Nghệ An: Vì sao tiếp tục đầu tư vào CCN ô nhiễm giữa lòng thành phố?

Đình Tiệp - Thành Vinh| 17/11/2020 06:29

(TN&MT) - Cụm công nghiệp Đông Vĩnh là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay nên tỉnh Nghệ An đã có chủ trương di dời ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, mới đây CCN này lại bất ngờ được thông qua chủ trương “bơm” tiền để “nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật” khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Có chủ trương di dời

Hơn 10 năm trước, việc quy hoạch phát triển các Cụm công nghiệp (CCN) vệ tinh xung quanh thành phố Vinh đã được tỉnh Nghệ An triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Và, các CCN như Đông Vĩnh, Hưng Đông, Bắc Vinh, Hưng Lộc, Nghi Phú…đã góp phần không nhỏ trong việc tạo hạ tầng, mặt bằng để “gom” các cơ sở kinh doanh sản xuất nằm rải rác, xen dắm trong khu vực dân cư ở các phường, xã tập trung về đây.

Vậy nhưng, những năm gần đây, các CCN xung quanh TP. Vinh đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra. Điển hình như tại CCN Đông Vĩnh thuộc phường Đông Vĩnh, TP. Vinh với tổng diện tích 5,34ha với 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay đang là “điểm nóng” về vấn đề môi trường đang khiến người dân địa phương bức xúc.

CCN Đông Vĩnh nhiều năm qua bị người dân phản ứng vì gây ô nhiễm giữa lòng thành phố Vinh

Gần đây, tại CCN Đông Vĩnh khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đã phát hiện Công ty cổ phần Bao bì Nghệ An có nước thải sinh hoạt xử lý chưa đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành (BOD5 vượt 1,31 lần, Coliforms vượt 18 lần so với quy chuẩn cho phép). Đó là chưa kể nhiều hệ lụy về môi trường tồn tại lâu nay tại CCN Đông Vĩnh vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh bị đảo lộn.

Trước vấn đề này, vào cuối năm 2019, trong bản báo cáo trả lời kiến nghị của cư tri, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành và TP. Vinh sớm có lộ trình đưa các CCN có nguy cơ ô nhiễm cao ra khỏi thành phố. Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo phải sớm có phương án di dời các cơ sở, đơn vị có ngành nghề sản xuất kinh doanh nguy cơ ô nhiễm hiện hữu.

Được biết, trước đó TP. Vinh cũng đã có chủ trương thiết lập lại quy hoạch, đưa các CCN nguy cơ ô nhiễm ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục, hợp đồng cho thuê đất đã ký với các doanh nghiệp nên lộ trình này đến nay vẫn chưa được thực hiện trên thực tế.

CCN Đông Vĩnh nằm lọt thỏm trong khu dân cư, cơ sở hạ tầng cũng lạc hậu, thấp kém

Lâu nay, hệ lụy từ việc quy hoạch các CCN bao quanh thành phố đã trở thành bài học nhãn tiền đối với các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước. Vấn đề này ngay tại Tp Vinh, tỉnh Nghệ An đang gây nhức nhối trong đời sống dân cư.

Thiếu đồng bộ trong quy hoạch các CCN, xây dựng hạ tầng theo kiểu “chắp vá” nên sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, nhiều “điểm đen” về ô nhiễm môi trường đã không ngừng hình thành. Trong khi công tác xây dựng hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn chưa thể hoàn thiện, nếu có thì hoạt động không hiệu quả, công nghệ lạc hậu.

“Bơm” tiền tỷ cải tạo, liệu có hợp lý?

Tuy có những bất cập nêu trên nhưng không hiểu lý do vì sao mà ngày 09/7/2020, UBND tỉnh Nghệ An lại có báo cáo, trình HĐND tỉnh biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư, phân bổ nguồn kinh phí 06 tỷ đồng để tiếp tục “bơm sức” cho CCN Đông Vĩnh tiếp tục tồn tại khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Theo đó, thời gian tới, tỉnh Nghệ An cũng chấp thuận, giao cho UBND TP. Vinh làm chủ đầu tư dự án “Nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật CCN Đông Vĩnh” với mục tiêu tạo sự đồng bộ của hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Tỉnh Nghệ An vẫn quyết "bơm" cho CCN này 6 tỷ đồng để "nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật"

Nội dung, quy mô của dự án là chỉ sửa chữa lại hệ thống mương thu gom nước thải tập trung chiều dài khoảng 1km và hồ điều hòa với tổng diện tích 1.080m2.

Đánh giá về giải pháp này, các chuyên gia về môi trường cho rằng, với nguồn kinh phí và quy mô dự án như vậy sẽ khó phát huy hiệu quả trong tương lai.

Việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với CCN Đông Vĩnh hiện nay như yêu cầu doanh nghiệp cam kết không xả thải nguồn thải chưa được xử lý đạt chuẩn ra môi trường, thường xuyên giám sát, xử lý bằng chế tài theo quy định đối với cơ sở không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường… là điều cần thiết.

Ô nhiễm môi trường là nỗi lo với người dân thành phố Vinh vì có ít nhất 4 CCN và 1 KCN bao vây thành phố này

Chính vì vậy, với việc phải bỏ ra một nguồn kinh phí không nhỏ như vậy để nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải nói trên liệu có là giải pháp bền vững cho sau này trong khi chủ trương di dời lại không được thực hiện là điều khiến dư luận hết sức băn khoăn, khó hiểu.

Được biết, hiện nay toàn tỉnh Nghệ An có 3/7 KCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; 14/22 cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải và trong 8 cụm chưa được đầu tư thì có 7 cụm chỉ có hệ thống hồ sinh học chứ chưa có hệ thống xử lý tập trung.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Vì sao tiếp tục đầu tư vào CCN ô nhiễm giữa lòng thành phố?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO