặc ủng hộ dưới dạng hiện vật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề nguy hiểm: Bảo vệ rừng nhưng khó bảo vệ mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO