Nghệ An sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản - Tăng thu từ khai thác khoáng sản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Đình Tiệp (thực hiện)| 30/06/2022 06:04

(TN&MT) - Sau 12 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

PV: Xin ông cho biết tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực?

8-1-.jpg

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu: Trước khi có Luật Khoáng sản 2010, chúng ta áp dụng Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005. Luật trước đã bộc lộ tính chặt chẽ, hoàn thiện chưa cao vì thực tiễn có nhiều vấn đề mà Luật chưa thể bao quát hết được.

Vì thế, giai đoạn trước khi Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực, vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản mang nặng tính xin - cho; vấn đề quy hoạch khoáng sản cũng khá manh mún; năng suất, hiệu quả khai thác chưa cao. Vì thế, nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản không đáng kể, tình trạng lãng phí tài nguyên khoáng sản cũng nhìn thấy rõ rệt.

PV: Sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, Nghệ An đã triển khai như thế nào và việc khai thác khoáng sản có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu: Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực từ tháng 7/2011, thay thế Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005. Trong đó có nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung mới mang tính cơ bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Luật Khoáng sản 2010 đã kế thừa và thể hiện được các quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với khoáng sản trong giai đoạn trước đó. Luật đã thể hiện rõ những quan điểm mới mang tính “đột phá” làm thay đổi căn bản công tác bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia; giải quyết được các vấn đề gây nhiều bức xúc và tranh luận trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản từ trước đến nay; đồng thời bãi bỏ các quy định bất cập, bổ sung các quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn. Việc chi tiết hóa các vấn đề có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn ngay trong các điều khoản của Luật, giúp giảm số lượng các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

Công tác kinh tế địa chất đã có những kết quả tích cực, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng thông tin, số liệu điều tra, thăm dò của Nhà nước; công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện bước đầu đã có kết quả nhất định. Nghệ An đã triển khai nhiều đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản với hàng chục điểm mỏ, thu về ngân sách các địa phương hàng trăm tỷ đồng, góp phần đưa quy định mới của Luật Khoáng sản 2010 vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong cấp phép hoạt động khoáng sản, lựa chọn được tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tài chính, công nghệ; minh bạch trong cấp phép, góp phần tăng thu ngân sách.

PV: Thi hành Luật Khoáng sản 2010 trên địa bàn tỉnh, Nghệ An đã gặp những khó khăn gì và kiến nghị hướng giải quyết ra sao?

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu: Sau 12 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Quy định về thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu... chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, hợp lý, tiết kiệm khoáng sản khi khai thác, chế biến; chưa có quy định cụ thể việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật do hoạt động khoáng sản gây ra.

8-2-.jpg

Một góc vùng mỏ Quỳ Hợp (Nghệ An)

Công tác quản lý hoạt động khoáng sản đã khắc phục tình trạng cấp phép manh mún, tràn lan ở địa phương; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản; tăng nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách Nhà nước thông qua công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sử dụng dữ liệu, thông tin tư liệu địa chất khoáng sản, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đi đến chấm dứt hoạt động khai thác trái phép, đến nay, tình trạng này đã giảm cả về số lượng địa phương có hoạt động khai thác trái phép cũng như số lượng các khoáng sản bị khai thác trái phép. Tuy nhiên, khai thác trái phép khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp vẫn còn khá phức tạp ở nhiều địa phương, dù đã giảm nhưng vẫn có nguy cơ tái diễn như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành...

Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp khai thác không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác và khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) gây tác động xấu không chỉ về môi trường mà cả về kinh tế - xã hội.

Để khắc phục những vấn đề trên, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể tới Bộ TN&MT như: Cần đẩy mạnh và thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản - Tăng thu từ khai thác khoáng sản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO