Nghệ An: Xây chùa trên đất Di tích lịch sử Quốc gia

Lê Mai | 10/03/2020 19:21

(TN&MT) - Mặc dù chưa được cấp phép nhưng UBND xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã đồng ý cho một doanh nghiệp xây dựng chùa Linh Sâm. Điều đáng nói, ngôi chùa này được dựng ngay trong khu vực di tích Đền Hữu (đền thờ võ tướng Nguyễn Cảnh Hoan – người có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ 16).  Khu vực đền Hữu đã được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2009).

Công trình chùa Linh Sâm với vốn đầu tư  khoảng 34  tỷ đồng được xây trái phép và chồng lấn khu đất của Di tích lịch sử quốc gia Đền Hữu đã gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Chùa Linh Sâm được xây dựng trái phép trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử đền Hữu.

Đại diện dòng họ Nguyễn Cảnh, ông Nguyễn Cảnh Nhu cho biết, Đền Hữu thuộc xóm Yên Quang, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576), một võ tướng có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng. Năm 2009, đền được xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia. Đền Hữu được xem là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử khi còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện, 38 sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng và rất nhiều cổ vật, di vật có giá trị.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2019, xuất hiện một nhóm người ngang nhiên đến chặt phá vườn cây cổ thụ phía bên phía Tây đền Hữu (nằm trong khu vực bảo vệ của di tích Đền Hữu), sau đó liên tục cho xe tải chở vật liệu, bê tông, gỗ, ngói để xây dựng chùa.

“Toàn bộ diện tích khoảng 6.000m2 phía trái đền Hữu đã bị xâm hại nghiêm trọng. Chúng tôi không biết chủ đầu tư này là ai mà ngang nhiên làm liều. Họ đã phá hoại của đền Hữu hàng chục cây mít cổ thụ. Phía dưới nền đất này, còn có rất nhiều ngôi mộ thuộc dòng tộc chúng tôi. Điều này khiến cho người dân và gia tộc hết sức căm phẫn” – ông Nguyễn Cảnh Nhu nói.

Di tích lịch sử quốc gia Đền Hữu thờ Võ tướng Nguyễn Cảnh Hoan

Theo phản ánh của nhiều người dân xã Thanh Yên, việc xây dựng chùa Linh Sâm diễn ra rất khẩn trương, nhanh chóng. Nhận thấy chùa Linh Sâm xây dựng xâm lấn di tích quốc gia nên người dân đã làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ đền Hữu.

Tại các buổi làm việc, UBND xã Thanh Chương đã cho biết, chùa Linh Sâm được xây dựng trên khu vực đất công do xã quản lý. Nhưng, khi nhân dân yêu cầu chính quyền xã cung cấp hồ sơ pháp lý của công trình thì xã đã không cung cấp được. Thậm chí, lãnh đạo UBND xã còn khẳng định công trình này do xã là đồng chủ đầu tư nhưng lại không cung cấp danh tính của doanh nghiệp, cá nhân nào đóng góp tiền bạc để xây chùa.

Ông Nguyễn Cảnh Sáu – Phó chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Cảnh Việt Nam cho biết, sau khi phát hiện ra sự việc này, chúng tôi đã tìm đến các cơ quan chức năng như Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tìm hiểu thì được biết toàn bộ khu đất mà UBND xã giới thiệu để xây dựng chùa Linh Sâm đều thuộc trong khu vực bảo tồn của đền Hữu. Đây là khu vực nghiêm cấm, không được phép xâm phạm.

“Việc xây dựng chùa Linh Sâm đã làm biến dạng vuôn viên đền Hữu. Chính quyền huyện, xã là người quản lý Di tích lịch sử Quốc gia này nhưng cố tình lờ đi để cho một nhóm người vào xâm phạm Di tích khiến nhân dân xã Thanh Yên vô cùng bất bình”- ông Sáu bức xúc.

Phía dưới nền đất xây dựng chùa Linh Sâm vẫn còn các khu mộ của dòng tộc Nguyễn Cảnh.

Làm việc với phóng viên, ông Bùi Hữu Chương - Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết, công trình xây dựng chùa Linh Sâm là do UBND xã là đồng chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi về danh tính doanh nghiệp, cá nhân đã tài trợ tiền để xây chùa Linh Sâm thì vị chủ tịch xã trả lời là không biết.

Trong khi đó, tại một bản kiểm điểm cá nhân của ông Lê Hồng Long – Bí thư xã Thanh Yên (người trước đây đã trực tiếp giới thiệu địa điểm xây dựng chùa Linh Sâm trên đất của Đền Hữu) lại ghi rõ, sau khi chủ đầu tư đặt vấn đề là kinh phí đã có đủ. Nếu địa phương không thu xếp được địa điểm thì sẽ đầu tư xây dựng chùa ở địa phương khác nên xã đã nóng vội cho xây dựng trên đất đền Hữu để không phải giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chủ đầu tư xây dựng chùa Linh Sâm là ai và số tiền chuyển cho ông Long và những người liên quan để xây chùa là bao nhiêu thì chưa cơ quan nào tiết lộ.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay, khi giới thiệu địa điểm để xây chùa thì xã Thanh Yên khẳng định là do xã quản lý, xây rồi mới biết chồng lấn lên phần khoanh vùng bảo vệ của khu di tích. Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, lãnh đạo huyện đã xuống kiểm tra và yêu  cầu xã Thanh Chương phải đình chỉ công trình từ tháng 10/2019. Phương án xử lý phải chờ Sở, ngành chuyên môn.  Liên quan đến vụ việc này, UBND huyện Thanh Chương cũng đã ra quyết định kỷ luật 4 lãnh đạo và cán bộ xã.

Được biết: Ngày 13/2/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản trả lời UBND tỉnh Nghệ An về việc xây dựng chùa Linh Sâm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đền Hữu. Theo đó, qua kiểm tra thực tế tại di tích đền Hữu, vị trí xây dựng chùa Linh Sâm thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích đền Hữu. Vì vậy, công trình này đã vi phạm vào khoản 13 điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, có phương án giải quyết theo thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Xây chùa trên đất Di tích lịch sử Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO