Nghệ An: "Đất tặc" lộng hành vì thiếu mỏ đất?

06/03/2017 00:00

(TN&MT) – Hiện đang là mùa xây dựng, vì thế thế không ít địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang xẩy ra tình trạng khai thác đất trái phép tràn lan. Thực trạng trên không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên mà còn khiến cho môi trường bị ô nhiễm, người dân bức xúc. Tuy nhiên, nguyên nhân tình trạng trên hầu hết lại được các cơ quan có thẩm quyền giải thích là do “thiếu mỏ đất”?

Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh của người dân thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) về tình trạng khai thác đất trái phép xẩy ra ở địa phương này. Theo đó, do nhu cầu thi công đê Cẩm Thái và một số công trình khác nhưng địa phương này lại không có mỏ đất nên đã chọn cách đi đào đất khắp nơi để phục vụ nhu cầu thi công công trình. Theo đó, từ nhiều tháng qua khi đi qua thị trấn Dùng không khó để bắt gặp các đoàn xe tải chở đất nối đuôi nhau từ khu vực đồi đất của các khối 2 và khối 14.

Nhộn nhịp khai thác đất trái phép tại khối 14, thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) kéo dài trong thời gian qua
Nhộn nhịp khai thác đất trái phép tại khối 14, thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) kéo dài trong thời gian qua

Theo quan sát của PV, tại khu vực hai khối nói trên có từ 6-7 điểm khai thác đất khác nhau. Có khu vực đã khai thác xong, hàng nghìn khối đất đã được mang đi để lại đất đá nham nhở, lởm chởm, thậm chí hình thành nên những hố sâu hoắm do “đất tặc” đã rút đi mà không được hoàn thổ.

Trong những ngày cuối tháng 2/2017 thì có hai địa điểm đang tiến hành khai thác là khu vực đồi sâu của khối 14 và khu vực sát nghĩa địa thuộc khối 2. Theo đó, hàng chục xe tải nườm nượp vào ra để chở đất đi san lấp mặt bằng của Chi cục Thuế huyện Thanh Chương và đê Cẩm Thái từ xã Thanh Đồng lên xã Thanh Văn. Hai máy múc công suất lớn là phương tiện để “đất tặc” tiến hành đào đất trái phép.

Rời Thanh Chương, chúng tôi về huyện Yên Thành. Đây cũng là huyện hiện nay không còn mỏ đất nào được cấp phép. Vì thế, cũng với lý do xây dựng công trình nên nhiều đối tượng thản nhiên tiến hành khai thác đất trái phép ở khắp nơi. Những địa điểm lâu nay “đất tặc” lộng hành nằm ở các xã Mỹ Thành, Xuân Thành, Tăng Thành, Mã Thành và Đức Thành.

Không khó để bắt gặp những xe tải chở đất từ các mỏ không phép tung tăng trên đường như thê này
Không khó để bắt gặp những xe tải chở đất từ các mỏ không phép tung tăng trên đường như thê này

Theo đó, tại xã Xuân Thành ngay sát với nghĩa địa ở gần Rú Gám bấy lâu đã bị đào bới tan hoang, cảnh tượng những hầm hố sâu hoắm như những hố bom bao trùm cả một khu đồi rộng lớn, những dấu vết đào bới còn mới chằng chịt khiến cho nơi đây trở nên hoang tàn.

Tại xã Tăng Thành cũng có hiện tượng khai thác đất trái phép từ nhiều năm nay. Với lý do cải tạo mặt bằng để làm vườn cam, Công ty Đường Thành đã thản nhiên đào bới đồi đất nằm gần một đập nước của địa phương này đem đi bán và làm công trình khắp nơi từ vài năm nay. Mặc dù các cơ quan chức năng của địa phương này đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp nhưng nhưng ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2017 này thì tình trạng đào bới khu vực này đem đất đi bán vẫn còn tiếp diễn.

Tại xã Đức Thành, một cá nhân tên Dũng đã thuê một doanh nghiệp “núp bóng” đào ao để làm trang trại nhưng nguồn đất đào ra là loại đất sét có màu trắng bạc (có giá trị cao – PV) với khối lượng lớn đã được doanh nghiệp này chở xuống Khu công nghiệp Bắc Vinh bán cho Nhà máy gạch Granit Trung Đô kiếm lời bất chính. Hàng ngày doanh nghiệp này chở khoảng vài chục chuyến xe tải với khối lượng hàng nghìn mét khối nườm nượp chở loại đất này tung tăng trên QL48 và QL1 trong sự thờ ở của các cơ quan chức năng.

Khai thác đất trái phép được giải thích bởi lý do không có quy hoạch mỏ đất liệu đã phải lời giải thích hợp lý của những người có trách nhiệm?
Khai thác đất trái phép được giải thích bởi lý do không có quy hoạch mỏ đất liệu đã phải lời giải thích hợp lý của những người có trách nhiệm?

Ngoài ra, ở huyện Diễn Châu có từ 3-4 điểm khai thác đất trái phép tại xã Diễn Đoài diễn ra từ nhiều tháng qua nhưng không hiểu lý do vì sao những người có trách nhiệm của địa phương này lại không hề hay biết, xử lý?

Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Các công trình từ dân dụng cho đến các dự án nhà nước thực hiện trên địa bàn đều có phương án lấy đất san lấp và được các cơ quan chức năng phê duyệt. Tuy vậy, do chưa có mỏ đất nên đất san lấp chủ yếu vẫn lấy từ các hộ cải tạo vườn tược. Cũng có kiểm tra, xử lý nhưng chưa được!

Ông Nguyễn Đức Thiện – Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Thành, cho hay: “Hiện nay huyện Yên Thành có 5 xã đang là điểm “nhằm nhọt” về khai thác đất trái phép là Mỹ Thành, Xuân Thành, Tăng Thành, Mã Thành và Đức Thành. Vừa rồi tại xã Mỹ Thành huyện đã vào cuộc và xử lý dứt điểm, còn hai địa điểm ở Rú Gám thuộc xã Xuân Thành huyện cũng mới bắt giữ, xử lý. Hiện, đang tập trung xử lý ở xã Mã Thành và sắp tới sẽ kiểm tra xã Đức Thành”.

Việc khai thác đất khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa cấp giấy phép khai thác dù được giải thích với lý do gì đi chăng nữa đều là vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản. Vì thế, ngoài việc quy hoạch các điểm mỏ và có cơ chế nhanh gọn, thông thoáng cho doanh nghiệp xin giấy phép khai thác mỏ đất là điều mà các cơ quan chức năng nên cần nghiên cứu, xem xét. Đồng thời cũng cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng khai thác tài nguyên quốc gia, kiếm lời bất chính.

Bài & ảnh: Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: "Đất tặc" lộng hành vì thiếu mỏ đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO