Nghệ An: Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch gia súc

Đình Tiệp| 08/05/2021 08:13

(TN&MT) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 04/5/2021 yêu cầu triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Được biết, tại Nghệ An, hiện nay đang có 107 ổ dịch Viêm da nổi cục (VDNC) tại 15 huyện, thành, thị; tổng số gia súc mắc bệnh 3.361 con trâu, bò; số gia súc chết, buộc tiêu hủy tại các ổ dịch là 325 con. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang có 102 ổ dịch chủ yếu xảy ra rải rác ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại 11 huyện, thành, thị; số lợn buộc tiêu hủy là 10.873 con, trọng lượng 724.833 kg.

Để khẩn trương khống chế dịch VDNC, DTLCP trong thời gian sớm nhất, tại Công điện này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò và bệnh DTLCP; không để dịch dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới.

Cùng với đó, chủ động giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch ở phạm vi hẹp; báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch hàng ngày về Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y; tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm Vụ Xuân năm 2021 đảm bảo đạt 100% diện tiêm.

Đối với bệnh VDNC, các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu và triển khai khẩn cấp tiêm phòng vắc xin VDNC cho toàn bộ đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng đạt 100% diện phải tiêm.

Tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc

Đối với bệnh DTLCP thực hiện nghiêm "06 không” trong phòng, chống DTLCP và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Chỉ cho phép tái đàn lợn tại các hộ chăn nuôi đảm bảo điều kiện về chuồng trại và kê khai các hoạt động chăn nuôi đã được UBND cấp xã, UBND cấp huyện kiểm tra, xác nhận.

Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật.

Các địa phương cần thành lập đội phản ứng nhanh thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, vứt xác trâu bò chết, lợn chết ra môi trường; tiêu hủy ngay xác trâu, bò, lợn chết tránh ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Những huyện nào lơ là, thiếu trách nhiệm, để dịch VDNC, DTLCP lây lan ra diện rộng, để người dân vứt xác động vật chết ra môi trường thì Chủ tịch UBND huyện đó bị phê bình và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch, lợi ích của việc tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, đặc biệt tuyên truyền cụ thể các biện pháp phòng bệnh đối với bệnh VDNC, DTLCP và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch gia súc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO